Thứ năm, 18/8/2016, 22h13

Những người trẻ giữ hồn dân tộc

Kỳ 4: HẬU DUỆ CỦA “DỊ NHÂN” LÀNG SÁO TRÚC

Tiếng sáo của Đinh Nhật Minh đã chinh phục những nhà chuyên môn khó tính cùng nhiều khán giả. Tên tuổi của người nghệ sĩ trẻ ấy được nhắc đến một cách trân trọng như điềm lành của làng sáo trúc Việt Nam.

Đinh Nhật Minh thổi sáo trong một chương trình âm nhạc (ảnh nhân vật cung cấp)

“Hổ phụ sinh hổ tử”

20 tuổi, Đinh Nhật Minh đang ấp ủ cho mình những giấc mơ xanh ngắt về âm nhạc, về tuổi trẻ. Minh muốn sống những ngày tháng này một cách trọn vẹn và nâng niu tất cả. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, ông nội là cố NSƯT Đinh Thìn, ba là NSƯT Đinh Linh, mẹ là NSƯT Tuyết Mai, Đinh Nhật Minh tự nhận mình là người may mắn khi được lớn lên trong chiếc nôi âm nhạc. Ông nội và ba đều có niềm say mê bất tận với sáo trúc và được mệnh danh là “dị nhân” của làng sáo trúc Việt Nam. Tên tuổi NSƯT Tuyết Mai lại gắn liền với nhiều loại đàn dân tộc nên ngay từ bé, Nhật Minh đã có cơ hội được tiếp xúc với những nhạc cụ dân tộc. Những giấc mơ về một vùng trời âm nhạc dân tộc cũng dần hình thành trong Minh từ những năm tháng ấu thơ khi lặng lẽ đứng ở cánh gà sân khấu xem ba mẹ biểu diễn.

Lên 9 tuổi, Minh tập làm quen với sáo trúc. Lần đầu tiên tập thổi sáo, Minh cứ hình dung lại cách ba thổi sáo khi đứng trên sân khấu rồi tập theo chứ cũng chưa hiểu gì nhiều. Biết con thích thú, NSƯT Đinh Linh chỉ bảo cho con từng cách lấy hơi, luyến láy... Với những bài tập khó, Minh kiên trì tập cho được bằng tất cả sự tự nguyện và niềm say mê của một cậu bé. Khi nhận ra Minh nuôi quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật với sáo trúc, NSƯT Tuyết Mai dặn dò: “Nếu đã quyết tâm theo đuổi thì con phải theo đi đến tận cùng giấc mơ, phải dành cho nó nhiều công sức, tâm huyết”. Lời dặn dò của mẹ như nguồn động lực để những khi chới với trong âm nhạc hay muốn buông xuôi, Minh lại bước tiếp. Minh dùng sáo trúc để nuôi dưỡng tâm hồn và giữ đam mê cho mình.

16 tuổi, Nhật Minh đoạt HCV độc tấu sáo trúc tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Trong những tháng tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, Minh âm thầm tích lũy kiến thức âm nhạc, học cách chơi nhiều nhạc cụ khác như: đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh, đàn guitar, đàn đá... 

“6 năm sang nước ngoài học về sáo trúc là khoảng thời gian mà tôi mãi mãi không thể nào quên. Với một cậu bé 12 tuổi, việc ra nước ngoài sống và học tập một mình, không có người thân bên cạnh là một khó khăn, áp lực. Đôi lúc nghĩ lại tôi cũng không hiểu vì sao mình có thể vượt qua được”, Nhật Minh chia sẻ. Những ngày tháng vui có, buồn tủi có nơi xứ người, Minh đã vượt qua bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình. Giải nhất chuyên ngành độc tấu sáo trúc tại Liên hoan Văn hóa nghệ thuật lần thứ 16 khu vực Quảng Tây năm 2011; giải xuất sắc tại cuộc thi Hữu nghị Trung - Việt năm 2011 khu vực Nam Ninh; lọt vào top 20 độc tấu sáo trúc tại Liên hoan Âm nhạc dân tộc dành cho thanh thiếu niên lần 4 tổ chức tại Tứ Xuyên - Trung Quốc như một minh chứng cho sự cố gắng của người nghệ sĩ trẻ. Tố chất di truyền là một điều không thể phủ nhận nhưng chính niềm đam mê mãnh liệt đã giúp Minh nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ của mình.

Nhật Minh trở về Việt Nam, mang theo giấc mơ theo đuổi nghệ thuật dân tộc truyền thống. Đó cũng là cách mà Nhật Minh muốn tìm về với chính nguồn cội của mình, về với những ký ức tươi đẹp mà một thời ông nội và ba đã đi qua. Trong khi các nghệ sĩ trẻ chạy theo sự ồn ào và đám đông để tìm sự nổi tiếng với những dòng nhạc trẻ hiện đại, Minh chọn cho mình một lối đi có phần lặng lẽ.

Đi trọn giấc mơ

Nghệ sĩ trẻ Đinh Nhật Minh

Nhật Minh giản dị, dễ gần và không hề khoảng cách. Đó là những ấn tượng ban đầu của nhiều người khi tiếp xúc với Minh. Để trở thành nghệ sĩ đời thứ ba nối nghiệp gia đình bằng cây sáo trúc, thời niên thiếu của Minh đã không có nhiều trải nghiệm hồn nhiên như bạn bè đồng trang lứa. “Nhiều khi đứng trên nhà nhìn xuống sân vui chơi cho thiếu nhi ở khu tập thể, tôi thèm cảm giác được tung tăng, được hòa vào những trận đá bóng cùng các bạn. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy nhanh chóng đi qua khi tôi miệt mài cùng sáo trúc và tìm thấy niềm vui trong đó. Có hôm, tôi vật lộn với những bài tập lấy hơi, tập luyến láy đến mệt nhoài nhưng khi làm được lại có cảm giác như mình vừa sút một trái bóng vào khung thành”, Nhật Minh kể lại.

16 tuổi, Nhật Minh đoạt HCV độc tấu sáo trúc tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Trong những năm tháng tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết, Minh âm thầm tích lũy kiến thức âm nhạc, học cách chơi nhiều nhạc cụ khác như: đàn kìm, đàn bầu, đàn tranh, đàn guitar, đàn đá...

Trở về chính nơi được sinh ra, bởi ở đây Minh còn có gia đình, có quê hương, bạn bè. Với Nhật Minh, được biểu diễn sáo trúc trên quê hương mình, đó là hạnh phúc. Tuổi trẻ không thể tránh những khoảnh khắc cô đơn, hoang hoải, nhất là đối với những người trẻ có tâm hồn nghệ sĩ. Thế nhưng, những giây phút ấy, chỉ cần một cây sáo trúc làm bạn là Minh đã say sưa, cất lên những điệu nhạc lúc trầm, lúc bổng, lúc réo rắt, thiết tha.

Điều hạnh phúc nhất của nghệ sĩ là có “đất” để biểu diễn nhưng thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay khiến cho đất diễn của âm nhạc dân tộc bị thu hẹp. Đó là lý do âm nhạc truyền thống chưa có sức hấp dẫn đối với người trẻ, thậm chí có người còn không biết hoặc gọi không đúng tên các loại nhạc cụ. Trăn trở trước vấn đề này nên Nhật Minh dành nhiều tâm huyết cho Ngôi nhà âm nhạc Trúc Mai - nơi  NSƯT Tuyết Mai thành lập để giới thiệu âm nhạc dân tộc với du khách nước ngoài và thường xuyên có những lớp dạy âm nhạc dân tộc miễn phí cho những ai yêu thích. “Tôi đến với sáo trúc, với âm nhạc dân tộc bằng tâm hồn mình. Tôi muốn trở về nguồn cội, với những gì giản dị nhất, gần gũi nhất. Tôi muốn đi trọn giấc mơ của mình”, Nhật Minh bộc bạch.

Phía trước là một con đường dài, nhiều thử thách. Người nghệ sĩ trẻ ấy cảm nhận rõ con đường âm nhạc mà mình đang theo đuổi không hề dễ dàng. Thế nhưng, Nhật Minh tin khi mình đã yêu và say cái gì đến tận cùng thì sẽ thấm được những tinh hoa của tình yêu đó...

Yên Hà