Chủ nhật, 25/9/2016, 21h25

Nhức nhối nạn “ngụy trang thành cái bang”

Trước chính sách đưa người ăn xin, cơ nhỡ vào các cơ sở xã hội của thành phố, thì có nhiều người lành lặn lại giả tàn tật bò lê khắp đường để người đi đường động lòng trắc ẩn…

Người phụ nữ này giả tật nguyền để được người đi đường cho tiền

Giả tật nguyền để ăn xin

Theo dấu một phụ nữ khoảng 40 tuổi (quê Quảng Bình) có vóc người nhỏ, đang bò lê trên con đường Hoàng Văn Thụ. Khi ấy, mưa vừa dứt trên đường còn lênh láng nước. Người phụ nữ cứ lết qua hết vũng nước này qua vũng nước khác. Trên tay là 1 xấp vé số dày cộm bọc trong bao nilon. Vừa bò người phụ nữ này vừa chìa tay mời người đi đường mua vé số. Không ít người đi đường đã dừng xe lại “ủng hộ”, người ít thì 1 tờ, người nhiều thì vài tờ. Chỉ trong vòng 30 phút có đến gần 20 lượt người ghé lại mua vé số. Bên cạnh đó, có khách chỉ mua 1 tờ đưa 20.000 đồng, người phụ nữ liền bảo, không có tiền thối vậy là khách cho và đi luôn.

Hầu hết khách mua đều không biết mình “dính chiêu” không có tiền thối lại không biết làm sao và nhìn họ bò lê dưới đường thương quá nên cho luôn. Đồng nghĩa với việc vừa bán được vé số lại có tiền cho thêm và kiếm tiền triệu mỗi ngày là chuyện thường.

Cũng với chiêu thức này, một thanh niên khác tên Tiên (quê ở Phú Yên) cũng rất thành công khi lê mình trên đường Tân Sơn, phường 14, Tân Bình, mỗi ngày anh thanh niên này bán được gần 200 tờ vé số và xin luôn tiền dư. Khi bán hết vé số thì anh ta đi xin. Để qua mắt và chạm vào lòng thương của người đi đường, Tiên bò lê dưới lòng đường giữa lúc trời mưa to và Tiên đã thành công khi kiếm được kha khá. Lượt người cho tiền nhiều hơn và thậm chí có người còn dừng lại mặc áo mưa giúp anh ta. Khi trời mưa trở thành lúc Tiên kiếm được nhiều tiền nhất.

Tiên cho biết: “Tôi bị tật khoảng 7 năm nay, do di chứng của té xe để lại”. Hàng ngày Tiên thay vào cho mình chiếc áo sờn rách, cáu bẩn đây xem như là chiếc “cần câu cơm” và kéo lê mình trên đường bán vé số, dựa vào cây cột điện nắng chang chang giữa trưa để nghỉ, mục đích là thu hút người đi đường để được cho tiền.

Sau vài hôm theo dõi, chúng tôi biết được, họ đều có người đưa đi đón về. Họ luôn có một người dìu lên xuống xe khi ở ngoài đường. Thế nhưng, khi về tới nhà trọ thì nhanh chóng “lột xác”. Không có cảnh bồng bế lên xe như lúc đón ngoài đường mà họ đều bước xuống xe đi lại bình thường rồi ngồi bệt xuống nhà đếm tiền. Thành quả bán gần 200 tờ vé số chỉ khoảng gần 2 triệu đồng, thế nhưng tiền xin thêm lại tới... 6 triệu đồng.

Lòng tốt có đang bị lợi dụng?

Chị Phượng bán tạp hóa gần nơi Tiên bò lê lết, cho biết: “Thấy anh này bán vé số ở đây lâu rồi. Có người mua vé số dư 10-20 ngàn đồng thường người ta cho luôn. Thấy có người đi xe hơi xuống cho tiền trăm là bình thường. Có người thấy tội nghiệp còn qua tui mua nước suối nước ngọt qua cho nữa, nhiều khi tui biết tui còn không lấy tiền. Nhưng ngờ đâu sau này biết giả tàn tật, tui giận lắm”.

Còn nhớ vào ngày 26-3, một “hiệp sĩ đường phố” đã theo dõi và vạch trần một người giả dị tật bán vé số và ăn xin tại gần chợ Bến Thành. Ngay sau đó Công an phường Bến Thành đã vào cuộc và bắt một đối tượng là Trần Trọng Hiếu (ngụ tại tỉnh Khánh Hòa, 19 tuổi) tại đường Lê Thánh Tôn (Q.1) giả tàn tật bán vé số nhưng chủ yếu là để xin tiền.

Đây quả là một chiêu thức tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng và chạm tới lòng thương cảm của người khác để trục lợi. Vẫn còn nhiều trường hợp tuy có sức khỏe nhưng lại không chịu đi làm sống nhờ vào sự thương cảm của người khác. Thật đáng giận khi lòng tốt đang bị lợi dụng. Ai sẽ còn tin và còn những người thật sự cần sự giúp đỡ?

Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp cá biệt ở đâu đó vẫn còn nhiều trường hợp thật sự cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Kiên quyết không cho tiền đối với những trường hợp phát hiện là giả. Chúng ta hãy cảnh giác hơn để lòng tốt của chúng ta được đặt đúng chỗ. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần mạnh tay hơn có những biện pháp răn đe hạn chế tình trạng này, tránh những kẻ lợi dụng lòng tốt để trục lợi cá nhân.

Bài, ảnh: Phạm Quyên