Thứ ba, 7/12/2010, 09h12

Những người lính chiến đấu với “giặc lửa”: Bài cuối: Chuyện kể của “người trong cuộc”...

Đám cháy lớn ở quận 9 năm 2008 (ảnh do Phòng Cảnh sát PCCC quận 9 cung cấp)

Nhiều vụ chữa cháy đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho những người lính cứu hỏa bởi họ đã góp phần không nhỏ vào việc nhanh chóng dập tắt đám cháy, giữ được tài sản, cứu sống nhiều người... Tuy nhiên, cũng không ít vụ làm họ rơi nước mắt vì “giặc lửa” dữ dội và hung tàn, gây bao nỗi đau thương cho nhiều gia đình.
Chiến đấu đến cùng với “giặc lửa”
Cứ mỗi lần đối đầu với “giặc lửa”, những người lính cứu hỏa đều đặt nhiệm vụ cứu người lên hàng đầu, bởi tài sản mất đi có thể mua lại được, chứ tính mạng của con người thì không gì có thể thay thế. Thế nhưng, tính chất nguy hiểm của mỗi vụ cháy không cho phép họ chủ quan trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào. Do đó, mỗi lần xuất quân cứu hỏa, những người lính thuộc đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) phải tính toán sao cho phương án chữa cháy được hữu hiệu nhất nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản. Không chỉ thế, họ còn phải thuộc nằm lòng từng đường phố, con hẻm ở thành phố để chủ động rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường vụ cháy. Chiến sĩ trẻ Lê Thành Thâu nhớ lại một vụ cháy đặc biệt vào năm 2008 mà anh từng tham gia: “Ngay sau khi nhận tin báo cháy, toàn đội lập tức lên đường. Khi chúng tôi đến hiện trường thì đám cháy ở xưởng đã lan rộng và cháy rất dữ dội. Theo hiểu biết của bản thân tôi cũng như kinh nghiệm của những đàn anh đi trước thì đây có thể là vụ cháy do các chất liệu rất đặc biệt gây ra. Ngay lập tức, chỉ huy yêu cầu tôi bò vào trong để xác định điểm cháy vì sát dưới sàn, khói chưa phủ kín. Tay cầm lăng, tôi nằm sát xuống sàn và trườn vào. Cố gắng hết mình, trong vòng 30 phút, tôi trườn được khoảng 10m và xác định được trung tâm của vụ hỏa hoạn. Sau đó, tôi tiếp tục leo lên mái nhà để làm mát và ngăn ngọn lửa cháy lan. Nhờ sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng cảnh sát cùng sự viện trợ từ lực lượng PCCC thành phố nên đám cháy đã được khống chế”.
Một chiến sĩ trẻ nhớ lại vụ cháy đầu tiên mà anh tham gia tại quận 2: “Lần đó, tuy chỉ được giao nhiệm vụ tiếp ống dẫn nước nhưng do mới lần đầu nên tôi run lắm. Thế nhưng khi cả đội đến nơi, thấy đám cháy đang bùng phát, anh em lao vào rất khí thế, bỗng nhiên tôi cảm thấy vô cùng hưng phấn”. Và cũng từ đó, người chiến sĩ trẻ này không còn run nữa. Anh luôn muốn được kề vai sát cánh với đồng đội trong các vụ cháy để cứu người và hạn chế tổn thất về mặt tài chính cho nhân dân. Đồng chí Trần Văn Đông (Phòng Cảnh sát PCCC quận 9) với 30 năm trong nghề thổ lộ: “Tôi rất thương và thông cảm cho những chiến sĩ trẻ. Vì họ đang còn ở độ tuổi thanh niên nên ngủ rất say. Khi nghe còi báo động, các chiến sĩ phải bật dậy theo phản xạ tự nhiên nhưng tôi biết rằng, họ rất mệt. Điều này thể hiện rõ tại các vụ chữa cháy trong đêm, sau khi làm xong nhiệm vụ, họ lăn ra ngủ giữa ngổn ngang dụng cụ chữa cháy”. Nói về công việc, anh Đông chia sẻ: “Sức nóng của nhiều đám cháy có khi lên đến cả 1.0000C. Cầm lăng đi vào gốc lửa, quần áo và người anh em được làm ướt hoàn toàn, nhưng chỉ giữ được chừng 15 phút, quần áo đã khô cứng, lại thay nhau ra làm ướt. Khi làm nhiệm vụ, nhiều lúc không đủ oxy để thở, anh em phải bịt mặt bằng khăn ướt để dập tắt gốc lửa”.
Theo Thượng tá Phan Minh Quyền - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 9, ngay khi nhận được tin báo cháy, người trực ban phải thẩm định bằng cách hỏi lại tên tuổi người báo tin, địa chỉ xảy ra hỏa hoạn, loại vật liệu, hóa chất bị cháy, sau đó khẩn trương báo cáo với lãnh đạo đơn vị để họ báo động mệnh lệnh chiến đấu. Khi đến gần hiện trường, tất cả anh em phải quan sát đám khói, xác định được mùi khét để biết được chất cháy chủ yếu, số người có nguy cơ lâm nạn; trong đám cháy có khí gas, hóa chất, vật liệu gây nổ hay không… Ví dụ khi thấy khói nhiều, màu khói đen kịt là cháy xăng dầu, còn có thêm mùi khét hắt là cháy chất cao su. Đặc biệt, thời gian “kiểm định” đám cháy của những người lính cứu hỏa chỉ được tính bằng giây, nên ngoài việc tổ chức trinh sát hiện trường, người chỉ huy phải biết tính toán phương án khống chế đám cháy trong thời gian sớm nhất, xác định nơi có khả năng cung cấp nguồn nước, vị trí dừng xe. Lính cứu hỏa phải khẩn trương tìm mọi biện pháp cứu nạn khi phát hiện có người còn mắc kẹt trong đám cháy... Đó là những quy trình thao tác kỹ thuật bắt buộc đối với từng chiến sĩ PCCC mỗi khi làm nhiệm vụ.
Xen lẫn niềm vui, nỗi buồn
Theo các chiến sĩ PCCC, việc khống chế “bà hỏa” ở các khu dân cư là cực nhất. Bởi với tâm lý hoang mang, khi thấy nhà cháy, người dân thường hoảng loạn bỏ chạy ra ngoài. Ai cũng lo vứt đồ đạc ra ngoài khiến cho việc tiếp cận đám cháy của lực lượng PCCC găp nhiều trở ngại. Muốn tiếp cận được “miệng lửa”, trước hết lính cứu hỏa phải vượt qua “chướng ngại vật” người và đồ đạc dày đặc. Đặc biệt, khi xảy ra cháy, tâm lý chủ hộ nào cũng muốn nhà mình được “ưu tiên” chữa trước nên chỉ cần thấy xe chữa cháy tới là họ nhảy vào, mỗi người cầm một cuộn vòi hướng về phía nhà mình khiến tình thế khó khăn càng khó khăn hơn.
Cuộc sống của những người lính PCCC có nhiều tâm tư, tình cảm giống như bao người khác. Một chiến sĩ tâm sự: “Có những vụ cháy khi chúng tôi đến hiện trường, lửa đã lan rộng, thiệt hại về người và tài sản là điều khó tránh khỏi. Nhưng một số người dân không hiểu lại tỏ ý trách móc, thậm chí chửi mắng chúng tôi vì thiếu trách nhiệm… Và sau mỗi vụ cháy, mọi người chỉ lo thống kê các con số thiệt hại chứ chưa khi nào quan tâm đến những người “đứng mũi chịu sào” khống chế ngọn lửa để “giành lại cái còn trong cái đã mất” như chúng tôi”.
Ngày bình thường đã căng thẳng, đến những ngày lễ, tết, lính cứu hỏa thường xuyên rơi vào cảnh đứng ngồi chẳng yên. Bởi khi tết đến xuân về, cũng là thời điểm mùa khô, gió rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Đặc biệt là mức độ sử dụng lửa để nấu nướng, nhang đèn trong mỗi gia đình rất cao. Ngày lễ lớn, các chiến sĩ cảnh sát PCCC vẫn thường trực với tư thế sẵn sàng. Khi có hiệu lệnh báo động, họ khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ. Dù là đang trong giai đoạn thực tập hay đã trở thành “binh chính”, các thao tác của họ vẫn rất chuẩn xác và nhanh gọn.n
 
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Một chiến sĩ trải lòng: “Đêm giao thừa, nhìn nhà nhà quây quần bên nhau đón xuân; riêng với lực lượng PCCC đây là đêm cực nhất, chúng tôi phải thức suốt đêm để bảo vệ cho tất cả các tụ điểm bắn pháo hoa, các khu vui chơi giải trí công cộng… Khi chúng tôi về đến đơn vị thì trời đã tờ mờ sáng. Nhiều khi anh em cũng cảm thấy chạnh lòng, nhưng đã mang trên mình nghiệp “lửa” thì phải cố hoàn thành nhiệm vụ giữ bình yên cho mọi người”.