Thứ năm, 24/11/2016, 20h50

Những nhà giáo vượt khó giữ lửa với nghề

Dù đang mang căn bệnh hiểm nghèo, cuộc sống bên bờ thiếu đủ nhưng các thầy cô giáo vẫn mỉm cười bám trường, bám lớp.

Ông Lê Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP trao quà cho thầy Phạm Văn Lộc (GV Trường TH Hoàng Hoa Thám, huyện Hóc Môn). Ảnh: T.An

“Lên lớp đến khi hơitàn sức kiệt mới thôi”, đó là chia sẻ của các nhà giáo tuổi đang căng tràn nhựa sống, khao khát được đóng góp sức trẻ, tri thức cho ngành nhưng lại không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Chiến thắng bệnh tật

Cô giáo Nguyễn Phan Lan Hương (GV Trường TH Hồ Văn Thanh, Q.12) là một điển hình về tinh thần lạc quan, hết lòng với nghề. Cô Hương ly thân chồng, hiện nuôi hai người con (lớn học CĐ, nhỏ học THCS). Để có tiền cho con tới trường, ngoài giờ lên lớp, cô Hương còn phải rửa chén và bưng bê tại một quán phở.

Mặc dù sức khỏe yếu, song chưa một lần cô đầu hàng với bệnh tật. Hiện tại, cô Hương được nhà trường tạo điều kiện để xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu. Được biết, cô Hương xuất thân trong gia đình nhà giáo (cha cô nguyên là Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Khuyến, mẹ là GV Trường TH Nguyễn Du (Q.12) đã nghỉ hưu).

Luôn đến trường với gương mặt rạng rỡ nên ít ai biết cô Lê Thị Lan (GV văn, Trường THPT Phước Kiển) đang phải chống chọi với bệnh ung thư tuyến giáp. Chồng cô là công nhân, thu nhập thấp. Còn đồng lương của cô cũng chẳng khá gì. Số tiền ít ỏi của hai vợ chồng phải chia năm xẻ bảy cho tiền thuốc của cô, tiền học của hai người con và chi phí sinh hoạt mỗi ngày của cả nhà. Cô Lan chia sẻ: “Sức khỏe mình khá như hôm nay cũng nhờ sẻ chia tinh thần từ đồng nghiệp và học trò. Chính vì thế mà mình phải mạnh mẽ để đáp lại tình cảm đó”.

Cô Lê Hồng Mỹ Linh (GV Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân - bên phải) được đồng nghiệp an ủi. Ảnh: T.An

Một trường hợp khác là thầy Phạm Văn Lộc (GV Trường TH Hoàng Hoa Thám, huyện Hóc Môn) - thầy mắc bệnh đái tháo đường đã nhiều năm, di chứng làm mờ hai mắt. Vợ thầy Lộc là GV mầm non, tiền luơng không đủ trang trải sinh hoạt và nuôi hai con đang tuổi ăn tuổi học, trong khi đó mỗi tháng phải thêm một khoản chi phí thuốc thang khá lớn cho thầy nên cuộc sống vô cùng chật vật.

Thầy Lộc tâm tư: “Điều lo nhất là mai này không còn đủ sức khỏe để đến trường, gặp gỡ đồng nghiệp và học sinh”.

Bệnh tình ngày một nặng hơn nhưng cô Lê Hồng Mỹ Linh (GV Trường THCS Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) chưa một lần có ý định nghỉ dạy. Cô Linh bị suy thận mãn giai đoạn cuối, suy tim nhưng vẫn bám trường, bám lớp. Căn bệnh quái ác được phát hiện sau ngày cưới chừng vài tháng, vì thế mà hai vợ chồng không dám sinh con. Theo đồng nghiệp, mặc dù sức khỏe yếu nhưng cô Linh khao khát được đứng lớp, được truyền thụ kiến thức cho các em.

“Ngoài chi phí chạy thận 3-4 lần/ tuần, mỗi tháng cô Linh còn phải chi một khoản tiền lớn để thuê nhà”, đại diện Công đoàn ngành GD-ĐT Q.Bình Tân chia sẻ.

Khó khăn vẫn bám lớp

Tốt nghiệp ĐH năm 2006, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh về công tác tại Trường THPT Lê Minh Xuân. Tuổi đời khá trẻ nhưng cô Oanh được đánh giá là GV giỏi, có ý chí phấn đấu.

Về cuộc sống cá nhân, sau nhiều năm tích cóp và vay mượn, đến nay hai mẹ con cô đã có được một căn nhà - rộng khoảng 15m2. Niềm vui có chỗ ở đàng hoàng chưa được bao lâu thì con trai của cô mắc căn bệnh suyễn nặng. Cuộc đời lại một lần nữa thách thức cô.

Trong ba ngày 22, 23 và 24-11, đoàn công tác do ông Lê Hồng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã đến thăm và tặng quà cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn, mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm chăm lo CB-GV-NV trong tháng Nhớ ơn thầy cô do Công đoàn ngành phát động.

Ông Sơn chia sẻ: Dù mang trong mình bệnh tật, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về nghị lực, về tinh thần trách nhiệm xứng đáng được tôn vinh. Món quà chỉ có giá trị về mặt tinh thần nhưng là tấm lòng của đồng nghiệp, mong rằng sẽ tiếp thêm nghị lực để thầy cô tiếp tục con đường mà mình đã chọn.

Đồng hành với thầy, cô giáo có hoàn cảnh khó khăn và không may mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo, Ngân hàng VietinBank và Công ty CP Văn hóa Ngôi Nhà Xanh đã hỗ trợ mỗi GV 10 triệu đồng. Riêng cô Lê Thị Lan (Trường THPT Phước Kiển) được tặng chiếc xe gắn máy trị giá 20 triệu đồng.

* Sáng 24-11, tại Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Công đoàn Giáo dục TP.HCM và Công đoàn Giáo dục huyện Cần Giờ đã tổ chức lễ trao tặng nhà Mái ấm công đoàn cho CB-GV-NV.

Theo đó, Công đoàn Giáo dục thành phố, tập thể CB-GV-NV Trường TH Nguyễn Thượng Hiền và TH Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) cùng các nhà tài trợ hỗ trợ xây nhà (50 triệu đồng/căn) cho 6 GV-NV, gồm: thầy Vũ Việt Anh, GV Trường THCS Tam Thôn Hiệp; cô Lê Thị Ánh Hồng, GV Trường MN Thạnh An; cô Hồ Thị Mộng Ngàn, NV Trường MN Tam Thôn Hiệp; cô Bùi Thị Kim Lan, NV Trường THCS Doi Lầu; thầy Nguyễn Văn Tâm, GV Trường TH Lý Nhơn và thầy Bùi Văn Út, NV Trường MN Thạnh An.

Tuy An

Thầy Nguyễn Thanh Tòng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chồng cô Oanh mất khi con trai lên một tuổi. Tập thể CB-GV-NV nhà trường thống nhất tạo điều kiện cho cô kiêm nhiệm công tác giám thị để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt và điều trị bệnh cho con. “Chúng tôi học được ở cô Oanh tinh thần vượt khó và trách nhiệm với công việc”, thầy Tòng nói.

Công tác cùng Trường THPT Cần Thạnh từ năm 2005 đến nay, vợ chồng thầy Chu Huỳnh Lâm (GV địa lý) và cô Dương Ngọc Trang (GV tiếng Anh) hiện vẫn phải ở tạm ký túc xá học sinh của trường. Không có khoản thu nhập nào ngoài lương và phụ cấp, mỗi tháng lại phải tốn khoản chi phí điều trị bệnh suyễn mãn tính của cô Trang khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Gần đây, thầy Lâm còn tự nguyện tham gia giảng dạy học sinh lớp 10A8 tại xã đảo Thạnh An, phân hiệu của trường. “Dù đi lại ở xã đảo khá khó khăn nhưng nếu mình không nhiệt tình đóng góp công sức để truyền kiến thức cho học sinh ở vùng xa, vùng khó khăn thì tương lai các em sẽ thế nào?”, thầy Lâm trăn trở.

Trần Tuy An