Thứ bảy, 3/3/2018, 21h26

Nhồi máu cơ tim không chừa một ai

Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa cấp cứu thành công cho ông L.S.K (52 tuổi, người Hàn Quốc) bị nhồi máu cơ tim cấp. Trước đó, mùng 6 Tết, ông K. nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, kèm nôn ói liên tục. Tuy nhiên, 10 phút sau bệnh nhân rơi vào cơn rung thất, co giật, ngưng tim, ngưng thở mặc dù đã được các bác sĩ xử trí theo phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim cấp gồm thở ôxy, tiêm thuốc giảm đau ngực, dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (chống đông máu)…

Để cứu sống bệnh nhân, BV này nhanh chóng tiến hành sốc điện phá rung và phục hồi được nhịp tim cho người bệnh. Sau đó bệnh nhân tiếp tục được các bác sĩ can thiệp động mạch vành khẩn cấp với 1 stent phủ thuốc trên nhánh liên thất trước, giúp bệnh nhân hết đau ngực, hết khó thở.

BV Đại học Y dược TP.HCM cũng vừa cấp cứu cho một số bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Trường hợp ông L.H.L (92 tuổi) được các bác sĩ can thiệp động mạch vành cấp cứu bằng cách tái thông và đặt stent vào nơi sang thương bị tắc nghẽn. Trước đó, ngày mùng 3 Tết, ông L. đột ngột ngất sau khi uống rượu. Nhập viện tại BV gần nhà, ông L. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới có biến chứng loạn nhịp tim.

Hay trường hợp anh V.V.H (30 tuổi), ngày mùng 5 Tết cũng bị nôn nhiều, đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi sau khi uống rượu. Tại BV Đại học Y dược TP.HCM, bệnh tình anh H. được các BS chẩn đoán khá nặng. Động mạch vành bên trái (nhánh liên thất trước) của anh H. bị tắt hoàn toàn và có dấu hiệu bóc tách kèm huyết khối. Đây là trường hợp nhồi máu cơ tim diện rộng, có dấu hiệu suy tim. Sau can thiệp hút huyết khối trong lòng động mạch vành và đặt stent tái thông động mạch bị tắc, tình trạng sức khỏe của anh H. đã hồi phục tốt.

Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi như trường hợp anh H. Với những biến chứng nguy hiểm như ngưng tim, nếu không được xử trí kịp thời tại cơ sở y tế, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.

Theo BS Trần Nguyễn An Huy - Khoa Tim mạch BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, khi gặp các triệu chứng đau tức ngực trái hoặc sau xương ức dữ dội, liên tục không giảm (dấu hiệu của nhồi máu cơ tim) thì không nên chủ quan và cần đến ngay khoa cấp cứu của các BV để được chẩn đoán. Nếu người bệnh được can thiệp và điều trị trong thời gian vàng (trong vòng 12 giờ từ khi đau ngực) thì sẽ giảm nguy cơ đột tử, giảm biến chứng nặng nề. Trong khi đó, ThS.BS Trần Hòa - Phó Trưởng khoa Tim mạch can thiệp BV Đại học Y dược cũng cho rằng, các triệu chứng nhồi máu cơ tim cấp rất dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng say rượu hoặc các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau vùng ngực hay vùng thượng vị sau khi nôn… như trường hợp bệnh nhân L. và H. vì khởi phát đều dùng rượu. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nhịp tim chậm, ngất có thể tái phát dần, chuyển đến ngưng tim và tử vong.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, BS Trần Nguyễn An Huy khuyến cáo con người nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý với nhiều rau xanh, hạn chế mỡ, da, nội tạng động vật, thức ăn nhanh… đồng thời tăng cường thói quen vận động, tích cực tập luyện thể dục, thể thao, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm các stress tâm lý.

N.Trinh