Thứ tư, 7/11/2012, 16h11

Những chuyện chưa biết về cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ: Kỳ 2: “Người trăm năm” ở Vạn Hạnh

Cô giáo, ca sĩ Diệu Lý tại nhà riêng

Cô sinh viên yêu nhạc của Phạm Thế Mỹ đến nỗi buổi biểu diễn nào cũng thể hiện các sáng tác của ông. Người nhạc sĩ tài hoa và cô ca sĩ sinh viên ấy tình cờ quen nhau ở giảng đường Vạn Hạnh, sau đó đã nên duyên đôi lứa.
Mối tình đẹp
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ dạy học ở Đà Nẵng đến đầu năm 1971 mới vào Sài Gòn. Lúc bấy giờ, ông công tác ở Viện ĐH Vạn Hạnh với chức vụ Trưởng phòng Văn - mỹ - nghệ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông công tác tại Phòng Văn hóa thông tin Q.4 cho đến khi về hưu. Thời gian này ông cho ra đời nhiều sáng tác như Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng; Thắm đượm duyên quê; Lêna Belicova… Trong đó bài nhạc đỏ Nhớ ơn Bác, nhớ ơn Đảng đã đạt giải nhì Hội Âm nhạc TP.HCM.
Những năm đầu vào lại Sài Gòn, ông có thời gian công tác (dạy nhạc) tại Trường Mạc Đĩnh Chi. Thời gian ấy, gia tài của ông không có gì quý giá hơn cây đàn guitar và chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp ấy cũng “mưa nắng thất thường” khiến ông nhiều phen phải cho học trò “leo cây”. Không ít lần ông dắt xe đến cổng trường thì cũng là lúc học trò đã tan học. Hình ảnh ông thầy giáo bệ vệ, điển trai, có bàn tay gãy phím đàn điêu luyện nhưng thường xuyên bị vấy bẩn bởi mỡ bò vì không có tiền thay bộ nhông sên dĩa khiến xe trật sên liên tục đã in sâu vào ký ức của bao lớp học trò.
Cũng ở ĐH Vạn Hạnh, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã tìm được “người trăm năm”. Cô là sinh viên của trường, có năng khiếu đàn, sáng tác và đặc biệt là giọng ca mê hồn, tên Nguyễn Thị Diệu Lý. Lần đầu tiên được chọn vào Đội văn nghệ Vạn Hạnh, Diệu Lý hát bài Bông hồng cài áo. Xem Diệu Lý biểu diễn, ông thầy nhạc sĩ ngồi ở hàng ghế khán giả mắt nhắm nghiền, gật gù thả hồn theo tiếng hát lên tận trời mây. Trước đó, Diệu Lý cũng được nhiều người, đặc biệt là HS-SV Sài Gòn biết đến với hình ảnh quen thuộc là ôm đàn guitar đàn hát khá ấn tượng. Việc Diệu Lý chọn bài hát Bông hồng cài áo cũng tình cờ vì cô thích bài hát này cũng như đáp ứng tính công chúng thời đó. Bản thân cô chỉ biết sáng tác đó là của Phạm Thế Mỹ nhưng đâu biết mặt mũi ông thế nào. Đến khi cô trở thành giọng ca chính của Vạn Hạnh thì Diệu Lý mới biết tác giả của Bông hồng cài áo là người thầy lâu nay chỉ huy dàn hợp xướng Vạn Hạnh. Và điều bất ngờ đến với cả hai là họ đều là người đồng hương Bình Định (quê Diệu Lý ở thành phố Quy Nhơn). Dù ông lớn hơn cô hơn 20 tuổi nhưng cả hai cùng chung quan điểm sống và nảy sinh tình cảm. Họ chính thức “góp gạo nấu cơm chung” từ năm 1975.
Bán chén kiểu mua vé xe đò đi diễn
Đã là vợ chồng nhưng bất kỳ buổi biểu diễn nào, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ cũng không thích ngồi ôm đàn cho vợ hát. Vợ ông cũng thế. Cuộc sống khó khăn, bữa ăn đạm bạc. Lần nọ, ông bàn với vợ lên kế hoạch đi biểu diễn vào dịp hè để kiếm tiền trang trải. Đi biểu diễn ở Nha Trang, Quy Nhơn… thì ổn nhưng lấy đâu ra chi phí cho việc đi lại, ăn uống? Đến bữa cơm, ông nói với vợ: “Anh có cách rồi”. Cách mà ông đưa ra đó là mang số chén kiểu đã sắm lúc mới về ở với nhau đi bán. Nghe nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Diệu Lý về quê diễn, địa phương cũng như bà con hết mực ủng hộ. Bà con từ các huyện cũng thuê xe lam đến từ chiều để được thưởng thức. Khán giả đông quá, sân bãi không còn chỗ, bà con lại trèo lên cây, đu cửa sổ… để xem. “Nhờ một, hai chuyến đi diễn trong hè như thế mà đủ chi phí sinh hoạt cho cả 3 tháng hè. Thời gian đó rất khổ nhưng tinh thần khá thoải mái”, bà Diệu Lý nhớ lại.
Ca sĩ Diệu Lý nổi tiếng một thời được nhiều người yêu mến. Hình ảnh của bà trong mắt người yêu âm nhạc đến nay vẫn không phai mờ. Không biết có phải vì cái duyên trời định hay không nhưng trước khi chưa biết Phạm Thế Mỹ là ai, trong các buổi biểu diễn, bà đều trình bày những ca khúc của ông.
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có một quãng tuổi thơ với ruộng đồng, rồi lại có thời gian thoát ly cùng ba lô con cóc đi khắp chiến trường Liên khu 5. Những nơi ông đã đi qua, trải qua chính là “hành trang”, là “chất liệu” để ông viết nên nhiều ca khúc dễ đi vào lòng người như thế. Trước năm 1975, Nhà xuất bản Mỹ Hạnh tổng kết Phạm Thế Mỹ đã có trên 100 ca khúc, chưa kể nhạc kịch, trường ca và hợp xướng. Và sau 1975, ông cũng cho ra đời ngần ấy ca khúc. Những ca khúc của ông sau này có triết lý sâu xa, lời lẽ tiến bộ. Có lẽ vì thế mà không được công chúng đón nhận. Ông chưa bao giờ buồn vì điều đó nhưng vợ thường an ủi: “Anh đi trước thời đại nên phải chờ. Anh không chờ được thì con cháu anh chờ”.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Ảnh của cô ca sĩ trẻ Diệu Lý ôm cây đàn guitar ngồi hát được chọn in trên tờ vé số kiến thiết quốc gia năm 1981. Và sau này, ảnh của bà cũng được Nhà xuất bản Âm nhạc chọn in ở bìa tuyển tập Ca khúc - Trường ca Phạm Thế M vào năm 1996.
 
Kỳ 3: Cái tâm với nghề giáo
Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ quan niệm nghề giáo như nghệ sĩ làm đẹp cho đời, cho người chứ không phải nghề để làm giàu. Dù bữa ăn là rau, tương, chao triền miên nhưng ông vẫn khuyên vợ phải giữ nghề cho trọn vẹn.