Thứ ba, 14/9/2010, 12h09

Nỗi buồn của thầy trò ở Ayun

Học sinh ở xã Ayun (Chư Sê, Gia Lai) không có dụng cụ học tập, các en ăn mỗi bữa 1.500 đồng, giáo viên dạy thay không có chế độ gì…

Giáo viên mầm non “3 không”
Có thể nói trong 3 cấp dạy ở xã Ayun thì giáo viên mầm non là vất vả nhất, không chỉ bởi các cô toàn là nữ phải đi dạy xa, phải hy sinh tuổi xuân và hạnh phúc gia đình, học trò không chịu đi học, không biết tiếng Kinh mà còn bởi chế độ đãi ngộ còn khiến các cô phải ngậm ngùi.
Mầm non có 145 học sinh, chia làm 8 lớp, với 7 cô giáo tuổi đời còn rất trẻ. Để đến được với học trò, sáng sáng các cô phải bới cơm mang theo để ăn trưa. Đi hơn 25km đường đồi dốc để vào được xã, và di chuyển hàng chục km đường đá sỏi để vào trường điểm làng, rồi cõng học sinh đến lớp để dạy.
Thấy chúng tôi xuất hiện cùng cô hiệu trưởng, các cô giáo khác mừng quýnh lên: “Giáo viên mới về à cô”, khi được cô hiệu trưởng giới thiệu là phóng viên thì mặt các cô buồn hẳn.
Cô Kai Thị Thanh Thủy (24 tuổi) vẫn chưa lập gia đình vừa đùa vừa thật: “Dạy ở đây ít người nên em vẫn chưa có người yêu”. Các cô khác xen vào: “Dạy không có chế độ đãi ngộ, dạy thay cho phụ sản 4 tháng nhưng vẫn không có thêm tiền đứng lớp. Giáo viên làm công tác kiêm nhiệm như Chủ tịch Công đoàn, thư kí… cũng không có tiền kiêm nhiệm. Chúng tôi sợ quá, bây giờ chị em phải thực hiện chế độ 3 không: không đẻ, không tiền xăng và không yêu luôn”.
Cô Lương Thị Thơ, hiệu trưởng trường mầm non cho biết, các cô giáo ở đây hàng ngày phải dạy học ngày 8 tiếng, di chuyển hàng chục km giữa các làng để dạy học. Khó khăn thì đã đành, nhưng chế độ đãi ngộ đối với các cô chưa có, khiến các cô rất tủi thân. Ví dụ như trong trường nếu có giáo viên nghỉ sản 4 tháng, trong thời gian này cô giáo khác đứng lớp dạy thay nhưng không được trả thêm bất cứ đồng lương dạy thay nào.
Trong trường vẫn còn thiếu 1 giáo viên đến dạy trường điểm làng, để cho tất cả các trẻ em được đi học như nhau, các cô giáo lại phải thay nhau đến làng đi dạy. Vừa tốn tiền xăng, công sức, thời gian… nhưng các cô vẫn không được nhận thêm tiền đứng lớp.
Trong khi lương ba cọc, ba đồng nhưng để giữ được học sinh, các cô không chỉ bỏ tiền lương ra mua kẹo “dụ” học trò, mà còn phải bỏ tiền ra mua đồ dụng học tập như bút, vở… cho học sinh, vì ba mẹ chúng rất nghèo không có tiền nộp cho giáo viên. “Khổ nhất là khi các học sinh cấp 1, 2 được phát quà, quần áo… mà chúng không có là chúng đòi và nói Sao người ta đi học có quà mình lại không có”, cô Thơ cho biết.
Không chỉ vậy, vì đi dạy xa nên buổi trưa tất cả các cô phải nghỉ lại trưa nhưng không có chỗ để nghỉ. Sau khi ăn hộp cơm mang theo từ sáng, các cô lại phải chải chiếu xuống sàn của phòng làm việc để nghỉ tạm.
Các cô giáo dạy mầm non ở xã Ayun.
 Chế độ đãi ngộ không hề có, trong khi các cô còn rất trẻ phải bám làng để gieo cái chữ từ sáng đến tối nên ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc gia đình. Chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa vợ chồng, đối với các cô là quá quen thuộc. Nhưng vì thương học trò nghèo, các cô vẫn gác chuyện gia đình để đến lớp đầy đủ. Cô Nguyễn Thị Tuyết cho biết, cô đã có 2 đứa con (5 tuổi và hơn 2 tuổi). Thời gian này đối với cô rất khó khăn. Bởi con còn nhỏ nhưng mẹ lại đi cả ngày, không có thời gian chăm sóc gia đình nên vợ chồng thường xuyên bất đồng vì chuyện “có vợ mà không chăm sóc được con”.
“Khổ nhất là lúc con mới 4 tháng mà mẹ phải bám làng cả ngày. Lúc con 1 tuổi thì phải mang con đi theo một tay bồng con, một tay dạy học. Bây giờ mỗi tháng tôi phải mất 800 nghìn để gửi con, trong khi tiền lương ít nên vợ chồng thường xuyên bất hòa”, cô Tuyết tâm sự.
Cô Thơ cho biết: “Trước đây tôi đã từng kiến nghị với Phòng giáo dục huyện về các chế độ cho giáo viên nữ, nhưng nhận được câu trả lời là phòng chưa đủ “thẩm quyền”.
Bữa cơm 1.500 đồng
Đã đi nhiều nơi nhưng chúng tôi chưa thấy nơi nào nghèo như Ayun với hơn 50,5% hộ nghèo trong một xã. Cũng chưa có nơi nào chúng tôi thấy tình cảm gắn bó mật thiết của cán bộ xã với các giáo viên các trường như nơi đây. Để đẩy lùi cái đói, cái hủ tục lạc hậu, ông Dương Mạnh Mẫn - chủ tịch xã Ayun và các thầy cô đang cố gắng đưa nền giáo dục nơi đây tiến thêm một bước nữa, mở thêm lớp bổ túc THPT, để trong tương lai xã không chỉ có học sinh tốt nghiệp cấp 3 mà còn đào tạo được nguồn nhân lực làm cán bộ ngay tại địa phương.
Tuy vậy, khó khăn của nền giáo dục nơi đây vẫn còn “trùng điệp”. Chứng kiến tận mắt những em học sinh ngồi học trong trang phục quần đùi, áo cọc, dép rách, chân trần - những bộ quần áo mà sáng hoặc hôm qua các em mặc đi làm rẫy với ba mẹ, chúng tôi mới thấy xót xa, mới hiểu được vì sao học sinh nơi đây lo cái ăn hơn là cái chữ.
Học sinh chân đất đi học. 
Có chăng chỉ là đôi dép rách.
Do đường đi lại vừa xa vừa khó khăn, thương học trò, các thầy cô đã tìm cách “nuôi” 133 em học sinh đến từ những điểm làng xa, sợ các em vất vả sẽ nghỉ học. Những học sinh này được Phòng giáo dục huyện “tài trợ” một ngày 3 nghìn tiền ăn theo hình thức hỗ trợ các em học bán trú.
Nhà xa, các em lại thuộc hộ nghèo, nếu để các em đi về trong ngày thì ngày mai các em sẽ bỏ cái chữ và vào rừng kiếm cái ăn. Các thầy cô quyết định giữ các em ở lại trường để nuôi với số tiền tài trợ của huyện, chỉ cho về ngày thứ 7 và chủ nhật. Các thầy phải đến UBND xã cầu cứu và ông Mẫn chủ tịch xã đã vận động khắp nơi để xin được tiền gạo cho các em ăn hàng tháng. “Xã có thì xã cho, chứ lúc nào không có thì cũng đành chịu”, ông Mẫn nói.
Để các em ăn có chất, các thầy cô và đầu bếp phải xoay sở đủ cách. Hàng ngày giáo viên phải vào làng để xin rau cho các em, còn học sinh thì vào rừng kiếm củi về nấu.
Bếp nấu ăn của học sinh chỉ là 3 viên gạch chụm lại, còn củi các em tự vào rừng kiếm.
Chị Tươi - đầu bếp của Trường THCS Phan Đăng Lưu, cho biết lúc đầu mới nhận công việc nấu ăn cho 30 học sinh với số tiền 90 nghìn/2 bữa ăn, mà phải làm sao cho các em ăn đủ món cá, thịt, rau rất khó khăn. Nhưng với sự khéo léo, chị vẫn lo được cho các em ngày 2 bữa ăn với 2 món rau - cá hoặc rau - thịt. “Có 90 nghìn mà cả tiền dầu rửa chén, nước mắm… nên mỗi lần đi chợ tôi phải tính toán kĩ lưỡng. Các em chỉ được ăn thịt rẻ nhất đó là thịt má hoặc thịt thủ. Còn nếu ăn cá thì chỉ có cá đồng như cá trôi nhỏ mua của người dân đánh được ở sông với giá 15 nghìn/kg” - chị Tươi phân trần.
Phải tài xoay sở lắm,
chị Tươi mới lo được bữa cơm 1.500 đồng như thế này cho học sinh.
“Trên danh nghĩa thì các em được nuôi theo kiểu bán trú, nhưng thực tế là nội trú. Nhìn học sinh một ngày ăn 3 nghìn để sống và học tập, chúng tôi cũng rất đau lòng”, thầy Phạm Hoàng Tùng, phó hiệu trưởng Trường THCS Phan Đăng Lưu nói trong xót xa.
Thầy Đào Tiến Sinh cho biết: “Học sinh ở đây đi học không mất bất cứ cái gì, thậm chí cả khăn quàng giáo viên cũng bỏ tiền ra mua. Và nhờ chế độ ăn ngày 3 nghìn/em nên học sinh mới đến trường, dù vất vả nhưng bằng mọi cách chúng tôi phải cho các em ăn no để có sức học tập”. Nói xong thầy trầm tư: “Theo Nghị định 112, mỗi một học sinh nhà nghèo sẽ được hỗ trợ: đối với mầm non là 70 nghìn/tháng, còn cấp 1, 2 là 140 nghìn/tháng. Nhưng số tiền này đến với học sinh rất chậm, năm học 2009-2010 đã qua nhưng đến nay vẫn chưa được nhận một đồng nào trong khi học sinh đang rất đói. Số tiền này các cơ quan chức năng nên xem lại để phát cho học sinh hàng tháng để khuyến khích học sinh, bởi nếu cứ để cả năm phát một lần vừa chậm, mà khi đến tay phụ huynh họ cũng chỉ để tiền mua rượu hoặc xe đi chứ học sinh không được hưởng đồng nào”.

Bài và ảnh: Thiên Thư / Dan tri