Chủ nhật, 6/9/2015, 11h39

Những vòng xe “chở” con chữ yêu thương

Mỗi mùa tựu trường, ông Trần Văn Chạy, Chủ tịch UBND xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cùng các thầy cô giáo trên địa bàn kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ xe đạp, những phần quà để giúp con em đồng bào thiểu số tới trường, ngăn dòng bỏ học…

Sáu giờ sáng 5-9! Trong không khí hân hoan của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Chủ tịch UBND xã Đakrông Trần Văn Chạy cũng có mặt từ rất sớm, tất bật chuẩn bị đưa những chiếc xe đạp - thành quả sau những nỗ lực kêu gọi hỗ trợ của ông - trao cho học sinh nghèo. Những giọt mồ hôi thấm vai áo, gương mặt rạng niềm vui. “Mỗi năm cứ đến mùa tựu trường, không ít học sinh Vân Kiều trên địa bàn xã do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đường sá đi lại xa xôi, hiểm trở, phải nghỉ học giữa chừng, tội lắm!”, ông Chạy nói.

Rồi ông Chạy chia sẻ thêm: “Xã Đakrông có 10 thôn, ngoại trừ thôn trung tâm nằm bên quốc lộ 9 và gần với trường THCS của xã, còn lại nằm cách xa ngôi trường này khoảng 4 đến 10km, với đường sá đi lại phải băng qua nhiều con suối, rừng núi đèo dốc hiểm trở. Trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, chính quyền và ngành giáo dục địa phương vì thế đã phải tổ chức một số điểm trường lẻ để giúp học sinh có điều kiện tiếp tục học lên THCS. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, do cơ sở vật chất tại các điểm trường lẻ còn nghèo nàn, lạc hậu; lớp học chỉ bằng tranh-tre-nứa-lá, chất lượng dạy và học do đó còn nhiều hạn chế; các em khó có đủ điều kiện, khả năng để học tiếp lên THPT. Là cán bộ xã, tôi phải tìm cách để đưa các cháu thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn nương rẫy, bám víu mãi đói nghèo”.

Ông Trần Văn Chạy trao xe đạp cho học sinh Trường THCS Đakrông

Trăn trở trước điều đó, năm học 2014-2015, ông Chạy quyết định vận động học sinh từ các điểm trường lẻ ra điểm trường chính để tiếp tục học tập. Song để làm được điều này không phải là chuyện đơn giản. Bởi từ điểm trường lẻ đến điểm trường chính với quãng đường khá xa, việc sắm cho con mình một chiếc xe đạp để đến trường với đồng bào là điều quá khó khăn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Chạy quyết định bàn bạc sự việc với Đảng ủy xã, thống nhất phát động phong trào “Những vòng xe yêu thương” nhằm quyên góp xe đạp để giúp học sinh được tiếp tục học hành. Kể từ đó, một mình ông vừa làm việc xã, vừa tranh thủ thời gian xuôi ngược khắp nơi, từ các cơ sở Đoàn đến các đơn vị Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh. Mỗi nơi, ông xin từ 1 đến 2 chiếc xe đạp, đến ngày khai giảng, ông đã xin được tổng cộng 38 chiếc. Với số xe này, ông đã cùng với các thôn bản xem xét, giúp đỡ cho 45 học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn phương tiện để đến điểm chính học tập.

“Năm học mới 2015-2016, trên địa bàn xã có 129 em học sinh THCS thuộc diện đặc biệt khó khăn đang học tại các điểm trường lẻ, mong muốn có xe đạp để đến điểm trường chính học tập. Tuy nhiên, hiện tôi chỉ mới vận động, quyên góp được 34 chiếc. Với số xe này tôi ước tính sẽ phục vụ cho khoảng 70 cháu (2 cháu đi chung một xe); số còn lại cần khoảng 30 xe nữa, tôi đang cố gắng để vận động giúp các cháu”, ông Chạy trải lòng.

Thầy Trương Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đakrông, cho biết: “Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của ông Chạy mà nhiều em học sinh đã tiếp tục thực hiện được ước mơ học tập của mình. Nhiều em nhờ đó đã nỗ lực vươn lên đạt thành tích tốt, như em Hồ Văn Mắt, học lớp 8A2; Hồ Thị Roang và Hồ Thị Xăng Hà học cùng lớp 9A3 (ở thôn Tà Lên, cách trường hơn 8km) đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, chỉ sau 1 năm ra điểm trường chính, đã đạt danh hiệu học sinh khá và giỏi của trường”.

Những chiếc xe đạp yêu thương của vị Chủ tịch xã được các em học sinh hân hoan đón nhận trong ngày khai giảng với lời hứa sẽ nỗ lực học hành chăm chỉ. Tôi thấy đôi mắt người công bộc của dân ánh lên niềm tin và hi vọng về một tương lai tươi sáng cho trẻ em quê mình và sự đổi thay của bản làng, quê hương!

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên