Thứ bảy, 21/7/2018, 21h08

Niềm tin với giáo dục cứ vơi dần…

Những năm gần đây dù Bộ GD-ĐT đã có nhiều nỗ lực thay đổi cách thi cử, nhưng rất dễ nhận thấy rằng cả xã hội vẫn cảm thấy lo lắng và băn khoăn trước cách thức thi cử của học sinh, cũng như chất lượng đánh giá năng lực qua kỳ thi “hai trong một”.

Hằng năm số liệu thống kê tỉ lệ tốt nghiệp của các tỉnh/thành đều trên 90%. Đó là tín hiệu đáng mừng khi chất lượng giáo dục đang tăng, hay là tín hiệu đáng buồn khi niềm tin đang giảm? Còn đó những nghi vấn về kết quả thi của tất cả tỉnh/thành trên cả nước có thực chất, có công bằng không? Chuyện xảy ra ở Hà Giang chỉ là hiện tượng, là bề nổi của tảng băng, hay dưới đáy sông còn bao nhiêu quả ngư lôi chưa rút chốt sẵn sàng nhấn chìm ngành giáo dục? Niềm tin của nhân dân đối với giáo dục cứ vơi dần sau những lần thử nghiệm, rồi lại thí điểm của Bộ GD-ĐT. Cải cách chương trình, thay đổi sách giáo khoa nhưng chất lượng giáo dục không đồng đều, thi cử thì lại tiêu cực. Học sinh học theo sách giáo khoa, nhưng vẫn không đạt điểm cao vì sách giáo khoa “trơn” quá! Có phải lối dạy, học, thi của giáo dục Việt Nam hiện nay đã lỗi thời?

Để vực dậy niềm tin vào nền giáo dục nước nhà, nếu không muốn tiếp tục xảy ra những hệ lụy đau lòng, tôi cho rằng những việc cần làm hiện nay: Thứ nhất, thay đổi lối tư duy quản lý.

Hiện nay ngành giáo dục chỉ siết chặt đầu vào nhưng lại buông lỏng đầu ra, tạo áp lực thi cử quá lớn, khiến tiêu cực tràn lan khi xuất hiện ùn ứ “cung - cầu”. Một trong những giải pháp khả thi là cần bỏ bớt kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao Sở GD-ĐT đề ra phương án xét và công nhận tốt nghiệp, phân luồng học sinh theo năng lực, năng khiếu; giao các trường ĐH tự tuyển sinh bằng bài thi viết, bài thi trên máy tính, hoặc bài vấn đáp... Bởi lẽ về bản chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm so sánh năng lực hay kiến thức của các thí sinh với nhau mà chỉ đánh giá thí sinh có đạt hay không đạt một ngưỡng chuẩn, nên đây là kỳ thi thuộc dạng quy chiếu tiêu chí (criteria-referenced). Trong khi đó kỳ thi tuyển sinh ĐH với mục đích đánh giá sự khác biệt về năng lực, kiến thức của thí sinh để tuyển chọn đầu vào các trường ĐH, đòi hỏi tính phân loại cao, đây là đánh giá quy chiếu nhóm chuẩn (norm-referenced). Do vậy phương án “hai trong một” là bất khả thi! Thứ hai, thay đổi quan điểm giáo dục. Cần hướng đến giáo dục nhân bản, giáo dục gắn với cộng đồng, kết nối gia đình - nhà trường - xã hội. Giảm lý thuyết, tăng thực hành. Giáo dục quốc dân hướng đến toàn dân có thể tiếp cận giáo dục dễ dàng.  Thứ ba, công khai minh bạch để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Lãnh đạo ngành giáo dục cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến, trên tinh thần dân chủ. Thứ tư, xây dựng văn hóa từ chức. Khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, người đứng đầu phải từ chức, hoặc bị giáng chức chứ không chỉ là kiểm điểm trách nhiệm suông. Từ chức là tự trọng, là nhận thức đầy đủ trách nhiệm trên cương vị người đứng đầu.

Nghị quyết số 29/NQ-TW khóa XI một lần nữa nhấn mạnh luận điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, coi đó là sự phát triển cho tầm nhìn chính sách, tư duy chiến lược và hành động kế hoạch. Thế nhưng giáo dục hiện nay đang là quốc nạn? Cần lắm các vị lãnh đạo các bộ/ngành ngồi lại tiếp thu những đóng góp của trí thức cả nước, lắng nghe những trăn trở của thầy cô giáo, và của học sinh, của phụ huynh. Như thế mới mong ngành giáo dục có hy vọng khởi sắc.

Lâm Vũ Công Chính
(Trưng THPT Nguyn Du, TP.HCM)