Thứ tư, 15/11/2017, 16h32

Những giờ dạy đặc biệt!

Giờ học tiếng Anh tại Trường TH Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM). Ảnh: Q.Huy

Dự giờ ở một trường mầm non quận 10, tôi thấy lớp học rộng rãi, thoáng mát nhưng chỉ có 10 học sinh, dụng cụ trong phòng gồm có bàn ghế bằng gỗ đơn sơ, không trang trí nhiều nhưng bày biện rất tươm tất, trật tự.

Cô giáo bắt đầu giờ dạy sau khi học sinh ngồi ngay ngắn xung quanh mình trên sàn lớp học. Cô nói: Hôm nay cô dạy các con xếp ghế. Các con nhìn cô rồi lần lượt làm theo! Rồi cô chậm rãi đi về phía dãy ghế ngồi đã được xếp trật tự ở cuối lớp, cô dùng hai tay nâng nhẹ chiếc ghế trong tư thế khoan thai, một tay nâng ở cạnh này, một tay nâng ở cạnh kia, giữ cho ghế cân bằng, di chuyển đến bàn học gần đó, rồi cẩn thận điều chỉnh cho chiếc ghế vào vị trí ngay ngắn dưới mặt bàn.

Tiếp đến, dưới sự quan sát của cô giáo và các bạn cùng lớp, từng em học sinh lần lượt làm theo cô đến khi 10 chiếc ghế được xếp vào chỗ của nó với 5 chiếc bàn học của học sinh. Cô giáo đứng trước các em và nói: Hôm nay cô đã dạy cho các con xếp ghế!

Tiết học của học sinh mầm non thật nhẹ nhàng và chu đáo, qua quan sát tôi cảm nhận được những điều ấn tượng:

- Một là, thiết bị dạy học là nhu cầu cần thiết, không thể thiếu nhưng không lòe loẹt phô trương, nó đơn giản nhưng rất chuẩn mực, không qua loa tùy tiện.

Thực tế, chúng ta thường gặp trong nhà trường truyền thống là thiết bị mua sắm nhiều nhưng lại không đồng bộ, có gì làm nấy, không phù hợp với nội dung dạy học của mình. Như trong tiết học nói trên, ghế phải đồng bộ với bàn và phải gọn nhẹ để trẻ có thể di chuyển được.

- Hai là, cô giáo không có lời nói thừa, giọng nói nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, truyền cảm. Nói một lần, đủ rõ động lệnh, không nói nhiều, rồi thực hiện chậm rãi, cụ thể từng động tác của mình, quan sát từng học sinh làm theo, hết em này đến em khác.

Giờ học tại Trường TH Nguyễn Thái Sơn (Q.3, TP.HCM)

Điều đặc biệt là cô giáo không có lời khen ngợi hoặc phê phán những học sinh thực hiện tốt hoặc chưa tốt. Vì cô cho rằng những lời khen chê, đối với trẻ đều không tốt về mặt giáo dục.

Trong nhà trường truyền thống cô giáo thường nói rất nhiều, không chọn lọc, đôi khi không rõ ý, thậm chí rất khó hiểu hoặc hiểu sao cũng được, khen chê tùy theo cảm hứng của mình.

- Ba là học sinh của lớp sau một giờ học không nặng nề nhưng tiếp nhận được rất nhiều nội dung từ lắng nghe, quan sát; kỹ năng chuyển ghế, xếp ghế; cảm nhận cái đẹp về sự ngay ngắn, trật tự và ý thức chờ đợi đến lượt mình.

Trong nhà trường truyền thống học sinh thường không tập trung lắng nghe, thực hiện sơ sài không nghiêm túc và không cảm nhận được những giá trị sâu sắc của việc làm, đối phó hình thức qua loa chiếu lệ theo thói quen của người lớn hoặc trước những áp lực về thời gian, về công việc và sĩ số trong lớp nhiều!

Sau hôm ấy tôi dự thêm mấy giờ dạy nữa. Giờ dạy cho học sinh mở sách: Cô ngồi cùng hướng với học sinh, để quyển sách trên bàn, trước mặt học sinh theo hướng thuận tay phải, rồi lần lượt mở bìa sách đến từng trang sách bên trong theo thứ tự rất chậm rãi cho học sinh kịp quan sát và làm theo.

Đến một giờ dạy khác, cô nói sau khi học sinh ngồi ổn định với mỗi em một tấm thảm nhỏ trước mặt: Hôm nay các con chơi với những đồ chơi tự chọn, các con hãy đến kệ đồ chơi lấy đồ chơi con thích. Rồi cô giáo đưa từng học sinh đến kệ đồ chơi đã được xếp gọn gàng trong từng chiếc khay ở trên kệ. Học sinh tự lấy khay đồ chơi, cẩn thận đem về để trên tấm thảm của mình và chơi theo ý thích, cô giáo quan sát và biết được học sinh nào cẩn thận, chăm chú và có cảm xúc với đồ chơi. Cô giáo đến chơi với một vài học sinh có thái độ lơ là, không thích thú. Với một vài học sinh hiếu động, muốn xâm phạm đến khay đồ chơi của bạn. Cô giáo tiến lại gần nhắc nhở: Hôm nay con hãy chơi với đồ chơi của con. Con sẽ chơi những đồ chơi của bạn vào ngày mai. Giờ học diễn ra như vậy cho đến hết. Cô giáo nói: Giờ chơi đã xong, các con cất đồ chơi vào kệ. Thế là từng học sinh đem khay đồ chơi về chỗ mình đã lấy trước đó, cô giáo lại giúp các học sinh chưa đem khay đồ chơi về đúng chỗ.

Cứ thế mà những giờ dạy cứ diễn ra.

Những giờ dạy nói trên là của cô giáo Carrie Chan người Singapore được đào tạo từ Học viện Montessori Anh quốc, có quá trình dạy lớp gần 20 năm tại một trường mầm non ở Singapore, được Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Trí Tuệ TP.Hồ Chí Minh thỉnh giảng về dạy tại một trường mầm non ở quận 10.

Giáo dục và đào tạo TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, chúng ta đã có quá trình phấn đấu vượt khó thực hiện thiên chức của mình thật trách nhiệm, đã làm cho nhà trường phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Nhưng trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, hội nhập quốc tế của ngành, chúng ta vẫn thấy còn nhiều vấn đề bất cập mà trước hết là quan niệm dạy dỗ con người, phải đổi mới mạnh mẽ mục tiêu đào tạo từ con người khoa bảng sang con người năng lực với những phẩm chất thật chuẩn mực trước những áp lực của xã hội ngày nay. Muốn thế hoạt động của nhà giáo chúng ta phải làm thật tỉ mỉ và công phu từ lớp nhỏ nhất để có thể hình thành nhân cách những con người mới thực chất, mang tính máu thịt không phải là những nhân cách thuộc lòng, đối phó hình thức và sống giả tạo trong cuộc sống.

Montessori với triết lý giáo dục tôn trọng con người, tin tưởng vào sự hướng thiện và khả năng tự giáo dục của con người, đầu tư xây dựng môi trường và phương pháp dạy học thuận lợi cho từng con người phát triển từ nhỏ một cách chắc chắn, vững bền theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi học sinh đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Những giờ dạy nói trên là một dẫn chứng minh họa cho triết lý giáo dục quý trọng con người, xây dựng nhân cách con người thực chất một cách căn cơ từ nhỏ. Xin được giới thiệu với đồng nghiệp nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

TS. Huỳnh Công Minh 
(Tháng 11-2017)