Thứ sáu, 29/4/2016, 22h00

Những con người góp phần làm nên chiến thắng 30-4

Mặc dù đã vào cái tuổi nhớ nhớ quên quên, song khi nhắc lại những tháng ngày hào hùng, những người góp phần làm nên chiến thắng 30-4 như được trở về với thời trai trẻ xông pha bom đạn…

Nữ du kích Củ Chi Nguyễn Thị Thược

Chiến thắng của người nằm xuống

Chúng tôi gặp nữ du kích Củ Chi Nguyễn Thị Thược trong một ngày cuối tháng 4. Dù đã hơn 40 năm, cộng với biết bao thăng trầm cuộc sống nhưng bà Thược vẫn nhớ như in từng chi tiết về ngày đầu vào vai du kích. Tuổi thơ của bà là những tháng ngày mắt đỏ hoe, gào thét sau từng trận pháo kích vào ấp Gò Nổi, khi gia đình ly tán, xóm làng tang thương. Trước những nỗi đau chồng chất mà kẻ thù lại không thôi ức hiếp, giết chóc dân lành, mối căm thù giặc nung nấu trong lòng bà. Và bà luôn mong chờ cơ hội đánh Mỹ. Rồi cơ hội cũng đến...

Bà Thược nhớ lại: “12 tuổi tôi đã được dìu dắt bởi các cô chú. Hàng ngày, tôi vừa chăn trâu vừa làm du kích mật vào ra ấp chiến lược để nắm bắt tình hình”.

Bà đã lập nhiều chiến công trong các chiến dịch phá hỏng xe quân sự, cài mìn đánh đuổi Mỹ năm 1967, đào hầm giấu thương binh năm 1968… 13 tuổi, bà đã trực tiếp đánh trận và góp phần làm nên sức mạnh chiến thắng đế quốc Mỹ của dân tộc ta qua công tác dân vận của đội Nữ du kích Củ Chi những năm kháng chiến.

Hơn một tuần nay, kể từ hôm nhận thư mời họp mặt nhân ngày 30-4 không đêm nào bà tròn giấc. Mắt bà rưng rưng: “Đây là chiến thắng của cả một dân tộc, chẳng phải của riêng ai nhưng trên hết, mọi phần thưởng hay chiến công nào, phải nhắc đến những người đã nằm xuống”.

Anh hùng LLVTND Tư Cang

Vẹn nguyên cảm xúc ngày trở về

Ngày 30-4-1975 là ngày đặc biệt của Đại tá tình báo Tư Cang (tức Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu, nguyên Chính ủy Lữ đoàn đặc công Sài Gòn) và vợ Trần Ngọc Ảnh, ngày họ gặp nhau sau 29 năm xa cách. Ông Tư Cang nhớ lại: “Trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc được trở về, ôm siết vợ và con. Tôi ra đi từ lúc mới cưới vợ. Ngày trở về đã lên chức ông ngoại. Đến giờ này, tôi vẫn còn không tin mình lại xa vợ đến ngần ấy năm, rồi lại được sum vầy, sống đến ngày hôm nay”.

Bà Ảnh không giấu nổi xúc động, giọng run run: “Đến bây giờ vẫn không thể quên giây phút ấy, khó nói thành lời”.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này ông bà lại chuẩn bị mâm cơm cúng đồng đội, tưởng nhớ những người đã cùng vào sinh ra tử với mình. “Mình còn khỏe thì làm, mai mốt yếu đi thì cậy vào con trẻ”, ông bảo thế. Chia tay tôi, ông lại lên xe về Bà Rịa - Vũng Tàu quê ông thắp nhang ông bà và đồng đội.

Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương

Muốn đến nơi có quãng tuổi trẻ nhiệt huyết

Anh hùng tình báo Nguyễn Văn Thương (tức Hai Thương), người khiến quân đội Mỹ phải giật mình khiếp sợ khi 6 lần bị cưa chân nhưng vẫn kiên quyết không hé miệng nửa lời. Tháng ngày từ căn cứ nội thành ra ấp chiến lược và ngược lại, Hai Thương chính là đầu mối quan trọng mà chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc bấy giờ cần có trong tay. Tuy nhiên với tài binh biến và một lòng trung thành với Đảng, với tổ chức, ông chịu đựng mọi hình thức tra tấn từ kẻ thù. Vết thương chiến tranh và tàn dư của những trận đòn đã khiến sức khỏe vốn đã yếu, nay càng yếu hơn. Tuy vậy, cứ đến tháng 4 là trong ông lại nôn nao muốn được trở về nơi ông có quãng tuổi trẻ nhiệt huyết, hay đến nghĩa trang để gọi tên đồng đội, thắp nén nhang cho người đã nằm xuống. Ông Hai Thương gửi gắm: “Thế hệ trẻ phải biết trân trọng những gì mình đã và đang có, đặc biệt là luôn tỉnh táo trước mọi vấn đề”.

Người “tiếp sức” quân và dân qua ảnh

Nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính

Có mặt ở “chảo lửa” Thành cổ, Quảng Trị năm 1972, phóng viên chiến trường, nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã chụp nhiều bức ảnh có giá trị, phản ánh được tinh thần, niềm lạc quan của quân và dân ta. Những bức ảnh: Nụ cười chiến thắng, Nắng dưới lòng đất, Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu… đã tiếp thêm sức mạnh ý chí, nghị lực cho quân và dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung.

“Với tôi, những gì vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông Thạch Hãn đó chính là ý chí, là lòng dũng cảm và nghị lực phi thường của quân và dân Quảng Trị”, nhà báo Đoàn Công Tính chia sẻ.

Đáp đền công ơn các mẹ, các cô đã lo cho ông từng bữa cơm, gáo nước, nhiều năm nay ông đã cất công tìm lại họ. “Lần nghe câu: “giặc càn, cả nhà không ai sống sót”, tim mình đau nhói. Mình may mắn được trở về, được chứng kiến cờ hoa ngày chiến thắng sau bao năm binh biến. Mong lớp trẻ ra sức học hành, cống hiến tuổi trẻ và trí tuệ cho quê hương, đất nước ngày càng đẹp giàu”.

Bài, ảnh: Trần Anh