Thứ tư, 11/7/2018, 17h08

Nỗi buồn môn sử

Học lệch, chọn môn thi để xét tuyển tốt nghiệp, môn sử kém hấp dẫn… là những góc nhìn lý giải cho việc điểm thi môn sử rất thấp trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Nỗi buồn môn sử - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM) trong giờ học môn sử chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tựu trung lại vẫn là cách dạy - học môn học này trong trường phổ thông.

Học lệch vì... thị trường lao động

Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, chia sẻ: "Điểm thi dưới trung bình với môn sử quá nhiều là một kết quả đáng buồn nhưng tôi không bất ngờ. Đây là một kết quả phải nói là rất tệ, là vấn đề đáng suy nghĩ. Nguyên nhân chính nhất vẫn xuất phát từ xu hướng học thực dụng. 

Học sinh hiện tại thường rất "nhạt" với các môn KHXH, nhưng cũng khó trách học trò vì xu hướng sau khi tốt nghiệp ĐH, các ngành khối KHTN dễ tìm được việc làm, có thu nhập cao hơn. 

 

Thầy Lê Văn Phương - Trường THPT chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho biết: "Trường tôi toàn khối gần 400 em nhưng chỉ hơn 20 em chọn môn sử để xét tuyển ĐH. Để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp thì mã đề nào của môn sử cũng vậy, trong 10 câu đầu (mỗi câu 0,25 điểm) sử dụng kiến thức nhận biết bình thường là đã đủ điểm đậu tốt nghiệp. 

Các câu về sau khó và để làm được không phải chỉ học thuộc, mà còn tư duy lập luận khái quát, hiểu cả một vấn đề lịch sử, mà kỹ năng này thường các em chuyên sâu chọn làm môn xét tuyển ĐH mới đầu tư học. 

Vì thế, không chỉ ở TP.HCM mà bất kỳ tỉnh thành nào có công bố điểm sử, tôi cũng không bất ngờ việc nhiều điểm thấp".

"Nhìn điểm môn sử ở TP.HCM, tôi thấy không bất ngờ và nói lên thực tế môn sử luôn là "món nhạt" của học sinh. Ở Bình Định cũng vậy, những năm chúng tôi đi tuyển sinh rất ít em chọn môn sử để thi ĐH, con số này lại ngày càng giảm như ở khoa chúng tôi. 

Chưa kể 2 năm trở lại đây Bộ GD-ĐT không còn cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nên cơ hội để các em muốn sau ra trường sẽ đi dạy môn sử nếu không trúng tuyển sư phạm sẽ không còn nữa. 

Khi các em chọn môn sử như là điều kiện để có tấm bằng tốt nghiệp THPT tất sẽ có việc học lớt phớt", PGS.TS Trần Quốc Tuấn - trưởng khoa sử Trường đại học Quy Nhơn, ngao ngán.

Nhà trường cũng cần xem lại

Có ý kiến cho rằng với phương thức thi "2 trong 1", học sinh chỉ tập trung học các môn dùng xét tuyển vào ĐH, các môn khác thi miễn sao đừng điểm liệt là được. Năm học lớp 12, nếu dạy - học nghiêm túc, kiểm tra đánh giá trung thực, học sinh trung bình hoàn toàn có thể đạt điểm 5. 

Thái độ học tập của học sinh là kết quả của nhiều yếu tố, nhưng trong đó sự làm việc của thầy cô là yếu tố cốt lõi. Trước đổi mới, cùng với đổi mới (phương pháp dạy học) là phải rèn thái độ học tập. Để có kết quả đó, phải rèn thái độ làm việc của thầy cô, cách thức quản lý của ban giám hiệu, của tổ (nhóm) chuyên môn.

Quản lý nhà trường chạy theo thành tích (theo tỉ lệ học sinh được xét tuyển vào ĐH - với trường chất lượng, nhẹ nhàng đánh giá học sinh - với trường chất lượng thấp), có "nhẹ" với các môn học sinh chỉ dùng để xét tốt nghiệp, thầy cô bộ môn biết học sinh học lệch nhưng... chấp nhận để "tạo điều kiện cho học sinh ôn thi ĐH", điểm thi quá thấp như một hệ quả mà tác giả - tại ả hay tại anh?

Vì thế, khi thí sinh có điểm thấp như môn sử, cần làm rõ trong số ấy gồm những học sinh thuộc nhóm nào? Học sinh yếu được nhà trường định hướng chọn bài thi tổ hợp KHXH (1); chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp (2); học lệch (3); học sinh các trường chất lượng thấp, các trung tâm GDTX (4). 

Nhìn chung các nhóm này, các môn thi đều có kết quả thấp, không cứ gì môn lịch sử. Tuy nhiên ở các nhóm (1), (2), (3), do định hướng lệch chuẩn, dạy và học theo kiểu "mì ăn liền", nhồi nhét trước mỗi kỳ thi, học sinh mất hết hứng thú, thực trạng đó mà điểm thi cao thì mới lạ!

Đành rằng việc học là để vượt qua kỳ thi, luôn cần sự đầu tư các môn trọng tâm, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ học để đi thi, rồi buông bỏ các môn "không trọng tâm". 

Cách nghĩ và cách học ấy là do ai? Phải chăng do thầy cô dễ dàng chấp nhận? Quản lý của ban giám hiệu thiếu sâu sát, chạy theo nguyện vọng của học sinh để thu hút học sinh đầu vào?

Cách dạy - học chưa hấp dẫn

Tôi đã có ba năm thử nghiệm kể chuyện lịch sử trên trang Facebook cá nhân và nhận kết quả bất ngờ để rồi tôi kết luận: phương pháp dạy sử có vấn đề.

Cụ thể, giáo trình quá thiên lệch về lịch sử hiện đại. Các tiết lịch sử cũng nặng về số liệu thống kê nên mỗi tiết lịch sử như một cực hình thật sự. Học sinh cần cảm nhận được những tháng ngày quá khứ qua những câu chuyện dễ hiểu, chứ không phải nhồi nhét số liệu.

Tại sao không thử một phương pháp dạy mới hơn là để học sinh tự tư duy? Từ một gợi ý, có thể dẫn đến nhiều hướng tư duy khác nhau, kích thích hứng thú tìm hiểu, từ đó rút ra bài học cho bản thân, thay vì ép học sinh phải học thuộc lòng theo sách giáo khoa để rồi môn học này trở nên khô khan khi lẽ ra nó truyền tải niềm yêu thích.

Một người bạn của tôi có chia sẻ trên trang cá nhân: chúng ta chú trọng quá nhiều vào nhân vật lịch sử mà hoàn toàn bỏ qua bối cảnh văn hóa xã hội, như thể chúng ta không có hứng thú, không quan tâm.

Ví dụ nói về Nguyễn Huệ, chúng ta có thể thuộc lòng xuất thân của ông nhưng có mấy ai biết kinh tế thời Tây Sơn thế nào, dựa chủ yếu vào gì, sản phẩm nào được xuất khẩu chủ yếu, có những khác biệt tư duy thế nào với người triều đại trước và sau này...?

Cho nên tôi thấy buồn khi một đất nước có chiều dài lịch sử như VN, có tiềm năng trở thành một cường quốc văn hóa, nhưng chúng ta lại không chịu thay đổi cách dạy và học sử.

Theo TTO