Thứ ba, 10/1/2017, 21h11

Nỗ lực của cô bé mồ côi

Chịu nhiều thiệt thòi khi xa vòng tay mẹ từ lúc chập chững biết đi, Nguyễn Thị Tuyết Nhi (học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) lớn lên trong vòng tay yêu thương của người dì ruột nghèo khó. Bằng nỗ lực phi thường, 11 năm liên tiếp em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Em Tuyết Nhi luôn nỗ lực, sắp xếp thời gian hợp lý để đạt được kết quả học tập cao nhất

Vừa qua, Nguyễn Thị Tuyết Nhi được Bộ GD-ĐT vinh danh là một trong 95 gương mặt học sinh tiêu biểu toàn quốc năm học 2015-2016.

Mồ côi cha khi còn trong bụng mẹ

Về thôn Nại Hiệp (xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong), hỏi đến cô nữ sinh lớp 12 Nguyễn Thị Tuyết Nhi không ai là không biết. Bởi ở làng quê nghèo khó này, dẫu còn đó rất nhiều hoàn cảnh thiếu thốn nhưng hoàn cảnh của Nhi lại rất đặc biệt. Tuổi thơ của cô bé này khiến nhiều người rơi nước mắt lẫn khâm phục bởi nghị lực phi thường của em. Nhi không may mắn như nhiều đứa trẻ khác, khi đang là cái bào thai thành hình trong bụng mẹ thì em đã chịu cảnh mồ côi cha. Ở cái tuổi chập chững biết đi, vì cuộc sống khó khăn, mẹ em đành dứt ruột gửi con lại cho người em gái để bất bạt mưu sinh tận miền Nam xa xôi. Anh trai đầu của Nhi lên lớp 8 cũng đành bỏ học, theo mẹ mưu sinh. Nhi lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà Hoàng Thị Cúc - dì ruột của em. Đời sống kinh tế eo hẹp với ba đứa con và một đứa cháu nên nhiều lúc khiến gia cảnh bà Cúc lâm vào thiếu trước hụt sau; nhưng thương cháu, bà không để cháu phải nghỉ học. Hiểu được tấm lòng dì, Nhi miệt mài học tập, 11 năm liền em luôn đạt danh hiệu giỏi, xuất sắc với tổng điểm cuối năm các môn từ 9 phẩy trở lên. Nhi kể: “Dù rất nhớ mẹ nhưng vài ba năm em mới được vào thăm mẹ và anh trai một lần. Năm lớp 9, lần đầu tiên được vào thăm mẹ, em vui lắm. Nhưng ở đó, nhìn thấy cảnh mẹ và anh trai sống rất chật vật, em lại có ý định nghỉ học để cùng phụ giúp mẹ. Biết chuyện, thầy Lê Bá Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và các giáo viên trong trường - nơi em theo học đã khuyên em trở lại lớp. Nghe lời thầy cô, em nghĩ phải nỗ lực hơn để kiếm một tương lai tươi sáng sau này”. 

Nhi không may mắn như nhiều đứa trẻ khác, khi đang là cái bào thai thành hình trong bụng mẹ thì em đã chịu cảnh mồ côi cha.

Nhi chia sẻ thêm: “Một lý do khác là từ tâm nguyện của anh trai. Anh nói anh đã không học hành đàng hoàng nên em gắng mà học. Nhà chỉ có hai anh em mà anh không theo được thì em phải gắng, đừng để cả hai anh em đều thất học. Vì vậy, em đã cố gắng để không phụ niềm mong mỏi của anh trai cũng như mẹ, dì dượng và thầy cô”.

Học để gia đình được đoàn tụ

Năm học lớp 10 và 11, Nhi đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện với số điểm trung bình trên 9,0. Năm học 2015-2016, Nhi đạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn văn cấp tỉnh. Hỏi về bí quyết học giỏi, Nhi cho biết: “Trên lớp em tập trung nghe thầy cô giảng bài. Bài nào chưa hiểu, em hỏi thầy, hỏi bạn. Về nhà em chỉ xem lại để nắm kiến thức và tìm hiểu, rồi làm thêm các bài tập nâng cao, tìm thêm tư liệu qua các nguồn từ internet để bổ sung kiến thức. Vấn đề chủ yếu quyết định tất cả vẫn là tinh thần tự học bên cạnh việc sắp xếp thời gian hợp lý cho các môn học. Riêng môn văn, để có thành tích tốt, chủ yếu là em tự đọc sách. Học văn, quan trọng là ở cảm nhận, nên em cũng tập cho mình những cảm nhận tốt, và khi đọc về vấn đề nào đó, em cũng liên tưởng, suy nghĩ về các vấn đề liên quan trong đời sống và xã hội thực tế”. Nói về môn tiếng Anh đạt trên 9,0 của mình, Nhi chia sẻ: “Thực ra em không dành nhiều thời gian cho bất cứ một môn học nào. Em thích học cả 3 môn toán, văn và tiếng Anh. Với môn tiếng Anh, do đặc thù là một ngôn ngữ nên em thường luyện nghe bằng việc nghe nhạc tiếng Anh, học nhiều từ vựng và nắm chắc ngữ pháp để hoàn thành tốt các bài kiểm tra”. 

Không chỉ học giỏi, ở trường, Nhi còn tham gia tích cực các phong trào do lớp, trường phát động. Ở nhà, Nhi là một đứa cháu ngoan, hiếu thảo. Biết gia đình dì làm nông nghiệp vất vả, tranh thủ ngày nghỉ hoặc giờ tan lớp, Nhi đều phụ giúp dì làm các việc vặt trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ, quét dọn. Nói về đứa cháu của mình, bà Cúc cho biết: “Nhi sinh ra chịu nhiều thiệt thòi nên vợ chồng tui thương yêu cháu như con đẻ. Biết cháu bận học, vợ chồng tui đều tranh thủ làm để dành cho cháu thời gian nhưng cháu là đứa rất biết chia sẻ công việc và sống rất tình cảm”.

Học giỏi văn, nhưng cô học trò này vẫn nuôi giấc mơ trở thành cử nhân ngành tiếng Anh để có thể chọn cho mình một công việc ổn định, hiện thực hóa giấc mơ có đủ khả năng để đoàn tụ cùng mẹ và anh trai trong một mùa xuân gần nhất. “Ước mơ của em là được làm việc ở một vị trí có liên quan đến ngoại ngữ, vì vậy em dự định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh hoặc ngành tiếng Anh thương mại của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hoặc Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng”, Nhi nói. Nhìn vào đôi mắt rạng rỡ của Nhi cùng chặng đường mà em đã trải qua trong thiếu thốn, chúng tôi tin rằng với nỗ lực đó, em sẽ thành công.

Phan Lệ