Thứ tư, 30/1/2013, 15h01

Những lưu ý trong tiết trả bài kiểm tra

Trả bài kiểm tra là tiết học để thầy - trò đánh giá lại những ưu và khuyết điểm mà bài làm của các em đã thực hiện sau khi có kết quả chấm. Và đây là tiết dạy không nhằm mục đích nâng cao hiểu biết nhận thức mà hướng học sinh (HS) đi sâu vào kỹ năng làm bài thực hành và vận dụng những điều đã học từ lý thuyết để đưa vào thực tế. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi thấy giáo viên (GV) cần làm những công việc sau:
Thứ nhất là ghi lại đề bài lên bảng. Mặc dù HS đã biết đề bài từ trước đó nhưng đây là việc làm không thừa chút nào. Không phải HS nào cũng nhớ hết nội dung đề bài đã cho, hơn nữa đây là cách GV hướng dẫn các em nhận diện nội dung, yêu cầu đề bài đưa ra, giúp các em nhìn thấy được “đích đến” chính xác. Thứ hai là nhận xét sửa lỗi. Xét về mặt tâm lý, mặc dù đây là tiết học HS chờ đợi nhất vì muốn biết điểm bài làm của mình, nhưng GV không nên nóng vội trả bài trước mà cần có nhận xét đánh giá chung về bài kiểm tra. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc trình tự mà giáo học pháp môn tập làm văn đã đưa ra. Có như vậy HS mới tiếp tục hào hứng lắng nghe nhận xét của GV và tự rút ra được bài học cho bản thân. Kết quả bài làm bao giờ cũng có nhóm điểm cao và điểm thấp, GV có thể nêu tên cụ thể những HS có điểm cao, ngược lại không nêu tên cụ thể các bài làm có điểm thấp. Trước khi nhận xét cụ thể từng bài làm thì GV nên đưa ra những nhận xét chung theo nhóm. Ví dụ: Nhóm bài điểm cao, nhóm bài HS mắc lỗi giống nhau. Trong bộ môn ngữ văn thường gặp các lỗi sau: Lỗi lặp từ, dùng từ không đúng nghĩa (lỗi về dùng từ), lỗi về câu, lỗi về cách diễn đạt (lỗi ngữ pháp), lỗi sai kiến thức cơ bản, lỗi nhầm chi tiết trong tác phẩm (lỗi sai kiến thức), chữ viết chưa rõ ràng, sai chính tả, trình bày chưa khoa học (lỗi về hình thức)… Ví dụ hình ảnh sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân bị nhầm với sông Hương trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường nên HS đã miêu tả sông Đà như một cô gái Di-gan man dại và phóng khoáng. Khi gặp những lỗi như vậy GV nên gạch dưới chỗ sai và nhận xét bên cạnh để các em dễ dàng nhận biết lỗi sai của mình. Sau đó GV thông báo số bài điểm trên và dưới trung bình, số bài yếu - kém - trung bình - khá - giỏi để các em biết tỷ lệ. Một công việc không thể quên là GV nên so sánh với bài kiểm tra trước để tìm thấy mức độ tiến bộ của HS như thế nào. Thứ ba, GV cần dành thời gian cho HS tự sửa chữa những lỗi sai về ý, về câu, diễn đạt bằng bút khác màu cạnh lỗi sai mà GV đã gạch dưới. Ngoài ra, GV nên tập hợp một số lỗi phổ biến nhất để cuối giờ chính các em sẽ tự sửa những lỗi đó dưới sự hướng dẫn của GV. Khâu này có tác động đến sự thích thú và nâng cao kiến thức, kỹ năng làm bài cho các em. Làm như thế HS sẽ thấy được hạn chế của mình và đây chính là mục tiêu quan trọng của bài kiểm tra...
Trần Ngọc Đoan Trang
(Trung tâm GDTX Q.4)