Thứ hai, 19/9/2016, 14h41

Những tình bạn trong văn chương: Ngô Tất Tố - Vũ Trọng Phụng giữa giông tố cuộc đời

Nhà văn Vũ Trọng Phụng nhỏ hơn Ngô Tất Tố 18 tuổi. Tình cảm họ dành cho nhau luôn bền chặt, cả cho đến lúc một người xuôi tay nhắm mắt.

Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố thân thiết nhau từ năm 1935, lúc cùng làm chung tờ Công Dân - tòa soạn ở số 11 Hàng Da (Hà Nội) chung với Vũ Bằng, Nguyễn Triệu Luật, Phùng Bảo Thạch... Sở dĩ họ thân nhau vì trước đó, lúc viết cho các báo Thần Chung, Phổ Thông, Đông Phương, Thực Nghiệp Dân Báo..., Ngô Tất Tố đã nổi tiếng là cây bút chiến sừng sỏ. Tính cách quyết liệt chống lại cái xấu, cái ác, bất công xã hội... rất phù hợp với chí hướng, tâm nguyện của tác giả Giông tố, Cạm bẫy người, Số đỏ...
Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng /// Ảnh: T.L
Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng Ảnh: T.L
Tình bạn nghèo
Không những hợp nhau về trách nhiệm, thái độ dũng cảm của người cầm bút chiến đấu cho lương tri, lẽ phải, họ còn hợp nhau ở chỗ cùng... nghèo. Chính Ngô Tất Tố đã nói một câu “để đời”, có sức khái quát về giới cầm bút thuở ấy: “Hầu như riêng ở phương Đông, cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ”.
Mà ở Vũ Trọng Phụng là thứ “nghèo gia truyền” chứ không phải “nghèo lỏi”, Ngô Tất Tố nhận xét. Do chơi thân với nhau nên Ngô Tất Tố biết thói quen của bạn: “Mỗi khi ở Gia Lâm sang nhà báo, ông cứ cặm cụi cuốc bộ đi, lại cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới lấy năm xu đi xe. Một điều đáng trọng hơn nữa là đời ông luôn luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không lúc nào ông tự đem cái sự túng thiếu của mình ra làm phiền lụy người nào, dù là khi túng thiếu cực điểm cũng vậy”.
Ngoài quý mến về tính cách, một trong sự thể hiện tình bạn của họ còn là sự ủng hộ quan điểm, tư tưởng của nhau đã thể hiện trong tác phẩm.
Lúc làm Báo Tương Lai, Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê và in từng kỳ Giông tố trên Hà Nội Báo đã khiến nhiều đồng nghiệp khâm phục.
Ngô Tất Tố sau đó cũng bắt đầu viết tiểu thuyết. Một phần Tắt đèn lần đầu tiên xuất hiện trên Báo Tương Lai (9.1936) với tựa Một ổ chó và một đứa con. Khi in thành sách, lập tức trên Báo Thời Vụ (số ra ngày 31.1.1939), Vũ Trọng Phụng khen ngợi: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, điều ấy, cố nhiên - hoàn toàn phụng sự dân quê! Áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy...”.
Vũ Trọng Phụng cho biết thêm, sở dĩ ông phải viết bài viết nồng nhiệt này, còn vì “bạn tôi lại từ làng báo mà mới bước vào làng tiểu thuyết, và Tắt đèn là áng văn đầu tiên của bạn, cũng là áng văn mới mẻ nhất về loại văn chương ngày nay”. Phải chí cốt, thân thiết lắm, người ta mới hăm hở, ủng hộ thành công đầu tiên của bạn. Đến nay, nhận định của Vũ Trọng Phụng hoàn toàn chính xác, Tắt đèn vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán nước ta giai đoạn 1930 - 1945.
Kê đơn bốc thuốc cho bạn
Về năm tháng cuối đời, Vũ Trọng Phụng bị ho lao. Thầy thuốc khám bệnh và ra toa chữa trị cho ông chính là người bạn thân thiết Ngô Tất Tố.
“Bấy giờ người ông tuy đã tiêu tước, nhưng mạch hai tay vẫn còn có lực. Sau khi coi mạch và hỏi các chứng, tôi kê cho ông bài “Nhị trần thang” hợp bài “Nung thang” gia một lạng ý dĩ và dặn ông uống một ngày hai thang. Sáng mai, tôi lại lên thăm, ông khoe với tôi bệnh đã bớt nhiều, có lẽ không chết. Từ đó ông cứ uống mãi đơn ấy, tuy thỉnh thoảng cũng thay đổi ít nhiều, nhưng đại thể vẫn không ngoài hai phương thuốc trước”, Ngô Tất Tố kể.
Khoảng một tháng sau Vũ Trọng Phụng có khỏe hơn. Ông đến thăm bạn ở Báo Thời Vụ. Ông tâm sự sẽ lên nghỉ dưỡng ở Tam Đảo.
Ngô Tất Tố kể tiếp: “Lên Tam Đảo được tám ngày thì ông phải về, vì ho nhiều và hai ống chân bị bại. Nghĩ không còn cách gì hơn, tôi lại thêm bớt hai bài thuốc cũ để ông uống xen với bài “Nhân sâm dưỡng vinh” bỏ quế và kỳ. Lần này không có công hiệu, uống năm thang thuốc, bệnh tuy không tăng, nhưng cũng không giảm, hai chân vẫn bại không đứng dậy được. Vì muốn trút trách nhiệm cho người khác, tôi cố khuyên ông hãy dùng thuốc tây. Hình như ông cũng nhận thấy ý tôi, nên mới hỏi rằng: “Bác tưởng tôi có chết không?”. Câu hỏi của ông làm cho tôi buồn vô hạn, nhưng tôi vẫn bình tĩnh mà đáp lại rằng: “Chết làm sao được!”. (Tạp chí Tao Đàn số tháng 12.1939 - số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng).
Ít lâu sau, Vũ Trọng Phụng qua đời, lúc chỉ mới 27 tuổi. Sở dĩ Ngô Tất Tố không dám nói thật bệnh tình vì không muốn bạn “trước khi từ giã cõi đời, ngoài cái lo nghèo lại còn lo thêm cái chết”. Ngô Tất Tố quả quyết: “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống. Thế cũng là thọ”.

Lê Minh Quốc (TNO)