Thứ tư, 27/10/2010, 08h10

Những lời tình nghĩa

Cái tài của người viết truyện là khéo dẫn dắt bạn đọc. Người đọc cứ bị cuốn hút bởi gay cấn này, tình huống nọ. Và, khi xảy ra một tình huống, người đọc thấy rõ nhân vật ấy đã nghĩ gì, giải quyết ra sao. Đời Thúy Kiều có ba lần gặp phải tình cảnh nghiệt ngã, cao độ, ở đấy nhân cách con người của Kiều bộc lộ rõ nhất. Tất nhiên, 15 năm ba chìm bảy nổi không thiếu gì chuyện éo le, đau buồn, máu hòa nước mắt. Nhưng có thể thấy ba cảnh huống sau là tột đỉnh: một, Thúy Kiều tự vẫn tại lầu xanh Tú bà; hai: Thúy Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử và thứ ba (cũng là lần đầu tiên) việc Kiều bán mình. Lần thứ nhất và lần thứ hai là tìm đến cái chết, còn lần này (chuyện bán mình) là tìm cái sống trong cái chết.
Sau khi ngã giá, Mã đưa tiền, định ngày làm lễ vu quy, Thúy Kiều đã có ít tiền trong tay. Việc đầu tiên Thúy Kiều năn nỉ bọn sai nha tạm thả cho cha và em được về nhà.
Biết con gái yêu đã bán mình chuộc cha, Vương ông bộc lộ nỗi lòng của người cha hết mực thương con. Ông nói hay tiếng khóc, tiếng than cất lời đau xót: Nuôi con những ước về sau/ Trao tơ phải lứa gieo cầu đáng nơi/ Trời làm chi cực bấy trời/ Này ai vu thác cho người hợp tan! Cứ nhìn vào gã trai tơ Mã giám sinh, trạc ngoại tứ tuần ấy mới thấy cụ Nguyễn đã nhọc lòng chọn chữ nghĩa: phải lứa đáng nơi! Đó cũng là mong mỏi lớn nhất của cha mẹ khi con cái trưởng thành và bước vào chung sống với người khác. Hai yêu cầu ấy, Mã hoàn toàn trái ngược. Mà nếu con gái về nhà chồng tất không phải cảnh hợp tan, cảnh sinh li tử biệt. Mới bày tỏ lòng mình vài câu, người đọc thấu hiểu hết tình cảnh của gia đình, nỗi đau của Kiều và lòng thương xót vô hạn của người cha!
Vậy nên, ông nghĩ đời người sau trước cũng một lần từ giã trần gian, thôi thì mặt khuất chẳng thà lòng đau… Vương ông chịu cái chết để khỏi nhìn cảnh con mình liên lụy, lầm than.
Nguyễn Du đã đẩy câu chuyện đến cao trào. Thúy Kiều ở vào tình thế không dễ gì khuyên giải nỗi đau lòng ấy của người cha. Thúy Kiều bèn nhỏ nhẹ thưa với cha những lời tình lí sâu sắc. Trước hết hãy hạ thấp mình, đừng để cha xem trọng tấm thân của đứa con: Vẻ chi một mảnh hồng nhan và, đi liền đấy là cái luật, cái đạo nghĩa ở đời: Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành (là phận con trước hết phải đền ơn cha mẹ, con chưa làm được tí gì dẫu chỉ cái tơ, sợi tóc). Rồi Kiều viện đến gương những cô gái cứu cha mà đời còn lưu lại tiếng thơm. Nàng Oanh đã viết thư lên vua, xin chuộc tội cho cha, Ả Lý (Lý ký) đã xông vào chém rắn dữ cứu cả nhà và cứu bà con làng xã. Thúy Kiều muốn cha hãy cho nàng theo vết người xưa làm việc nghĩa. Đấy là Kiều đánh vào lí trí vào nghĩ suy, vào lẽ sống của con người! Nói về mình là vậy, còn cha? Cha tuổi đã già nhưng trách nhiệm đối với gia đình lại quá lớn: Cõi xuân tuổi hạc càng cao/ Một cây gánh vác biết bao nhiêu tình!
Vậy, nên chọn việc con chết hay cha chết? Thà rằng liều một thân con/ Hoa dù rã cánh, lá còn cây xanh… Hơn nữa, cha hãy coi như ngày mới sinh con ra, con bị bất hạnh mà mất từ tuổi ấu thơ…
Chừng ấy lời lẽ, vừa tình vừa lí, Thúy Kiều đã thuyết phục được cha, đã làm trọn chữ hiếu. Vương ông đâu có hay con gái tội nghiệp của mình còn âm thầm chịu nỗi đau giằng xé, đứt ruột không ai biết, không ai sẻ chia. Thật ra chuyện riêng của Thúy Kiều, mối tình với chàng Kim còn đè nặng, đau xót, thảm thương đến đốt cháy tim gan người con gái chung tình, nết na, đức hạnh. Biết giấu nỗi đau riêng để lo cho cha mẹ, cho gia đình yên ấm, Thúy Kiều đã để dấu ấn về đạo lí làm con, ngàn năm sau người đọc vẫn còn thương xót, quý trọng.
Lê Xuân Lít