Thứ sáu, 15/4/2011, 15h04

Nỗi khổ chấm bài

Thời gian gần đây, khi nói đến việc chấm - chữa bài ở tiểu học, các giáo viên đều hết sức ngao ngán bởi yêu cầu của một số trường làm họ tốn quá nhiều thời gian, công sức.

Giáo viên tiểu học dạy nhiều môn nên hàng ngày phải chấm rất nhiều bài. Vậy mà theo phổ biến ở một số trường, từ đầu năm học đến nay, giáo viên chấm bài trong vở học sinh - ngoài việc sửa chữa phải ghi lời phê tất cả các bài đã chấm, lời phê phải cụ thể rõ ràng và có tính chất động viên, các bài dưới trung bình không ghi điểm. Nếu chỉ phê ở một số bài làm khi cần thiết như trước đây là điều hết sức thiết yếu thì nay việc yêu cầu phê tất cả các bài đã chấm làm giáo viên tốn nhiều thời gian để ghi và công sức suy nghĩ lời phê thế nào cho đúng yêu cầu. Bài học sinh làm sai ít, hoặc lỗi đôi khi các em mới mắc phải thì dễ dàng phê, nhưng với bài làm của học sinh quá yếu kém (thường sai hết) chẳng lẽ bài nào giáo viên cũng phê ý giống như nhau? Đối với bài các em làm đạt điểm 9, 10 thì phê “giỏi” hay “tiếp thu tốt” là đã nói đủ các ý cần nói nhưng ở một số trường lại không đồng ý cách phê như vậy mà buộc giáo viên phải phê là “Bài làm tốt, câu văn mạch lạc, có hình ảnh sinh động, đáng khen!” hay “Đọc tốt, phát âm rõ, đạt yêu cầu về tốc độ”… Thử hình dung, lớp học có 40 học sinh, mỗi ngày giáo viên chấm khoảng ba môn, vậy các thầy cô phải tốn bao nhiêu thời gian để viết dài dòng như thế và suy nghĩ lời phê cho đừng trùng lặp ý phê em này giống em kia, bài lần sau giống bài lần trước vì lỗi sai lặp lại. Chưa kể việc không cho điểm các bài làm dưới trung bình, liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn là làm cho học sinh đừng chán nản, bởi học sinh có điểm 1 có sức học và khả năng tiếp thu khác với học sinh có điểm 4. Học sinh từ điểm 1 cố gắng học tập đạt được điểm 4 nhưng không cho điểm thì làm sao bản thân em và phụ huynh thấy được sự tiến bộ, sự vươn lên của em. Các em yếu thì thường phải rèn luyện trong thời gian dài mới tiến bộ. Vậy thì trong mấy tháng trời, trong vở của các em không có điểm, cả lớp đều biết các em đó yếu nên thầy cô không chấm điểm, em ấy sẽ tự ti và chán nản hơn…

Điều đáng nói hơn là theo văn bản 1838/GDĐT-TH ngày 12-8-2010 của Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ yêu cầu: “…tránh cho điểm thấp mà không có lời nhận xét cụ thể”, nhiều trường đã áp dụng đúng văn bản này, chỉ yêu cầu giáo viên ghi lời phê những bài cho điểm dưới trung bình và vẫn chấm điểm các bài dưới trung bình như trước đây. Vậy các trường yêu cầu giáo viên thực hiện như trên là do đâu? Phải chăng “phép vua thua lệ làng”?
Lê Phương Trí