Thứ năm, 5/7/2012, 08h07

Những “món lạ” trong đề văn!

Những đề văn hay và lạ trong các kỳ thi vừa qua đã mang đến một luồng gió mới trong việc dạy và học văn. Ảnh: N.Anh

Thời gian gần đây, những người dạy và học văn mới có dịp thưởng thức lại những “món lạ” từ nguyên liệu cũ. Người ra đề thi môn văn đã làm sống dậy tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam trong chiến tranh qua hình ảnh người chiến sĩ lái xe Trường Sơn (đề thi tuyển sinh lớp 10, năm học 2012-2013, TP.Hà Nội). Và nhắc nhở chúng ta đừng để những tinh hoa ấy bị lụi tàn ở thế hệ trẻ, qua hai tình huống chuyện khác nhau về hai đứa trẻ (đề thi tuyển sinh lớp 10, TP.HCM)!
Vì vậy, có thể gọi sự đổi mới trên là một cuộc cách mạng của người làm đề thi. Nó thổi một luồng gió lạ, mang hương vị mới, cách thưởng thức mới đến cho mọi người trên “bàn tiệc đề văn”.
 Đầu tiên, người làm đề thi đã tích hợp tri thức và kỹ năng liên môn để làm văn nghị luận xã hội; qua đó tìm hướng đi cho các đề văn mở, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại, rèn luyện cho con người kỹ năng xã hội cần thiết, trước những đòi hỏi của cuộc sống ngay từ bậc học đầu tiên. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, cho nên vai trò cao cả nhất phải kể đến là người thân trong gia đình, những người quyết định tới lối sống và nhân cách xã hội của các em học sinh sau này. Hình ảnh hai em bé trong hai đề văn với hai cách ứng xử đã nói lên một vấn đề đang được xã hội quan tâm: Sự vô cảm, vô tâm, ích kỷ mà lớp trẻ đang đối mặt. Vì sao trong khi“mọi người hết sức lo lắng cho việc lượm giùm đồ rơi rớt tứ tung trên mặt đường…”, còn em bé thì hồn nhiên yêu cầu mẹ: “Lát về mẹ nhớ mua cho con ly chè”? Đòi hỏi được đáp ứng một nhu cầu, một sở thích, bất chấp mọi hoàn cảnh. Hoặc em bé kia thấu hiểu từ trang phục đến sở thích của một fan hâm mộ, mà không biết nghề nghiệp và sở thích của cha mẹ. Từ nhỏ không rèn luyện và bồi dưỡng tình cảm, sự quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình, thì lớn lên có thể thấu hiểu và thông cảm được với mọi người trong xã hội?
Thứ hai, người làm đề kết hợp kỹ năng đọc văn theo đặc trưng thể loại và phương thức biểu đạt trong làm văn nghị luận văn học. Tìm hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại, phong cách, thi pháp trữ tình trong thơ Phạm Tiến Duật, một nhà thơ hiện đại bậc nhất cách tân về đề tài, câu chữ và hòa nhập sáng tạo thi pháp trữ tình trung đại vào thi pháp trữ tình hiện đại, nguồn cảm hứng thời đại. Đó là thủ pháp chân không, với cách sử dụng hàng loạt các từ phủ định miêu tả: Không kính, không mui và có thể còn không mọi thứ và cách lập luận bằng miêu tả “không kính... không phải không có kính, bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”, thủ pháp chân không, mượn “không” để nói “có”, ở đây là những chiếc xe không có đủ phụ kiện, nhưng có nhiều cái cần phải có,“cái nhìn thấy”. Có những nguy hiểm bất thường xảy ra, người lái phải luôn sẵn sàng đón nhận nguy hiểm bằng một thái độ lạc quan, phi thường. Giữa muôn vàn cái không ấy, có một cái nổi bật nhất là tinh thần thép, ý chí thép và cái ung dung, nóng bỏng của tình làm tan chảy mọi nỗi nguy nan. Không nản chí trước cảnh “gió táp mưa sa”, mà còn chủ động đón nhận từ các phía: “Gió vào xoa mắt đắng”, giữa tốc độ xe vun vút. Và cảm nhận phía mặt đất “con đường chạy thẳng vào tim”. Ngẫu hứng từ trên cao “sao trời và đột ngột cánh chim như sa, như ùa vào buồng lái”. Giữa muôn vàn cái không ấy, người chiến sĩ vẫn hiên ngang, ngạo mạn, tự tin. Sự tự tin là sức mạnh biến không thành có. Không có lăng kính để nhìn đời, nên phải có cái nhìn trực diện để thấy rõ tất cả, ở mọi hướng, để vững vàng tay lái, làm chủ tốc độ và tình huống khắc nghiệt của hoàn cảnh. Để cho“xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước” và “chỉ cần trong xe cómột trái tim”. Trái tim là biểu tượng sức mạnh tuổi trẻ, sự gắn kết của một cộng đồng, động lực thúc đẩy mọi hành động của người lái xe quân đội. Một lời thơ, nhịp thơ, điệu thơ, một hình ảnh, một thi pháp, một phong cách độc đáo, một thông điệp mới về sự xả thân, gắn kết của con người Việt Nam trong chiến tranh. Hay chính là tác dụng biểu đạt của phép thuật chân không.
 Với cách ra đề như trên, có thể hạn chế tối đa công nghệ văn mẫu và tư duy mẫu trong làm văn nghị luận của học sinh hiện nay.
Thanh Huyền (Gò Vấp)