Thứ năm, 2/7/2015, 22h54

Những câu chuyện từ trái tim: Kỳ 1: Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi

“Tôi cũng chỉ là một người như mọi người, bởi chẳng có con đường nào đi đến vinh quang mà trải đầy hoa thơm, cỏ lạ. Có nghĩa là tôi cũng phải trải qua những khó khăn, những thử thách và phải tự vươn lên bằng ý chí của chính mình”, GS. Trần Văn Khê đã chia sẻ như thế.

Từ hoàn cảnh “mồ côi đáng thương”

Nhiều bạn khi biết tôi mồ côi mẹ năm lên 9 tuổi, mất cha năm lên 10 tuổi thì tỏ ra thương cảm và nghĩ rằng tôi kém may mắn hơn những trẻ đồng lứa. Đúng là mồ côi cha mẹ làm cho tôi cảm thấy thiếu tình thương chăm sóc, thiếu sự nâng niu, thiếu cái quyền được dựa vào cha mẹ khi cần thiết, khi thấy bơ vơ, cô độc.

Cảm xúc ấy vẫn theo tôi trong mỗi chặng đường đời. Khi tỉnh lại sau một ca mổ lớn ở Pháp vào năm 1951, nhìn thấy những bệnh nhân khác có người thân chăm sóc, nghĩ cảnh mình thiếu mẹ cha, tôi không khỏi tủi thân. Nhưng rồi tự nhủ lòng phải cố gắng vượt qua nỗi buồn ấy. Hay hồi tôi ở Honolulu (Mỹ), khi có một bàn tay phụ nữ tấn tấm ra giường và đắp mền cho mình, tôi mơ hồ cảm nhận đó là bàn tay yêu thương của mẹ.

Đến tận bây giờ, khi đã ở tuổi 90, tôi vẫn thỉnh thoảng còn những cảm giác ấy. Những lần tôi đi ngủ, con cháu đến tấn mùng cho, nhắm mắt lại, tôi cảm nhận được như mẹ đang ở bên mình, đang chăm sóc mình. Mỗi lần xức dầu Khuynh Diệp, tôi lại nhớ lúc 4, 5 tuổi, tôi bị đau nhức chân tay, được mẹ xức dầu Khuynh Diệp cho. Tôi nhớ cả cách mẹ giáo dục tôi bằng cách cắt nghĩa đúng sai chứ không bao giờ đánh đập con. Quay trở lại với tuổi thơ của tôi, dẫu biết rằng tất cả cô bác trong gia đình đều dành tình thương đặc biệt cho tôi - một đứa trẻ mồ côi - nhưng đó không phải bổn phận mà do lòng thương cảm, nếu không muốn nói là lòng thương hại.

Trong mọi tình huống, tôi luôn nghĩ rằng mình phải tự lực cánh sinh, không chờ đợi sự giúp đỡ của cô bác. Do đó, hoàn cảnh “mồ côi đáng thương” trở nên “cơ hội đáng quý” để tôi tự tôi luyện bản thân.

Rất may, anh em tôi được một người cô là cô thứ ba trong gia đình bên nội, hy sinh cuộc đời, thay thế cha mẹ để chăm lo. Cô cũng có một quan niệm là tập cho đứa trẻ không ỷ lại vào người khác nên mọi việc tôi tự lo cho mình và các em, cô tôi rất ủng hộ và khen ngợi. Dầu nhà có người giúp việc nhưng từ nhỏ cô đã dạy tôi giặt quần áo, khâu vá. Tôi rất phục, rất thương người cô đó.

Chân dung GS. Trần Văn Khê lúc ở trong nhà dưỡng lao Aire sur l’Adour, Pháp năm 1952

Nhờ vậy, tôi biết tự lo cho sức khỏe bản thân. Khi trưởng thành, tôi biết thế nào là cần kiệm, không xài phung phí. Dầu có tiền, tôi vẫn dùng xe cũ; không đi ăn tại những hiệu ăn sang trọng mà vẫn chọn những hiệu ăn của sinh viên để trả tiền ít nhưng vẫn được ăn uống đầy đủ, biết tự đi chợ, nấu nướng, giặt giũ.

Thần tượng của hai người em

Nhờ mồ côi mà tôi không còn tánh ích kỷ của các trẻ thường là giành đồ chơi, giành phần hơn với các em mà trái lại còn biết chia sớt, bao bọc các em. Ngày ấy, hai em tôi còn quá nhỏ nên đều xem tôi như điểm tựa. Thiếu món gì, thích cái gì, buồn vui thế nào đều chạy kiếm anh Hai. Khi tôi được người cô thứ năm có chồng giàu nuôi tôi ăn học, mỗi ngày cho tôi ba xu để ăn quà thì tôi chỉ tiêu hai xu và để dành một xu một ngày. Sau một quý, tiền dành dụm lên tới một đồng bạc tức một trăm xu để lúc nghỉ hè, tôi mua cho các em ăn những món ngon mà ngày thường chúng nó không được hưởng hoặc những món đồ chơi mà chúng nó ưa thích. Tôi không nghĩ mua gì cho mình mà dồn hết lo cho em. 

“Không ai chọn cửa mà sanh, và cũng không ai trong đời chưa từng ít nhiều trải qua sóng gió. Khi cuộc sống đẩy bạn vào một nghịch cảnh, cũng rất có thể đang trao cho bạn một cơ hội để bạn vững vàng hơn trong dòng đời”.

Em trai Trần Văn Trạch và em gái Trần Ngọc Sương xem tôi như thần tượng, như người mẹ. Khi em học Trường Nữ sinh Áo Tím (Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM ngày nay), biết em thích đi coi hát bóng, tôi sắp xếp công việc, dành tiền đưa em đi. Tôi hiểu rằng món quà quý nhất dành cho em chính là sự quan tâm và thời gian của tôi.

Biết em ưa một loại mỹ phẩm làm láng tóc của Pháp, tôi nhịn ăn mua cho em. Khi em bước vào tuổi thành niên, chọn bạn trai, tôi như một “người mẹ” để em chia sẻ tâm tư. Có lẽ cũng tại tôi thương và lo cho em quá nên khi gặp gỡ một người con trai nào đó hơi lơ là, thiếu nhạy cảm là em đã buồn rồi. Có lần em nói về một cậu bạn trai: “Người ấy giọng the thé, không phải giọng trầm giống anh Hai của em”. Tôi bảo: “Em đừng nghĩ rằng trên đời này có hai người hoàn toàn giống nhau. Em phải làm sao thích nghi với hoàn cảnh chứ không thể làm hoàn cảnh thích nghi với mình”. Em làm tôi rất xúc động khi chọn Ngày của Mẹ làm lễ tạ ơn anh Hai. Em cũng đã giới thiệu tôi với các bạn rằng tôi là một người anh mà em xem như “từ mẫu”. Em tôi đã nhắc lại rằng chưa bao giờ em phải nhỏ giọt nước mắt của thân phận trẻ mồ côi vì đã có anh Hai thay mẹ hiền.

Trích Tự truyện Trần Văn Khê

LTS: GS.TS Trần Văn Khê đã yên nghỉ nhưng những gì ông để lại cho đời là vô giá. Giáo dục TP.HCM khởi đăng loạt bài dài kỳ trích lược từ Tự truyện Trần Văn Khê: Câu chuyện từ trái tim (First News - Trí Việt ấn hành 2013). Xin mượn lời ông để mở đầu loạt bài này: “Hôm nay, tôi muốn dành những trang sách này như một lời chia sẻ về cuộc đời đã qua của tôi để góp thêm kinh nghiệm sống trên hành trình vào đời của các bạn”.