Thứ ba, 22/8/2017, 23h21

Nỗ lực đưa GD-ĐT TP nhanh chóng hội nhập

Ngày 21-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018.

Bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - trao cờ thi đua của UBND TP cho các tập thể. Ảnh: Q.Huy
“Ngành GD-ĐT TP cần đẩy mạnh tự chủ về tài chính, về nhân sự. Có thể tự chủ một phần hoặc toàn phần tùy vào điều kiện thực tế của các trường. Tự chủ sẽ giúp nhà trường nâng cao thương hiệu cũng như nâng cao đời sống của người thầy. Qua đó phát huy được thế mạnh của giáo viên, giữ chân được giáo viên giỏi. Ngành GD-ĐT TP cần phấn đấu đến năm 2020 các trường tự chủ được 70% về nhân sự...” - Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Triệu Thị Lệ Khánh, lãnh đạo các quận, huyện cùng đông đảo các thầy, cô giáo...

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn khẳng định: Kế thừa những thành quả mà ngành GD-ĐT TP đã đạt được trong các năm học vừa qua, nhất là năm học 2016-2017; năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT TP tiếp tục trung thực hiện các nội dung của Nghị quyết 29/NQ-TW (Hội nghị lần thứ 8 - BCH TW khóa XI về đổi mới căn bản GD-ĐT), đẩy mạnh các giải pháp toàn diện nhằm thực hiện các chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021. Qua đó, đưa GD-ĐT TP nhanh chóng hội nhập khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP mà GD phổ thông là nền tảng. Theo đó, thầy và trò ngành GD-ĐT TP tiếp tục tập trung giữ vững và nâng cao “kỷ cương, nề nếp, trách nhiệm, đạo đức và tri thức”.

PV: Để nâng cao “kỷ cương, nề nếp, trách nhiệm, đạo đức và tri thức”, năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT TP đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Và một trong số đó là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy GD. Ông có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ này được không?

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn: Ngành GD-ĐT TP sẽ tích cực xây dựng “Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT TP đến năm 2030” nhằm đưa GD-ĐT TP tiếp cận GD tiên tiến khu vực và thế giới, theo các tiêu chí: thực hiện bộ SGK phù hợp thực tiễn phát triển của TP dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT; chú trọng xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và ý chí khởi nghiệp trong HS; các trường được chủ động trong thực hiện kế hoạch dạy học trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng và thời lượng dạy học; HS được học tập và hoạt động cả ngày trong trường, được giảng dạy và học tập bằng những phương pháp tiên tiến - hiện đại của thế giới; có nền tảng tiếng Anh, tin học đạt chuẩn...

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Q.Huy
“Thầy và trò TP.HCM xin hứa sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn của một TP đông dân nhập cư, một số vướng mắt trong cơ chế - chính sách để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2017-2018. Và trên hết là đẩy mạnh chất lượng như mong muốn của các bậc phụ huynh cũng như xã hội...” - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý GD theo tinh thần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ GD, đẩy mạnh công tác xã hội hóa tại các nhà trường. Đồng thời phát huy dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động trong các cơ sở GD; quản lý chất lượng đầu ra, quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm định chất lượng GD - sử dụng hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế để kiểm định chất lượng đào tạo các chương trình tiên tiến, kiểm định trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ, giáo viên và HS theo chuẩn quốc tế...

Như ông đã khẳng định, GD phổ thông là nền tảng. Vậy đối với từng cấp ở phổ thông, ngành GD-ĐT đưa ra nhiệm vụ cụ thể như thế nào, thưa ông?

Với GD mầm non, ngành GD-ĐT TP đưa ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng thực hiện chương trình với phương châm đảm bảo cho trẻ phát triển tốt hơn; đồng thời giảm tải lao động cho giáo viên. Duy trì việc đảm bảo chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, bảo vệ sức khỏe và an toàn tuyệt đối cho trẻ. Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và tỷ lệ trẻ học bán trú, đặc biệt là trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý các cơ sở GD mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện nhận trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi cũng như Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN-KCX đến năm 2020”...

Với GD tiểu học, đảm bảo 80% HS được học 2 buổi/ngày, 86% HS từ lớp 1 được học tiếng Anh, được trang bị đủ 4 kỹ năng (nghe, đọc, nói, viết). Tiếp tục mở rộng việc dạy tin học theo chuẩn quốc tế. Đồng thời tổ chức GD đạo đức, kỹ năng thích ứng cuộc sống cho HS qua các môn học, hoạt động GD; tổ chức cho HS thực hiện lao động vệ sinh trường, lớp và các công trình trong khuôn viên nhà trường cũng như biết cách tự phục vụ trong các hoạt động, sinh hoạt tại trường và gia đình. Đẩy mạnh GD thể chất, thẩm mỹ thông qua việc tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học môn thể dục và các môn nghệ thuật, tổ chức các CLB thể dục thể thao, văn nghệ, nghệ thuật. Trong đó đẩy mạnh công tác phổ cập bơi lội và phòng chống đuối nước cho HS.

Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP - cho biết: “Ngày 16-8, Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018 đã tiến hành phiên họp nội bộ. Tại đây, các đại biểu đã kiến nghị TP giao quyền cho một số trường đủ điều kiện tự xây dựng mức thu đảm bảo thu đủ bù chi, không lợi nhuận. Tuy nhiên phải thực hiện đầy đủ công tác báo cáo, kiểm tra, công khai theo quy định của nhà nước trong lĩnh vực tài chính, tài sản. Hiệu trưởng có quyền trong công tác nhân sự, tự quyết định số giáo viên hàng năm sát với thực tế và điều kiện đặc thù của đơn vị, đảm bảo hoạt động hiệu quả”.

Còn với GD trung học, đảm bảo 25% HS phổ thông đạt chuẩn ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ do Bộ GD-ĐT ban hành. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy và học tập, chú trọng cập nhật các phương pháp dạy học tích cực, tổ chức dạy học tích hợp, dạy học liên môn, các hoạt động trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường, tổ chức dạy học các môn khoa học với hoạt động thực hành, thí nghiệm được chú trọng. Triển khai các dự án, đề án về đổi mới phương pháp dạy học; hướng dẫn và thu hút nhiều HS nghiên cứu, sáng tạo khoa học - công nghệ.

Chất lượng GD phần lớn phụ thuộc vào người thầy. Trong năm học mới này, ngành GD-ĐT TP sẽ phát triển đội ngũ nhà giáo như thế nào, thưa ông?

Ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên TP, đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng giáo viên các cấp; bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Song song đó, thường xuyên rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD phù hợp; tổ chức đánh giá, xếp loại nhà giáo, cán bộ quản lý theo chuẩn của Bộ GD-ĐT. Không những thế còn thực hiện đào tạo bồi dưỡng đội ngũ học tập tại nước ngoài...

Xin cám ơn ông!

Hòa Triều (thực hiện)