Thứ tư, 27/10/2010, 16h10

Những “kỹ sư chân đất”: Kỳ cuối: Lợi ích của sản phẩm “made in nông dân”

Chiếc máy tưới phân đơn giản này đã giúp gia đình ông Văn Ngọc Báo thu lợi hàng trăm triệu đồng từ việc tiết kiệm nhân công đến hao phí phân bón

Một cái máy có thể thay thế cho hàng chục người, hàng trăm người, rút ngắn thời gian làm việc từ vài ngày xuống còn vài giờ, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Đó là những tiện ích mà các chiếc máy “made in nông dân” đem lại.
Hiệu quả nhiều bề
Kể từ khi có máy xới đất giồng do anh Hà Xuân Cường sáng chế, công việc đồng áng của bà con ở xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An nhẹ hẳn đi mà hiệu quả đem lại cao gấp nhiều lần so với trước khi có máy. Một giờ máy xới đất có thể xới được 1 công (1.000m2) mà chỉ tốn 1 công lao động và 1 lít xăng, hiệu quả hơn lúc trước rất nhiều. Anh Nguyễn Thái - một nông dân đang sử dụng máy xới đất của anh Cường cho biết: “Lúc trước, một công đất tôi phải thuê 3 người trong 1 ngày (tốn 300.000 ngàn đồng) để băm nhỏ đất ra, còn từ khi có máy chỉ tốn khoảng 1 giờ và 1 lít xăng (chưa tới 50.000 ngàn đồng). Hay chiếc máy sấy lúa di động của anh Trần Văn Dũng (xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), 1 giờ đồng hồ cũng có thể sấy được 600-700kg lúa, máy lại chạy bằng điện, chỉ tốn một lao động, tiện lợi gọn nhẹ hơn so với lò sấy lúa bình thường. Một hiệu quả mà về lâu về dài là từ việc nông dân sản xuất máy móc thành công sẽ cổ vũ, thôi thúc những người nông dân khác, kể cả sinh viên cùng tham gia nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Vì chỉ có như thế mới có thể góp phần tiết kiệm công sức, tiền bạc và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo kỹ sư Phạm Việt Hồng - Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học & kỹ thuật tỉnh Tiền Giang thì: “Khi một thiết bị máy móc mới nào đó được áp dụng vào ngành nông nghiệp thì đều mang lại hiệu quả rất cao so với việc làm thủ công hay máy móc cũ”.
Gia đình anh Dương Văn Hiển (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thanh, tỉnh Long An) có truyền thống nông nghiệp qua bao thế hệ, ngay cả đến bây giờ, con anh cũng đang tiếp bước cha nhưng không còn cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau nữa. Bây giờ người nông dân đã đỡ vất vả hơn khi đã áp dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hầu hết những tiến bộ đó đều xuất phát từ nông dân. Anh nói: “Tôi cảm thấy công việc ít hơn, hiệu quả cao hơn khi có sự góp mặt của máy móc trong quá trình sản xuất nông nghiệp và càng vui hơn khi những sản phẩm đó là của nông dân, những người suốt ngày chỉ biết đến “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”.
Còn đó những khó khăn
Hiệu quả đã thấy rõ, nhưng cái khó để áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào nông nghiệp là ở chỗ giá thành của những sản phẩm đó khá cao. Chẳng hạn, người nông dân muốn sở hữu chiếc máy xới đất của anh Cường cũng phải bỏ ra hơn 6 triệu đồng trong khi giá thành máy xới của Trung Quốc (tính năng tương tự nhưng không bằng với máy xới của anh Cường) thì chỉ có giá khoảng 4 triệu đồng, mẫu mã lại bắt mắt, được bảo hành trong thời gian dài.
Một điều bất lợi cho người nông dân có sản phẩm khoa học phục vụ nông nghiệp đó là việc được bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ. Khi làm ra máy móc nào đó, họ không hề suy nghĩ đến “bản quyền sở hữu trí tuệ” là gì, chỉ nghĩ làm sao để sản phẩm phục vụ tốt nhất cho nghề nghiệp của mình mà thôi. Nhưng khi một chiếc máy, một sản phẩm đưa ra thị trường thì sẽ có nhiều người lợi dụng sơ hở đó để “nhái” lại, giống y chang với sản phẩm của người nông dân và đi đăng kí bản quyền. Vì vậy người nông dân sẽ dễ mất đi công sức, tâm huyết mình đã bỏ ra bao nhiêu lâu mày mò sáng chế. Nhưng cũng từ nỗi lo này sẽ hướng người nông dân đến một phong cách chuyên nghiệp hơn như phải thường xuyên cải tiến công nghệ, cải tiến thiết bị, máy móc, luôn luôn tìm tòi thay thế phụ tùng để giảm giá thành mà chất lượng lại được nâng cao.
Một khó khăn không nhỏ nữa để đưa những máy móc do “kỹ sư chân đất” sáng chế đến với nông dân là ở chỗ kênh quảng bá, mua bán, phân phối sản phẩm đến với người nông dân còn chưa được quan tâm. Đa phần là do người dân tự tìm đến nơi sản xuất để mua chứ ít có ai quan tâm đến việc mở rộng thị trường.
Bài, ảnh: Công Luận

Tuy khó khăn là vậy, nhưng trong suy nghĩ của những người nông dân họ sẽ không bao giờ ngừng sáng tạo, cải tiến cũng như quay lưng với máy móc thiết bị “made in nông dân”.