Thứ tư, 23/9/2015, 09h23

Những lá đơn cầu cứu được hồi âm

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 đã đi hết 3 đợt xét tuyển. Nhưng có lẽ, chưa năm nào, quá trình xét tuyển lại có nhiều sự kiện đến thế. Năm nay, dư luận đã chứng kiến sự vào cuộc kịp thời của Bộ GD-ĐT và Bộ Công an (CA) để “cứu” những thí sinh (TS) đạt điểm cao được vào học đúng nguyện vọng của mình.

Khi Bộ CA “ra tay”

Hai cái tên Bùi Kiều Nhi, Nguyễn Đức Ngà được dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày gần đây. Hai em cùng đạt 29 điểm (kể cả điểm cộng) và không được vào học các trường thuộc khối ngành CA do án tích của bố. Do muốn gắn bó với ngành nên cả hai em đã viết thư cầu cứu Bộ trưởng Bộ CA. Trước sự việc này, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ CA - cho biết Bộ CA có Thông tư số 53 ngày 15-8-2012, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ chiến sĩ CA nhân dân kể cả tuyển mới, trong thông tư này quy định rõ tiêu chuẩn cụ thể đối với những người được tuyển vào CA nhân dân. Tổng cục Chính trị đã có hướng dẫn 9443 ngày 15-10 huớng dẫn đơn vị địa phương thực hiện Thông tư 53 này. Trong hướng dẫn 9443 quy định cụ thể, đối với các trường hợp có thân nhân bị tòa tuyên phạt dưới 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và đã được xóa án tích, trừ trường hợp phạm các tội như: Xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm ma túy... đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu hiện thân nhân chấp hành tốt chủ trương pháp luật của Nhà nước thì CA các đơn vị địa phương phải báo cáo về Tổng cục Xây dựng lực lượng để xem xét, kết luận. Đáng ra những trường hợp của em Nhi, em Ngà, CA tỉnh phải có văn bản báo cáo về, bộ sẽ xem xét, trường hợp nào chiếu cố được thì Tổng cục Chính trị sẽ giải quyết. Để xảy ra trường hợp như thế này là do CA một số địa phương nắm bắt chưa tốt, chưa báo cáo kịp thời, CA tỉnh làm chưa được chuẩn. Nếu có nữa thì bộ vẫn phải giải quyết. Đây không phải tiền lệ mà là những trường hợp được xem xét.

Niềm vui của Bùi Kiều Nhi (bên trái) và Nguyễn Đức Ngà (thứ 3 từ trái qua) khi được trúng tuyển bổ sung vào ngành công an. Ảnh: V.V

Với Nhi và Ngà, sau khi được Bộ CA xem xét, hai em đã được nhập học theo đúng nguyện vọng của mình.

Cầu cứu Bộ GD-ĐT

Ngày 31-8, chàng trai Trần Văn Sâm cầm tấm biển cầu cứu với nội dung “thi được 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em”. Sâm là TS cao điểm nhất, được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông y đa khoa (khóa 2015-2019) tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ vào ngày 15-7. Thế nhưng, khi đến ĐH Y dược Cần Thơ làm thủ tục nhập học, nam sinh không thấy tên mình trong số 22 TS ở Bình Thuận trúng tuyển. Sâm hỏi Sở Y tế Bình Thuận, được thông báo, không phải viên chức Nhà nước nên bị loại, dù thừa 2,5 điểm. Trước sự việc này, Sở Y tế Bình Thuận đã có văn bản gửi ĐH Y dược Cần Thơ xin đính chính thông tin của Trần Văn Sâm. Theo đó, Sâm chỉ là viên chức hợp đồng chưa được tuyển dụng chính thức vào biên chế Nhà nước, nhưng do khi đăng ký dự thi, phía Phan Thiết đã cập nhật nhầm thông tin. Tuy nhiên, khi mang văn bản này và đơn xin chuyển sang diện TS tự do, nhà trường vẫn không nhận hồ sơ và yêu cầu Sâm về khiếu nại với Sở Y tế Bình Thuận. Sự “nhầm lẫn” này khiến Sâm trượt ĐH trong gang tấc. Bất lực, chàng cầm tấm bảng xin được giúp đỡ tại khu vực cạnh chợ Mũi Né, TP.Phan Thiết (Bình Thuận). Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng GD-ĐT đã có chỉ đạo ĐH Y dược Cần Thơ nhận Sâm vào học vì lỗi không phải thuộc TS.

14 TS ở ĐH Huế cũng “suýt trượt” vì điểm ưu tiên. Đây là những TS đủ điểm đỗ vào ĐH Huế và đã có giấy báo nhập học. Tuy nhiên, khi đến làm thủ tục, bất ngờ bị trường thông báo trượt vì phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT vào nhầm điểm ưu tiên. Nhưng sau đó, Bộ GD-ĐT khẳng định phần mềm tuyển sinh không nhầm nên các TS này đủ điều kiện nhập học.

20 TS ở Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên) cũng bị cộng nhầm điểm ưu tiên trong khi lỗi này không thuộc về TS. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Phú Yên và các trường ĐH không được để TS phải chịu thiệt thòi.

Nghiêm Huê

Năm nay là năm đầu tiên thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia. Có nhiều chuyện TS khóc rồi cười, cười rồi khóc. Nhưng dù ở phương diện nào cũng cho thấy TS và người nhà đã biết sử dụng sức mạnh của truyền thông để mang lại công bằng cho mình.