Thứ năm, 21/11/2013, 11h11

Những chuyến đò nặng tình thầy trò

Tâm huyết với nghề, nặng lòng với học trò thân yêu của mình, họ - những “kỹ sư tâm hồn” không chỉ biết có truyền đạt kiến thức trên bục giảng mà còn sát cánh với từng học trò như người thân trong gia đình để tìm ra phương pháp dạy tốt, mang lại hiệu quả cao nhất.
Các thầy cô đã vinh dự được ngành GD-ĐT TP.HCM trao tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013.
Thầy Phạm Quang Vinh (GV Trường TH Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM)
Giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết

Thầy Phạm Quang Vinh và các em học sinh
Tốt nghiệp trường sư phạm năm 1988, một mái ấm gia đình nhỏ được hình thành nên nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đè nặng trên đôi vai chỉ biết “gánh con chữ”. Vợ chồng tôi cứ day dứt “làm sao có thu nhập thêm để cải thiện kinh tế gia đình, chứ nhất định không bỏ nghề vì bất cứ lý do gì!”.
Đó là nỗi trăn trở của thầy Vinh và vợ - cô Phan Thị Ngọc Nga (GV Trường TH Kết Đoàn, Q.1). Sau nhiều ngày suy tính, rồi cũng có tia hi vọng khi ngoài việc dạy học, tiệm tạp hóa ngay tại nhà đã giúp cặp vợ chồng trẻ này vượt qua những khó khăn ban đầu. Và từ mái ấm đó, một cậu con trai kháu khỉnh đã chào đời. “Những hôm đi dạy về, hai vợ chồng chỉ có ổ bánh mì chia đôi nhưng chúng tôi không buồn vì tiếng cười của con làm dịu đi “cái nóng” của cuộc sống, và những đứa học trò ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó, rất ham học đã giúp vợ chồng tôi vững tin với nghề”, thầy Vinh cho biết.
Nhớ lại thời gian mới “chân ướt chân ráo” về Trường TH Nguyễn Thái Học, thầy Vinh nói: “Năm 2000 tôi chuyển từ Trường Kết Đoàn về Trường Nguyễn Thái Học, có thể nói đây là giai đoạn trường rất khó khăn về mọi mặt: Cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ GV mỏng... Đặc biệt, trường nằm trên địa bàn hai phường Cô Giang và Cầu Ông Lãnh, có rất nhiều phụ huynh vì mưu sinh mà gần như giao hẳn con cái cho thầy cô, con có đi học hay trốn học cũng không quan tâm. Nhưng nếu có chuyện, thì lại tìm tới trường để “mắng vốn” thầy cô giáo”. Khó khăn chồng chất, thầy Vinh cũng như các thầy cô giáo khác trong trường phải tìm tới tận nhà để thuyết phục, động viên phụ huynh quan tâm tới con em mình nhiều hơn. Kể về công việc này, thầy Vinh hồi tưởng: “Cách đây mấy năm, trong lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh nam “quậy phá ngầm”, hay trốn học đi chơi nhưng được cái em rất sáng dạ nếu tập trung vào việc học. Gần một tuần, không thấy em tới lớp, tôi tìm đến nhà. Gọi gần 15 phút mới thấy cánh cửa hé mở, một người đàn ông có thân hình hộ pháp xuất hiện, nhìn tôi chằm chằm. Chưa kịp chào tôi đã phải nghe những lời rất sốc: “Tìm ai, có việc gì?”. Sau khi nói lý do, khuôn mặt người đàn ông này mới giãn ra một chút rồi buông câu: “Nó không có nhà, tôi giao nó cho thầy, việc học hay nghỉ tôi không quan tâm”. Lấy lý do bận việc, anh ta đi lên gác. Buồn, nhưng không thể để học trò mình thất học, tôi phải qua nhờ ông tổ trưởng dân phố phối hợp tìm, rồi lấy xe chạy vòng vòng đến mấy quán internet với hi vọng sẽ tìm được học trò. Rất may, sau một hồi tìm kiếm tôi cũng gặp được em, biết lý do em nghỉ học tôi đón em về nhà cho ăn cơm, tắm giặt rồi hàng ngày tới nhà đón em đi học. Cậu học trò đó giờ đã là sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM”.
Thầy Vinh chia sẻ: “Được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2013, tôi thực sự hạnh phúc và xúc động! Có được giải thưởng này là nhờ công sức rất lớn của cả tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường. Tôi chân thành cám ơn Phòng GD-ĐT Q.1 đã tổ chức những hội thi, cuộc thi đổi mới giáo dục để GV phấn đấu. Tôi đặc biệt cám ơn tập thể nhà trường, những người đồng nghiệp tuyệt vời, nhất là cô Lâm Hồng Lãm Thúy - Hiệu trưởng nhà trường - một người lãnh đạo trẻ giàu nhiệt huyết, năng động, sáng tạo và rất tận tâm, tận lực với ngôi trường Nguyễn Thái Học thân yêu”.
Cô Lâm Hồng Lãm Thúy - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường TH Nguyễn Thái Học nằm trên một địa bàn dân cư có nhiều khó khăn, không riêng gì thầy Vinh mà cả tập thể nhà trường đều nỗ lực phấn đấu, vì trường có rất nhiều học sinh có những hoàn cảnh rất đặc biệt như mồ côi cha, sống với ông bà hoặc người thân… Chính vì vậy, sự quan tâm của phụ huynh dành cho các em không thực sự trọn vẹn. Mỗi thầy cô trong trường đều là người cha, người mẹ thứ hai của các em. Từ nỗ lực của mỗi thành viên trong trường và đặc biệt có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo quận, Phòng GD-ĐT, nhà trường đã từng bước gặt hái được nhiều thành tích trong công tác dạy và học. Tôi thực sự bất ngờ trước vinh dự mà thầy Vinh nhận được nhưng đó chính là quả ngọt của thầy và cũng là của trường sau nhiều năm vượt khó vươn lên. Thầy Vinh là một trong những “cánh chim đầu đàn” để GV trẻ noi theo. Thầy Vinh và những thầy cô giáo khác của trường chính là những người đang giữ ngọn lửa nhiệt huyết để Trường TH Nguyễn Thái Học ngày càng khẳng định được “thương hiệu” của mình trong nhân dân địa phương và TP.HCM”.
 
Cô Lê Thị Lợi (GV Trường THCS Nguyễn Du, Q.1):
Từ nhỏ đã ước mơ làm cô giáo

Cô Lê Thị Lợi (bìa trái) cùng với học sinh và BGH Trường THCS Nguyễn Du

Sáng nào cũng thấy ba mẹ lọc cọc đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đến xí nghiệp, phần ăn sáng của mấy chị em hôm thì khoai luộc, hôm thì khoai mì... Tuy khẩu phần chỉ có thế nhưng nghĩ tới ba mẹ sớm hôm lao động vất vả kiếm tiền nuôi cả nhà, mấy chị em đều bảo ban nhau học hành thật giỏi để sau này làm cô giáo, bác sĩ... giúp đỡ ba mẹ.
Thương ba mẹ, sau những ngày tháng miệt mài trau dồi học tập, cô bé Lợi cũng thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình, đó là trở thành cô giáo. Sau 34 năm công tác trong ngành, biết bao “chuyến đò” được cô tận tâm đưa tới bến bờ thành công. Nhìn lại thời gian đã qua, cô Lợi chia sẻ: “Ước mơ về nghề nghiệp tôi đã thực hiện được. Suốt quá trình theo nghề tôi đã toàn tâm, toàn lực, đến giờ vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản cao quý. Tôi không có gì phải hối hận với quyết định của mình. Có được vinh dự này tôi xin dành tặng cho gia đình, tập thể nhà trường - ngôi trường THCS Nguyễn Du giàu nghĩa, nặng tình”.
Cô Hoàng Lê An - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trường THCS Nguyễn Du với bề dày thành tích trong công tác “trồng người”, mỗi thành viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm - ý thức bằng cả cái tâm trong sáng; giữ gìn, phát huy truyền thống mà trường đã có. Đây là một tập thể đoàn kết, vì vậy mỗi cá nhân khi đạt thành tích đều được nhà trường ghi nhận. Qua những cá nhân tiêu biểu như cô Lợi, các GV trẻ hãy học hỏi và noi theo, quyết tâm phấn đấu để trường có thật nhiều gương điển hình như cô Lợi…”.
Q.Huy