Thứ tư, 20/11/2013, 13h11

Những trang sách nhân ngày của thầy cô

Khác với mọi năm, năm nay sách cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ít hơn, hầu hết chỉ là những tác phẩm tái bản. Tuy nhiên, trong sự ít ỏi đó cũng nổi lên một số cuốn sách hay, đáng đọc để hiểu hơn, chia sẻ hơn về một trong những nghề được xem là cao quý nhất trong xã hội: nghề giáo.
        Sách của thầy
Đầu năm 2013, sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam được coi là một sự kiện văn hóa lớn, chuyển tải tấm gương nghị lực vượt khó đến với mọi người. Thế nhưng, nhiều người cho rằng không chỉ có Nick đến từ Australia xa xôi, ngay tại Việt Nam cũng không thiếu những tấm gương vượt qua thiếu sót về thể chất để thành công và một trong những điển hình đó là NGƯT Nguyễn Ngọc Ký.

Mọi so sánh đều là vô nghĩa nhưng có một điểm dễ nhận thấy là nếu Nick sống, học tập và thành công trong một môi trường xã hội ổn định và phát triển thì tuổi thơ của thầy Ký lại là những ngày thiếu thốn do chiến tranh, lớp học giữa khu sơ tán và ánh đèn dầu chập chờn luôn chực tắt vì sợ máy bay ném bom phát hiện.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trong buổi ra mắt cuốn hồi ký.
Ấy thế mà cậu bé bại liệt cả hai tay Nguyễn Ngọc Ký đã vượt qua rào cản thể chất, nỗ lực học tập để đi đến thành công, trở thành một giáo viên giỏi như ước mơ thuở nhỏ. Câu chuyện hồi ức về bé Ký những ngày đầu đi học đã từng được thầy viết thành sách và được xuất bản với nhan đề Tôi đi học, một tác phẩm hồi ký rất nổi tiếng, được đưa vào sách giáo khoa. Nhân dịp Ngày Nhà giáo 20-11-2013, thầy đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách mới của mình với nhan đề Tôi học đại học, sách do Công ty Trí Việt (First News) thực hiện, NXB Trẻ xuất bản.
Như nhan đề, tác phẩm lần này tập trung vào quãng thời gian chàng trai Nguyễn Ngọc Ký vào học khoa Ngữ văn tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1966 - 1970). Tiếng là vào đại học nhưng đang là giai đoạn ác liệt nhất của chiến tranh, toàn bộ sinh viên phải sơ tán về vùng nông thôn, tổ chức sống tự lập. Với một sinh viên bình thường đó đã là khó khăn huống chi là một sinh viên thân thể khiếm khuyết. Đọc câu chuyện của thầy Ký mới thấy có những việc tưởng đơn giản nhưng lại là cả một vấn đề với sinh viên khuyết tật.
Như chuyện cái đèn dầu, với các sinh viên khác mỗi khi có báo động máy bay họ chỉ cần thổi tắt, hết báo động lại châm đèn. Thế nhưng, với người phải dùng chân để châm đèn như Ký thì đó là một chuyện không dễ dàng. Thế là Ký phải tìm cách chế một cây đèn có lồng che, báo động thì sập nắp lại, hết báo động lại mở nắp ra.
Tôi học đại học là cuốn sách thứ hai trong bộ ba cuốn của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký, hiện nay thầy đang hoàn tất cuốn thứ ba với nội dung viết về giai đoạn thầy đi dạy học. Trong buổi giao lưu với bạn đọc tại TPHCM, thầy cho biết cuốn thứ ba này sẽ giải đáp câu hỏi của rất nhiều bạn đọc từ trước đến nay là làm sao một người không tay có thể giảng bài, viết bảng trước lớp. Dự kiến, cuốn thứ ba với nhan đề Tôi đi dạy sẽ ra mắt bạn đọc vào dịp Hội sách TPHCM lần thứ 8, được tổ chức vào tháng 3-2014.
        Quà tặng dâng lên thầy cô
Được tái bản nhân dịp Ngày nhà giáo 20-11 năm nay, Quà tặng dâng lên thầy cô là tuyển tập những câu chuyện viết về thầy cô, ca ngợi tình thầy trò. Cuốn sách tập hợp hơn 50 mẩu truyện ngắn do nhóm Nhân văn biên soạn và được NXB Trẻ phát hành. Mỗi mẩu truyện là một bài học về tình cảm thầy trò với nhưng cung bậc cảm xúc khác nhau. Các nhân vật học trò trong truyện thường có hoàn cảnh đặc thù, người ám ảnh bởi quá khứ, có người lại mặc cảm bởi sự kém cỏi… thế nhưng họ đã gặp được những người thầy, người cô đã thực hiện xuất sắc trách nhiệm của một nhà giáo, lương tâm của một người thầy, người cô để đưa các em học sinh của mình vượt qua những khó khăn đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.
Cũng không phải là một tác phẩm mới nhưng Tottochan-Cô bé bên cửa sổ lại là một trong những cuốn sách ý nghĩa nhất ngày nhà giáo năm nay. Tác phẩm là cuốn tự truyện của nữ nghệ sĩ, vận động viên người Nhật Kuroyanagi Tetsuko về người thầy tiểu học của mình. Là một học sinh cá biệt, không ngôi trường nào chấp nhận bé học trò Tetsuko cho đến khi bé gặp thầy Kobayashi Sosaku ở ngôi trường Tomoe.
Tại đây, với bản lĩnh của một nhà sư phạm xuất sắc, thầy Sosaku đã xóa đi những mặc cảm “đứa trẻ hư” của các em, biến các em thành những con người tự tin, năng động và thành công sau này. Với bạn đọc nhỏ tuổi, đây là một cuốn truyện, với phụ huynh sách lại là một tài liệu tham khảo và với giáo viên tác phẩm là một tài liệu sư phạm. Những câu chuyện sư phạm về thầy Sosaku đã gây xúc động không chỉ cho bạn đọc Nhật mà còn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, tác phẩm đã nhận giải thưởng Sách Hay dành cho thiếu nhi năm 2013.
theo SGGP