Thứ năm, 25/5/2017, 15h35

Những kỹ sư nông nghiệp say nghề

Không ngừng dấn thân trong việc ứng dụng và phát triển nông nghiệp theo hướng côngg nghệ cao, nhiều kỹ sư nông nghiệp đã đạt được những thành quả đáng khích lệ.

Các kỹ sư nông nghiệp trẻ đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng

Các kỹ sư nông nghiệp trẻ đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng

Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại TPHCM hiện đang được vận hành bởi nhiều người trẻ tài năng, tâm huyết. Không theo lối mòn, nhiều dự án, quy trình công nghệ ý nghĩa ra đời đã thể hiện sự dấn thân của các kỹ sư nông nghiệp trẻ vào lĩnh vực này.
Say mê tìm tòi công nghệ
Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn luôn là trăn trở, kỳ vọng của những kỹ sư trẻ tâm huyết tại đây. Để triển khai thành công các dự án, quy trình công nghệ cao, các bạn trẻ đã không ngại khó, dù nghiên cứu các công nghệ mới là cả một chặng đường dài với rất nhiều khó khăn. Để chúng tôi hình dung rõ hơn những công việc của kỹ sư nông nghiệp trẻ tại đây, anh Trần Văn Lâm, Phó phòng Nghiên cứu công nghệ cây trồng, dẫn chúng tôi vào tham quan khu nhà màng trồng dưa lưới, cà chua bi. 
Anh Lâm cho biết, năm 2014, sau thời gian nghiên cứu, đưa vào thực tế, quy trình trồng cà chua và dưa lưới đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là 2 tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Và quy trình đã được các kỹ sư kiên nhẫn nghiên cứu trong nhiều năm tháng, thầm lặng ở môi trường không nhiều người lui tới. “Ở đây, chúng tôi sẽ tiếp thu và cải tiến các quy trình, tiến bộ công nghệ cao như trồng cây không cần đất; tìm giá thể, phân bón phù hợp; kiểm soát hệ thống tự động lập trình tưới nước, tưới phân bón… Hiện tại, năng suất ghi nhận được tùy từng loại giống, dưa lưới có thể đạt 2,5 - 3,5 tấn/1.000m2, cà chua có thể đạt trên 4 tấn/1.000m2. Hiệu quả kinh tế có thể đạt 700 - 900 triệu/ha/năm”, anh Lâm cho biết.
Theo anh Lâm, từ khi thành lập trung tâm đến nay, đội ngũ kỹ sư trẻ đã nhận phần việc nghiên cứu phát triển trồng dưa lưới. Đến năm 2009, đã có những kết quả nhất định và những năm sau đó chuyển giao công nghệ lại cho người dân. Tuy nhiên, các bạn trẻ cũng gặp khá nhiều khó khăn. “Khó khăn đầu tiên là giống bởi có rất ít giống phù hợp với khí hậu TPHCM. Hơn nữa, dưa lưới phải trồng trong điều kiện nhà màng nên việc kiểm soát sâu bệnh cũng gặp phải những khó khăn. Chúng tôi phải tìm những phương pháp canh tác phù hợp, hiệu quả như các biện pháp kiểm soát sâu bệnh hại trong nhà lưới, dùng các loại chế phẩm để chống lại các loại nấm gây bệnh cho cây trồng; cải tiến, nâng cao quy trình sử dụng phân bón để phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không gây lãng phí…”, anh Lâm nói. 
Riêng với quy trình cà chua bi, từ năm 2013, các kỹ sư tại Phòng Nghiên cứu công nghệ cây trồng vào nghiên cứu và thử nghiệm. Cà chua bi chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới như trên Đà Lạt nên khi trồng ở vùng nhiệt đới sẽ chết. Muốn trồng ở TPHCM phải chọn giống phù hợp, có khả năng chịu nóng. Ròng rã 2 năm, đến năm 2015, các bạn trẻ đã thành công trong việc thử nghiệm trồng cà chua bi trên giá với tỷ lệ sống hơn 90%. Hiện quy trình kỹ thuật này đã được chuyển giao cho các đơn vị, cho bà con nông dân Củ Chi và nhiều nơi khác. 
Nỗ lực giảm thất thoát sau thu hoạch
Với công nghệ trồng hiện đại, dưa lưới, cà chua bi cho ra sản lượng cao là vậy nhưng cái khó vẫn là đầu ra, trong khi đó khâu bảo quản không tốt khiến thất thoát sản lượng sau thu hoạch ước tính lên đến 25%. Vì vậy, làm thế nào để bảo quản sản phẩm ngay trên cây, để kéo dài thời gian thu hoạch cũng như khi đã hái xuống, sản phẩm giữ được lâu nhất, tránh hư hỏng là điều mà nông dân rất cần. 
Theo kỹ sư công nghệ thực phẩm Nguyễn Hoàng Thảo Ly (Phòng Công nghệ sau thu hoạch), trên thế giới, người ta đã sử dụng chế phẩm AVG (AminoethoxyVinylGlycine) có tác dụng làm chậm quá trình chín, tăng cường độ chắc cho quả và tăng độ ngọt, do đó sẽ có khả năng chống chịu sự va đập của rau, quả trong quá trình vận chuyển. Đây là sản phẩm được chiết xuất từ thực vật bằng phương pháp lên men đậu nành nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước đây AVG là chế phẩm của nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam nên có giá rất cao, sử dụng chế phẩm này trong trồng trọt sẽ đội giá thành sản phẩm lên, do đó khó cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước. Chính từ những băn khoăn đó, các kỹ sư trẻ của Phòng Công nghệ sau thu hoạch đã phân tích thành phần AVG ngoại để quyết tâm chế ra chế phẩm nội địa có hiệu quả tương đương, giúp người nông dân có bí quyết bảo quản rau, quả mà không phải dùng thuốc độc hại.
Bắt tay vào nghiên cứu, cả nhóm đều tất bật tìm hiểu tài liệu trong và ngoài nước, áp dụng nhiều phương pháp, từ sử dụng phần mềm JMP (phần mềm phân tích dữ liệu) để thiết kế thí nghiệm đến “cầu cứu” các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp tại TPHCM. Cả nhóm cật lực thí nghiệm đủ 26 nghiệm thức mà phần mềm JMP đưa ra với cường độ làm việc cao. Cả nhóm gần như rất thiếu kiến thức ở khâu trồng và chăm sóc cây, vì vậy không ít lần thất bại bởi cây cháy lá, phát triển không đều. Vậy là cả nhóm lại tìm đến nông dân học cách trồng cây để tìm nguyên nhân. Trong khi phải phun bằng phương pháp nhỏ giọt thì nhóm lại phun sương, khiến nồng độ chế phẩm phun lên cây không phù hợp. Tổng hợp các phương pháp và từng bước thực nghiệm, đầu năm 2016, Phòng Công nghệ sau thu hoạch đã thành công khi sản xuất ra chế phẩm “AVG made in Vietnam” như hiện nay với công thức liều lượng phù hợp với từng giống cây trồng. 
Đó là kết quả của 12 tháng ròng rã mà 5 kỹ sư trẻ của Phòng Công nghệ sau thu hoạch gồm Lê Sĩ Ngọc, Phạm Thị Hà Vân, Nguyễn Thị Hiếu Trang, Phạm Quang Thắng và Nguyễn Hoàng Thảo Ly đã miệt mài phân tích, nghiên cứu. Kỹ sư Thảo Ly chia sẻ: “Cái khó thì nhóm mình gặp nhiều lắm bởi các bạn đều là người trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng đổi lại ai cũng có nhiệt huyết, có đam mê, có quyết tâm nên động viên nhau mày mò, vướng chỗ nào thì cùng nhau tháo gỡ chỗ đó. Vì vậy, sau hàng trăm lần thất bại với rất nhiều thực nghiệm, nhóm mình cũng đã thu được kết quả đáng tự hào, giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân”.

VÕ THẮM - HẢI THU (SGGP)