Thứ ba, 16/1/2018, 21h03

“Nói không” với bạo lực bằng tình bạn đẹp

Day dứt trước vấn nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng, tác động xấu đến học sinh, Quận đoàn Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” với sự tham gia của đại diện 23 quận/huyện đoàn và 150 học sinh đến từ 8 trường THPT trên địa bàn quận.

Hình ảnh bạo lực trong tiểu phẩm “Chuyện con chưa kịp kể”

Hãy tôn trọng sự khác biệt, xây dựng một tình bạn đẹp dựa trên tình yêu thương để “nói không” với bạo lực học đường là những thông điệp đầy ý nghĩa được đưa ra trong diễn đàn.

Chuyện “giờ mới kể”

Bằng tiểu phẩm “Chuyện con chưa kịp kể”, xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật: Án mạng xuất phát từ mâu thuẫn không cho mượn vở chép bài để bị điểm kém, thầy cô và cha mẹ rầy la, từ những lời khiêu khích của bạn, một học sinh đã bị kết án 8 năm tù giam cho tội giết người.

Đặt mình vào tình huống trên để thay nhân vật giải quyết mâu thuẫn, Việt Hương (học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu) đưa ra cách xử lý là bỏ chạy. Trong khi đó, Chí Cường (học sinh Trường THPT Trần Văn Giàu) lại có hướng giải quyết là mạnh mẽ đối diện. Bên cạnh đó, rất nhiều câu chuyện “giờ mới kể” là những mâu thuẫn ngay trong lớp, trong trường, được chính học sinh đưa ra trong diễn đàn. Đó là câu chuyện thường xuyên bị bạn bè lấy khiếm khuyết cơ thể của bản thân để làm trò đùa. Hay việc bị cả lớp cô lập vì sự khác biệt của mình. Thậm chí là đã từng bị đe dọa, đánh đập.

Theo ThS. Trần Cao Phương Diễm (Giáo viên tham vấn học đường Trường THPT Gia Định), bắt nạt là hành vi nhen nhóm cho bạo lực học đường. Khi đối diện với bắt nạt, nếu mình càng lùi thì đối phương sẽ càng tiến lên. Và càng không nên khiêu khích, phản kháng. Do đó, cách duy nhất là mình phải dừng lại, tìm sự trợ giúp kịp thời từ bạn bè, gia đình, thầy cô giáo.

Tuy nhiên, trong trường hợp khi lên tiếng với gia đình, thầy cô giáo mà chỉ góp phần “đẩy” bạo lực đi xa thêm thì “Hãy lên tiếng với Ban chấp hành Đoàn trường để tìm ra hướng giải quyết đúng đắn”, anh Trần Đoàn Hiệp (Bí thư Quận đoàn Q.Bình Thạnh) nhắn nhủ.

TS. tâm lý Nguyễn Hữu Long (Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên, Phân viện miền Nam) nhìn nhận rằng, bạo lực học đường xuất phát từ việc bản thân ít “quan tâm” đến bản thân mình mà thường “đặt chú ý” đến bản thân bạn bè xung quanh. “Từ một mâu thuẫn, xích mích nhỏ nhưng nếu các em không có hướng giải quyết đúng đắn, không tự mình nhìn nhận lại bản thân thì hậu quả sẽ thật khôn lường”, TS. Long nhìn nhận.

“Tháo dây” bạo lực học đường

Trước quan điểm “thay đổi phải từ chính người lớn” của Minh Thuận (học sinh Trường THPT Gia Định) khi đưa ra nhận định bạo lực học đường suy cho cùng cũng chỉ bắt nguồn từ người lớn, còn trẻ con chứng kiến quá nhiều những điều tiêu cực. Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên, TS. Nguyễn Hữu Long gửi gắm rằng, các em học sinh hãy dành cả thanh xuân của mình để quan tâm đến những điều tích cực, yêu thương bạn bè xung quanh tạo nên tình bạn đẹp, lan tỏa những hành động đẹp. “Khi ta thay đổi chính mình từ cách nhìn, hành vi là ta đã thay đổi cả xã hội. Đó là giải pháp dài hơi nhất kìm vấn nạn bạo lực học đường đang có xu hướng ngày càng gia tăng”, TS. Long nói.

“Hãy tôn trọng sự khác biệt, biết bao dung với bạn bè. Hiểu người khác trên quan điểm của chính họ” là giải pháp được ThS. Trần Cao Phương Diễm đưa ra để hạn chế bạo lực học đường.

Về phía đoàn, anh Trần Đoàn Hiệp cho biết khi có nhen nhóm bạo lực học đường, các em hãy thẳng thắn chia sẻ với đoàn để cùng nhau hành động. Sắp tới, Quận đoàn Q.Bình Thạnh sẽ có đường dây nóng để hỗ trợ các em trong việc kịp thời giải quyết mâu thuẫn học đường. Với những học sinh cảm thấy bản thân nhút nhát, khó hòa nhập hoặc có sự khác biệt, hãy tích cực tham gia các phong trào đoàn hoặc đăng ký học miễn phí những lớp hỗ trợ kỹ năng sống để thay đổi và khám phá bản thân.

Chị Vũ Thị Tuyết Mai (Phó Trưởng ban Thanh niên trường học, TW Đoàn) cho biết diễn đàn là một trong những hoạt động thiết thực xây dựng Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư TW Đảng về việc tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ. Tạo ra cho các em một môi trường lành mạnh để tiếp cận văn hóa ứng xử, hình thành nhân cách đẹp. Các em sẽ có nhận thức đúng đắn, xây dựng tình bạn đẹp để hạn chế bạo lực học đường.

Yến Hoa