Chủ nhật, 25/10/2015, 21h58

Nhìn “hầu bao” mà chọn trường

Chọn cho mình một ngôi trường phù hợp với năng lực, khả năng tài chính quả là một điều không dễ dàng đối với những bạn trẻ đang có ý định đi du học, nhất là những ai có “hầu bao” hạn chế.

Theo bạn Đinh Vũ Quỳnh Phương, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Yale (Mỹ), một ngôi trường tốt phù hợp với mình không nằm ở tên gọi, cũng không nằm ở thứ hạng trên bảng xếp hạng các trường ĐH danh tiếng. Muốn chọn một ngôi trường phù hợp với bản thân (năng lực, tài chính, đam mê…) và cho dù là hệ thống trường nào đi nữa thì các bạn cũng cần phải xét đến một vài yếu tố cần thiết.

Đừng ngại chọn Community college

Bạn Quỳnh Phương cho rằng, việc đầu tiên cần làm khi vạch ra kế hoạch đi du học là mình muốn hoặc cần phải đi đâu. Nếu đã xác định được “mình thích làm gì hay mình muốn đi con đường nào rồi” thì nên chọn những trường có đào tạo ngành bạn muốn học, hoặc ít nhất có dạy các môn bắt buộc tối thiểu để về sau chuyển tiếp lên hệ cao hơn. Nếu bạn chọn học những ngành phổ biến như kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, luật, y… thì có lẽ không thiếu sự lựa chọn bởi có rất nhiều nơi đào tạo những ngành này. Tuy nhiên, nếu chọn một hướng đi khác, “kén” người theo đuổi hơn như âm nhạc, kịch, thiết kế thời trang, kiến trúc, môi trường, thực phẩm… thì nên tìm hiểu kỹ xem trường nào có thế mạnh, uy tín trong lĩnh vực bạn quan tâm để xác định nơi mình sẽ đến. “Dù đa số các hệ thống trường có tiếp nhận sinh viên quốc tế hiện nay đều cho sinh viên lựa chọn hoặc đổi ngành học sau năm đầu tiên nhưng nếu không xác định được hướng đi ngay từ đầu, bạn sẽ dễ bị lạc lõng và mất phương hướng do các yếu tố truyền thông của trường hoặc nước sở tại tác động”, Quỳnh Phương chia sẻ.

Để chọn trường ĐH phù hợp với bản thân, du học sinh cần phải xét đến nhiều yếu tố như tài chính, năng lực... Ảnh: N.Trinh

Vấn đề quan trọng thứ hai là xác định khả năng tài chính. Đây chính là yếu tố then chốt quyết định bạn có đi du học được hay không và nếu đi thì liệu có thể đi đến tận cùng được hay không. “Nói thẳng ra là gia đình bạn có thể chi trả được bao nhiêu và trường bạn học có thể hỗ trợ cho bạn bao nhiêu. Nếu không có đủ khả năng tài chính theo học tại các trường College/University trong thời gian 4 năm thì bạn có thể cân nhắc để đến một loại hình tiết kiệm chi phí khá phổ biến cho cả ở Mỹ và quốc tế, đó là Community college (tạm dịch là CĐ cộng đồng) với thời gian 2 năm, học phí trung bình rẻ hơn các trường ĐH (trung bình khoảng 7.000-8.000 USD/năm). Dĩ nhiên số tiền này chưa bao gồm chi phí ăn ở của các bạn, nhưng dù sao số tiền cũng nhỏ hơn so với số tiền mà bạn phải chi trong 2 năm đầu khi học ở trường 4 năm, dù là trường công hay tư. Sau khi tốt nghiệp Community college, bạn thường có hai sự lựa chọn: Một là chuyển tiếp lên ĐH 4 năm, hai là đi làm với tấm bằng Associate degree (chứ không phải là Bachelor’s degree như ở ĐH 4 năm)”, Quỳnh Phương cho biết.

Tập “săn” học bổng

Những bạn đi du học có “hầu bao” hạn hẹp nếu vẫn muốn theo học hệ ĐH, nên đặt mục tiêu “săn” học bổng hỗ trợ bên ngoài. Theo Quỳnh Phương: Ở Mỹ, cấp bậc ĐH (Undergraduate level) thường có hai loại hỗ trợ tài chính, đó là: Merit-based và Need-based. Merit-based, tức là bạn phải dùng thực lực của mình (điểm GPA, điểm SAT hay ACT, bài luận, hùng biện, làm video, dự án…) để tranh giành học bổng với các đối thủ khác. Còn Need-based không phụ thuộc vào năng lực, đơn giản bạn chỉ cần điền đơn xin trợ cấp mà thôi. Phần lớn khi xin hỗ trợ tài chính need-based, ai cũng có cơ hội được nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng hào phóng cấp hỗ trợ tài chính dạng need-based cho sinh viên quốc tế, mà đa số sinh viên phải dựa vào merit-based scholarships - tức là thi xin học bổng từ trường hay học bổng ở ngoài. Theo đó, bạn có thể tìm theo những từ khóa trên mạng như scholarships for international students, undergraduate scholarships US, tên ngành + scholarships/grants… Tuy nhiên, loại học bổng này cũng có một số hạn chế như về độ tuổi, giới tính (thường là chỉ dành cho phụ nữ), hoặc là sẽ có học bổng chỉ dành cho công dân Mỹ hoặc những người có thẻ xanh. Vì vậy, khi tìm học bổng, bạn nên để ý kỹ những chuyện này.

Làm thêm đúng cách

Khi đã đã “săn” được học bổng mà vẫn không đủ chi trả, bạn nên tính đến việc nhanh chóng đăng ký làm thêm. Việc làm thêm ở các trường tại Mỹ rất đa dạng nhưng bị giới hạn bởi nhiều yếu tố, nhất là số giờ làm việc (chỉ có 20 giờ/tuần). Những sinh viên quốc tế có visa F-1 chỉ được phép làm thêm tại trường một khi bạn có Social Security Number (số an sinh xã hội). Tuy nhiên, theo thông tin từ trang USCIS của Mỹ phụ trách các vấn đề về quốc tịch và nhập cư, bắt đầu từ năm thứ 2 ĐH, bạn có thể đăng ký Curricular Practical Training (CPT) hoặc Optional Practical Training (OPT) làm việc hay thực tập tại các công ty bên ngoài, miễn sao những công việc đó liên quan hoặc giúp ích cho chuyên ngành của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc kỹ việc này vì khối lượng học tại Mỹ khá nặng, nhất là năm thứ 2-3 nên chỉ làm 10 giờ/tuần thôi cũng đã khiến bạn đủ bận bịu và kiệt sức. Do đó, công việc làm thêm phải được sắp xếp hợp lý để phù hợp và đảm bảo thời gian cho việc học ở trường.

Linh Vy

Những bạn đi du học có “hầu bao” hạn hẹp nếu vẫn muốn theo học hệ ĐH, nên đặt mục tiêu “săn” học bổng hỗ trợ bên ngoài.