Thứ ba, 23/8/2016, 21h00

Nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển du lịch biển - đảo

Đại biểu thảo luận tại hội thảo

Trường ĐH Văn Hiến vừa tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển bền vững du lịch biển - đảo Việt Nam thời kỳ hội nhập” với sự tham gia của đại diện sở VH-TT&DL 28 tỉnh/thành có biển và các trường có đào tạo ngành du lịch. Tại đây, ông Lê Anh Tuấn (Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VH-TT&DL) nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch biển - đảo với vị trí địa lý, cấu tạo địa hình, tài nguyên phong phú. Thời gian qua, du lịch biển - đảo được quan tâm trong chủ trương, chính sách của Nhà nước và đã có những thành quả cao trong thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, từng bước tạo dựng được thương hiệu du lịch biển - đảo đặc biệt là sản phẩm biển nghỉ dưỡng cao cấp. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nhiều vấn đề còn đặt ra đối với đẩy mạnh phát triển bền vững du lịch biển - đảo như: cơ chế chính sách, hoạt động xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, an ninh, an toàn, cứu hộ cứu nạn, vệ sinh môi trường… Ông Tuấn chỉ ra, thời gian qua, trong quy hoạch và đầu tư phát triển, nhiều điểm du lịch biển rất có giá trị được cho là mang đẳng cấp quốc tế, quy mô lớn nhưng không ít địa phương đã chuyển đổi mục đích sang phát triển các ngành công nghiệp nặng, dịch vụ cảng biển logistic… ảnh hưởng đến tiềm năng chung. Hệ thống đường giao thông, điện lưới quốc gia, nước ngọt, thông tin viễn thông… trên các đảo du lịch còn nhiều hạn chế. Thiếu các dịch vụ hỗ trợ để du khách tàu biển lưu trú dài ngày; thiếu cơ chế phù hợp trong phát triển du lịch biển - đảo, các thủ tục liên quan còn rườm rà, gây trở ngại cho phát triển du lịch biển - đảo. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường chỉ đầu tư khai thác những tài nguyên có sẵn, chưa sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch dẫn đến sản phẩm du lịch biển - đảo còn nghèo nàn, trùng lắp, thiếu đồng bộ, chưa đặc sắc…

ThS. Ngô Xuân Hào và ThS. Nguyễn Duy Cường (Khoa Du lịch Trường ĐH Văn Hiến) đồng quan điểm khi cho rằng, để thúc đẩy phát triển du lịch biển - đảo thời hội nhập, cần chú ý xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo sự khác biệt thu hút du khách. Đồng thời, cần xây dựng các sản phẩm du lịch phụ trợ, đa dạng hóa các dịch vụ du lịch biển qua đó “giữ chân” du khách. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng khâu quảng bá để tăng tính cạnh tranh cho du lịch biển - đảo của Việt Nam.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu thời hội nhập cũng được nhiều đại biểu bức thiết đặt ra. Cả nước hiện có 156 cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch từ ĐH, CĐ đến TC, ngắn hạn. Riêng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến du lịch biển - đảo hiện thiếu các chương trình đặc thù mang tính chuyên môn hóa đối với lĩnh vực này, thay vào đó chỉ chủ yếu là các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn dành cho nhân viên quản lý những khu du lịch biển…

M.Tâm