Thứ năm, 13/10/2016, 19h03

Những tâm hồn bị rạn nứt...

Nếu một hôm con bạn đi học về áo quần xộc xệch, đầu u trán sứt, sà vào lòng bạn khóc nói là bị bạn đánh, bạn sẽ xử trí như thế nào?

Chắc chắn phần lớn chúng ta sẽ la rầy con, thậm chí đánh đòn chúng. Cũng có trường hợp cha mẹ bênh con, đòi gặp và dạy cho bọn kia một bài học. Hầu hết trong chúng ta đều không hề biết con cái chúng ta có thể đang trải qua một trạng thái tâm lý hết sức quan trọng, có thể làm lệch lạc hành vi, nhân cách về sau; thậm chí bi quan, bế tắc tự tìm đến cái chết ngay lúc đó.

Mới đây một bà mẹ ở tỉnh Yên Bái đã rơi vào trường hợp ấy. Con trai chị học lớp 8, đi học về sà vào lòng mẹ khóc, kể bị đánh trước cổng trường, bị bắt quỳ xin lỗi. Đứa con uất ức vì bị đánh, mắc cỡ vì phải quỳ trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè. Bà mẹ ấy cũng như hầu hết chúng ta không hề biết cháu đang bị một cú sốc tâm lý nguy cấp; chỉ nhìn thấy chuyện con nít đánh nhau không có gì mà ầm ĩ nên an ủi và khuyên con đi học bình thường. Vài ngày sau, đi làm về chị phát hiện con treo cổ tự tử trong nhà. Bà mẹ chết điếng, nhưng bây giờ mới hiểu ra thì mọi việc đã quá muộn.

Trẻ em chưa từng va chạm nhiều với cuộc đời, thấy cuộc sống như những gì chúng được học qua sách vở. Đó là một thế giới lý tưởng, mọi người đều thành thật, tốt bụng, thương yêu nhau. Đó là một thế giới công bằng, lẽ phải thắng cái sai trái, không ỷ thế kẻ mạnh hiếp kẻ yếu... Bởi vậy bất kỳ một chuyện nào, dù nhỏ nhưng trái với suy nghĩ của trẻ thì đều có thể làm thế giới đó sụp đổ, tâm hồn trẻ bị rạn nứt. Cộng với một tâm lý đang hình thành, chưa phát triển, chưa ổn định, trẻ em có thể có những hành động hết sức dại dột.

Nếu bà mẹ ở thành phố Yên Bái biết được những gì đang diễn ra trong tâm hồn con sau khi bị đánh thì chắc bà sẽ có cách ứng xử khác, gần gũi con hơn, phân tích, trao đổi về những gì mà chúng suy nghĩ chưa chín chắn, gặp nhà trường để cùng có biện pháp giúp đỡ thì con chị đã không phải chết oan.

Bạo lực học đường là chuyện rất xưa, thời nào cũng có, nước nào cũng có. Nó là một hiện tượng xã hội xuất hiện nhiều ở lứa tuổi trung học, thời kỳ mà tâm sinh lý học sinh có sự chuyển biến lớn từ trẻ con sang người lớn. Nghiên cứu bạo lực học đường để có cách hóa giải chúng đã được nhiều nước quan tâm thực hiện, thậm chí trở thành một nội dung giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, ở nước ta có vẻ như còn ngại ngùng khi nói về vấn đề này. Chỉ vài năm gần đây, khi bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, giới truyền thông đề cập nhiều thì mới có một số cuộc họp, hội thảo nhìn nhận vấn đề này. Vì vậy không có gì là ngạc nhiên khi hầu hết các bậc cha mẹ đều không được trang bị những hiểu biết cần thiết về bạo lực học đường để ứng xử. Ngay cả ở trường, giáo viên cũng xử lý một cách lúng túng như bắt chép phạt, bắt làm kiểm điểm, nặng hơn thì kỷ luật đuổi học một tuần, một tháng, một năm… Thật hiếm có giáo viên hay ban giám hiệu cùng ngồi lại, tìm hiểu, trao đổi, phân tích cho các em thấy những hành động lệch lạc, cũng như chặn đứng kịp thời những ý nghĩ bi quan, tiêu cực.

Để không còn những chuyện đau lòng như trên, có lẽ đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và có giải pháp đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Với các bậc cha mẹ, hãy tự trang bị kiến thức về phòng chống bạo lực học đường để cứu lấy con em mình trước khi quá muộn.

Từ Nguyên Thạch