Chủ nhật, 3/7/2016, 22h00

Những “hạt sạn” trong đề thi môn văn!

Ngoài những ưu điểm của đề thi, như bám sát nội dung chương trình, từ cấu trúc câu hỏi đến thang điểm các phần đều không có gì bất ngờ đột biến, không đánh đố thí sinh.

Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn văn tại điểm thi Trường THCS Trường Chinh, Q.Tân Bình. Ảnh: D.Bình

Nhưng bấy nhiêu mặt được của một đề thi quan trọng của tầm vóc quốc gia chưa làm nên sức hấp dẫn cho đề thi. Vì đề ra quá hàn lâm, cổ điển, đơn giản và an toàn, thiếu hơi thở của cuộc sống thời sự xã hội. Vì vậy so với những năm trước, đề thi môn văn năm nay không thuyết phục bằng.

Quan trọng nhất là đề thi còn có những điểm bất hợp lý sau đây:

Một, chưa nhất quán về cách nêu câu hỏi. Trong khi các câu hỏi 1, 2 của phần làm văn (7,0 điểm) có ghi thang điểm cụ thể thì ở phần đọc hiểu cả 8 câu hỏi đều không có thang điểm. Điều này gây khó khăn cho thí sinh ở thao tác phân tích đề trước khi làm bài.

Hai, lặp lại nội dung cơ bản trong yêu cầu của câu hỏi. Đó là sự lặp lại yêu cầu của câu 7 và 8, phần đọc hiểu. Thực chất hai câu hỏi này là một nội dung, vì nó là tính hai mặt của nhau trong một vấn đề. Do câu 7 hỏi về “không bộc lộ ra khỏi bản thân” và câu 8 hỏi là “thoát ra khỏi cái tuyệt đối cá nhân”. Khi trả lời câu 7, thí sinh sẽ dễ bàn về mặt trái của nó ở câu 8. Vì vậy câu hỏi 8 là câu hỏi thừa.

Đáng bàn nhất là, trong lúc ở câu 7 và 8 (như đã nói ở trên) đã bàn về cái tôi cá nhân, thế mà ở câu nghị luận xã hội (câu 1, phần làm văn) ngay sau đó lại yêu cầu bàn tiếp về sự hèn nhát và dũng khí khiến con người “tự đánh mất mình”, mà thực chất đây cũng là đề tài bàn về cái tôi cá nhân. Do vậy cả 3 câu hỏi này về bản chất là cùng một đề tài. Chính vì thế dễ tạo ra sự trùng lặp ý của thí sinh, khó tạo ra sự hứng thú cho các em khi làm bài.   

Ba, ở câu 2, phần làm văn, về hình thức thì đề thi có tính tích hợp (giữa phân tích tình huống truyện và bình luận một ý kiến). Đây là cách hỏi dễ căn cứ vào bài làm của thí sinh để phân loại nhiều nhất. Vì lẽ thường thí sinh sẽ triển khai bước phân tích tình huống trước sau đó đến phần bình luận ý kiến. Phần phân tích tình huống đa số thí sinh sẽ làm tốt, còn phần bình luận yêu cầu cao hơn. Nhưng nếu đọc kỹ, do đề thi đưa ra ý kiến về “tình huống bất thường” (*) “khát vọng bình thường và chính đáng của con người” (**) của truyện ngắn Vợ nhặt. Có nghĩa là về bản chất, cả hai ý trên đều nằm ở bước phân tích tình huống truyện. (Thao tác phân tích tình huống của một truyện ngắn gồm có cả giải thích tình huống (*) và rút ra ý nghĩa từ việc phân tích (**)). Cho nên hầu hết bài làm của thí sinh sẽ chỉ dừng lại ở bước phân tích tình huống truyện, hoặc sẽ lặp ý. Vì vậy sẽ dễ dẫn đến trật khớp giữa đáp án chấm và tình hình bài làm của thí sinh, khó đạt được mục đích phân loại.

Với những “hạt sạn” trong đề thi như đã phân tích trên, không cần phải chờ đến khi chấm bài, lên điểm mới thấy kết quả. Mà hệ lụy nhãn tiền cũng đã rõ, chỉ cần nhìn vào tình hình làm bài của thí sinh ở các hội đồng thi đã thấy: thiếu “lửa” của nhiệt huyết hứng thú khi làm bài, khoảng gần một nửa số thí sinh ở một số phòng chỉ làm vỏn vẹn một tờ giấy thi, và khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài thì họ đã nộp bài sớm... Đây là điều bất thường của môn thi văn năm nay.

Trần Ngọc Tuấn
(Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)

NHẬN XÉT ĐỀ

Nguyễn Cửu Phúc (Tổ trưởng môn hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM): Đề mang tính ứng dụng thực tiễn cao

Năm nay cấu trúc đề thi môn hóa tương tự như năm 2015, nội dung đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa. Đề có sự phân hóa rõ ràng, 30 câu đầu ở mức độ hiểu biết, thí sinh dễ giành được điểm trọn vẹn; 20 câu cuối có mức độ vận dụng thấp và vận dụng nâng cao.

Điểm hay của đề thi môn hóa năm nay là có nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn cao và tổng hợp được các dạng bài tập về hình vẽ, đồ thị, thí nghiệm dựa trên cơ sở hình ảnh. Nhận thức câu hỏi tổng hợp rất hay, trong đó có khoảng 58% là lý thuyết, còn lại là bài toán để kiểm tra tư duy các em.

Nhìn chung, độ khó đề thi môn hóa năm nay tăng hơn năm 2015 nhưng không nhiều, phù hợp với định hướng của Bộ GD-ĐT là sử dụng kết quả kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển vào ĐH. Với đề thi này, thí sinh có học lực khá có thể giành được 7-8 điểm; thí sinh có học lực giỏi có thể giành được 9 điểm; thí sinh xuất sắc, ôn tập kỹ mới có thể giành được 9,5 đến 10 điểm.

Phan Thị Lệ Thu (giáo viên môn địa Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng): Đề hay và có tính phân hóa rõ ràng

So với đề thi năm trước, đề thi môn địa năm nay không dài, không đánh đố thí sinh, câu hỏi hay và có tính phân hóa rõ ràng. Kiến thức đề thi rải đều trong các chương đã học của chương trình sách giáo khoa. Câu hỏi số 1 và số 2, chỉ cần thí sinh học thuộc bài và biết vận dụng Atlat thì sẽ làm được (riêng câu 2, nếu thí sinh không có và không biết sử dụng Atlat thì sẽ không làm được). Ở câu hỏi số 3, đề thi bắt đầu thể hiện tính phân hóa. Câu hỏi vẽ biểu đồ có tính quy mô và đòi hỏi kỹ năng xử lý số liệu. Với câu hỏi này thí sinh có học lực khá mới có thể làm được. Câu hỏi số 4 phân hóa ở mức cao hơn đòi hỏi phải biết cách phân tích. Ví dụ, khi nói về lương thực thực phẩm là ngành trọng điểm ở nước ta thì đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức về nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… Những yếu tố này làm điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến phát triển. Cần phải tư duy, có sự đầu tư trong quá trình học mới lấy được điểm ở ý câu hỏi này.

Nhìn chung với đề thi năm nay, thí sinh học lực trung bình có thể đạt 4-5 điểm, mức điểm 7-8 dành cho thí sinh khá, mức điểm 9-10 dành cho thí sinh giỏi, tư duy sâu.

ThS. Nguyễn Thị Thanh Phương (Tổ trưởng Bộ môn ngoại ngữ, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa nước ngoài, Trường ĐH Văn Hiến): Nội dung đề gần gũi và thiết thực

Đề thi tiếng Anh năm nay có một số câu tương đối dễ, bám khá sát kiến thức sách giáo khoa. Các câu khó cũng không quá “lắt léo”, chủ yếu kiểm tra kỹ năng đọc hiểu. Một số phần kiến thức như thành ngữ, cụm động từ, cụm giới từ... cũng đều quen thuộc hoặc có một số từ xung quanh để đoán nghĩa.

Phần đọc hiểu giúp thí sinh bổ sung thêm kiến thức xã hội, lối sống và môi trường. Phần tự luận 1 có những cấu trúc quen thuộc, chỉ cần nắm vững các kiến thức cơ bản là thí sinh có thể làm tốt. Phần tự luận 2 đề cập đến lợi ích của việc biết bơi, một chủ đề rất được quan tâm. Có cả 3 gợi ý để các em có thể trình bày quan điểm. Nhìn chung, đề thi tiếng Anh năm nay khá phong phú, gần gũi và thiết thực, thí sinh chuẩn bị bài kỹ có thể làm tốt.

TS. Đặng Quốc Minh Dương (Trưởng bộ môn Văn học, Khoa KHXH&NV, Trường ĐH Văn Hiến): Để đạt điểm cao không đơn giản

Đề thi môn văn năm nay không khó, vừa sức với thí sinh, nội dung bám sát chương trình phổ thông. Thí sinh có thể đạt trên điểm trung bình nhưng để đạt điểm cao không đơn giản. Điểm đáng ghi nhận nhất trong đề thi năm nay là tính mở, thể hiện rõ qua việc đặt các câu hỏi mang tính nghị luận (xuất hiện đều trong các phần). Điều này đáp ứng yêu cầu đổi mới của Bộ GD-ĐT là phát huy năng lực thông hiểu của thí sinh qua các tác phẩm văn học, qua các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, phần đọc hiểu chỉ 3 điểm nhưng lại quá dài với nhiều câu hỏi (8 câu) làm mất khá nhiều thời gian của thí sinh. Bên cạnh đó, đề thi cũng chưa có sự phân loại thí sinh một cách rõ ràng.

Đặng Thái Thành (giáo viên môn lý Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM): Đề mang tính phân loại cao

So với năm 2015, đề thi môn lý năm nay nhẹ nhàng hơn và không gây bất ngờ cho thí sinh. Nhìn chung, đề thi năm nay rất hợp lý, hài hòa, có cả câu dễ và khó, mang tính phân hóa cao, đáp ứng tốt yêu cầu “2 trong 1” của Bộ GD-ĐT. Số câu hỏi khó ít hơn, nhưng có tính phân loại cao hơn. Nội dung các câu hỏi đều bám sát chương trình lớp 12.

Với cách ra đề năm nay, những thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và đã từng làm các bài tập trong sách giáo khoa có thể đạt được 5-6 điểm ở 30 câu đầu tiên. Những câu còn lại dành cho thí sinh khá, giỏi nhưng yêu cầu phải có sự tư duy tổng hợp, phân tích, suy luận logic mới đạt được 8-9 điểm. Ở đề này, những thí sinh thực sự xuất sắc mới có thể đạt được điểm 10.

M.Tâm - D.Bình - V.Yên - N.Anh (ghi)