Thứ năm, 17/5/2012, 11h05

Những tiết học “bỗng dưng” thú vị

Tiết dự giờ không chỉ HS ngoan ngoãn mà các thầy cô cũng mướt mồ hôi để hoàn thành “vai diễn” của mình (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: T.Tri

Khi nghe thầy cô thông báo chuẩn bị có tiết dự giờ là cả lớp lại nhao nhao, bạn thì lo chỗ ngồi, bạn lại lo coi bài cho thật kĩ để “giương oai” trước lớp…
Mọi ngày thầy cô hết “bốc” học sinh (HS) này lên trả bài miệng rồi kêu em kia lên bảng làm bài tập. Vậy mà, tiết dự giờ thầy cô bất đắc dĩ trở thành người bị “trả bài”.
Không biết cũng... giơ tay
Để tiết dự giờ được đánh giá cao, thầy cô và HS cũng phải “xi nhan” cho nhau, cùng hợp tác để giờ học thành công. Thầy cô hào phóng bỏ ra cả tiết để “tập dượt” cho các em bài của buổi học sau (tiết dự giờ). Yêu cầu các em HS chú ý nhiều vào phần trọng tâm, ghi nhớ những câu hỏi khó để hôm sau trả lời cho gãy gọn, chính xác. Ngoài việc thầy cô dặn dò phải chuẩn bị bài thật kĩ trước ở nhà thì còn có những quy định trở thành ám hiệu. Không cần biết câu hỏi của thầy cô đặt ra có trả lời được hay không chỉ cần HS giơ tay càng đông càng tốt. Biết cũng giơ tay, không biết cũng… giơ tay, nhưng theo “quy ước” HS nào biết thì giơ tay phải, còn em nào không biết thì giơ tay trái! Giơ tay mong để gỡ điểm những lần mình “quên” không học bài, bị điểm xấu. Bởi ở tiết dự giờ thầy cô thường vung tay quá… đầu, cho điểm cao nên đây là cơ hội có một không hai.
Ngoài ra, thầy cô còn phải luân chuyển những bạn có học lực khá tỏa ra các “xóm nhà lá” ở bàn cuối. Các “vị giám khảo” dự giờ ngồi bàn dưới liếc lên bàn trên toàn thấy vở sạch chữ đẹp nên rất hài lòng. Câu hỏi siêu khó mà các HS ngồi bàn cuối trả lời cứ ro ro, đủ biết lớp học rất tốt. Vì mấy HS ngồi bàn đầu gần khu “trung tâm” chăm chỉ học trả lời được mấy câu hỏi khó đã là chuyện… bình thường.
Nhưng dù sắp xếp đã kĩ lưỡng nhưng vẫn không tránh được tình huống dở khóc dở cười. Bạn Tiến M. (HS Trường T.V.K, Q.11) chia sẻ: “Lớp được cô thông báo sẽ có tiết dự giờ môn văn vào cuối tuần. Vậy là cô trò “bắt tay” cùng hợp tác, tập dượt với nhau đến nỗi có bạn nhớ cả lúc nào hỏi câu gì. Tiết dự giờ hôm sau, đúng thời điểm đã được ấn định trước là cô sẽ đặt câu hỏi, Tiến M. chẳng chú ý gì cả nên hớn hở giơ tay lên rất khí thế. Cô và các bạn nhìn M. hết sức ngạc nhiên vì câu hỏi chưa được đặt ra. Mắt đảo lia lịa biết mình đã hốt nguyên cục “hớ” to đùng đành giả lả chữa cháy: “Thưa cô, em muốn xin ra ngoài ạ”. Khi Tiến M. ra ngoài rồi cô mới đặt câu hỏi: “Nào, các em cho cô biết tóm lược tiểu sử của nhà văn Nguyễn Tuân trong tác phẩm Chữ người tử tù”. Cả lớp phải kìm nén lắm mới không cười như vỡ chợ. Suýt nữa thì bị “bể” hết kế hoạch đã chuẩn bị từ trước.
Những điều chỉ có ở… tiết dự giờ
Tiết dự giờ, nhiều HS thở phào vì thoát không bị trả bài đầu giờ. Có kiểm tra thì thầy cô cũng sẽ gọi các HS luôn luôn học bài hoặc được chỉ định sắp xếp trước. Giờ học rất nhẹ nhàng vì nội dung bài học đã được biết trước cứ thư thả mà học. Dù biết trước nhưng không HS nào nói chuyện, ngồi vòng tay lên bàn, mắt chăm chú nhìn lên bảng. Những kiểu quay ngang quay ngửa nói chuyện trong buổi dự giờ không có “đất dung thân”. HS cả lớp ngoan ngoãn một cách… bất thường. Tiết dự giờ là tiết học mà ngày thường thầy cô có nằm mơ mới thấy.
“Trong tiết dự giờ thầy cô còn tổ chức những trò chơi, khuấy động không khí. Thầy cô còn cho xem tranh, ảnh minh họa, xem bản đồ… cực kì sinh động. Chưa kể đến mình còn tận mắt được nhìn thấy những thí nghiệm ngay tại lớp, có cả máy chiếu, lạ lẫm như lần đầu tiên được thấy vậy. Học tiết dự giờ rất sinh động, bài giảng của cô nghe cực kì dễ hiểu. Thầy cô nói cứ như người dẫn chương trình vậy, không hề nổi nóng hay cau có, khó chịu chút nào...”, một HS Trường K.N (Q.5) nói.
Không còn kiểu thầy đọc, trò ghi mà thay vào đó là những bài giảng sinh động hấp dẫn, lôi cuốn. Không khí lớp tuy có chút căng thẳng nhưng HS tiếp thu bài nhanh đến thầy cô cũng phải bất ngờ. Thầy cô còn bất ngờ hơn nữa trước câu trả lời vừa chuẩn vừa dí dỏm của học trò. Thầy Thành (giáo viên dạy văn Trường N.H.C, Bình Phước) đã chia sẻ về một cô học trò đã mang đến cho thầy bất ngờ: “Hôm lớp có tiết dự giờ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, thầy cũng chuẩn bị bài giảng kĩ hơn, chú ý hơn một chút về cách giảng của mình. Không chỉ đứng mãi trên bục giảng, thầy còn đi xuống dưới lớp và “nổi hứng” ngâm vài câu trong bài thơ khiến cả lớp vỗ tay rần rần. Không khí thay đổi hẳn. Vậy là, từ giây phút đó thầy trò “tung hứng” rất ăn ý. Giờ văn hôm sau, thầy gọi một em nữ lên bảng trả bài. Cô học trò này đã đọc ro ro cả bài thơ dài và phân tích rất tốt. Thầy rất bất ngờ vì em này học văn chỉ ở mức trung bình. Thầy cũng ưu ái dành cho cô học trò này điểm 10 tròn trịa”.
Có thể nói, tiết dự giờ không chỉ HS trở nên ngoan ngoãn mà chính thầy cô cũng mướt mồ hôi để hoàn thành “vai diễn” của mình. Đó là những giây phút hiếm hoi mà thầy cô chẳng phải nhắc nhở giữ trật tự lần nào, ý thức tự giác của HS tăng vùn vụt. Bỏ qua một vài chi tiết chưa “hoàn thiện” thì tiết dự giờ bỗng trở thành tiết học hiệu quả và thú vị nhất.
Phạm Quyên