Thứ năm, 22/6/2017, 22h37

Nói không với đụng chạm không an toàn

Xung quanh nạn ấu dâm đang báo động. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, GV cũng như phụ huynh đã lên tiếng về vấn nạn này.

Giáo dục giới tính đầy đủ cho HS
Anh Trần Anh Tuấn (phải) - Công ty Đầu tư và phát triển giáo dục Sài Gòn

Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong 5 năm từ 2011 đến 2015 cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Trung bình cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 vụ trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tại Việt Nam, trước đây trẻ xâm hại thường là 13-18 tuổi thì hiện nay xuất hiện nhiều vụ xâm hại ở độ tuổi 5-13 và thậm chí bé hơn. Nói chung xu hướng trẻ xâm hại có chiều hướng gia tăng về số vụ và độ tuổi trẻ bị xâm hại có xu hướng nhỏ hơn. Hiện nay một số trường cũng đã nhận thức được nguy cơ trong việc xâm hại tình dục đối với trẻ em nên cũng đã có những buổi tuyên truyền giáo dục trong việc phòng chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên ở góc độ giáo dục thì những buổi tuyên truyền cũng chỉ nêu ra được vấn đề và chưa đi sâu vào tiềm thức của trẻ nhỏ. Theo tôi, để nạn ấu dâm - xâm hại tình dục trẻ em được hạn chế trước hết cần có nhiều buổi học về giáo dục trẻ nhỏ sớm về giới tính, trẻ cần có nhiều nhận diện đâu là hành vi an toàn và đâu là hành vi không an toàn. Đâu là vùng an toàn trên cơ thể đâu là vùng riêng tư để từ đó trẻ có thể nhận diện sớm hành vi xâm hại. Trường học đưa môn học giáo dục giới tính sớm và đầy đủ cho trẻ nhỏ và trẻ mầm non thông qua sách vở và bố mẹ cùng con trao đổi để cùng nhận diện đâu là hành vi an toàn và đâu là không an toàn khi tiếp xúc với người ngoài.

Không nên nhẹ dạ cả tin vào người xấu
Thầy Lê Việt Tiến - GV Trường Tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Theo tôi, giải pháp để khắc phục tình trạng nạn ấu dâm phải xuất phát từ nguyên nhân của vấn đề. Đối với tội phạm, người nhà cần quan tâm phát hiện người bệnh mắc chứng bệnh lệch lạc về tình dục để có hướng điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này rất khó vì đa phần người mắc bệnh này giấu rất kỹ. Phụ huynh cần chú ý không tạo điều kiện để con em tiếp xúc riêng quá lâu với những đối tượng hay sàm sỡ trên. Ảnh hưởng của phim ảnh và sách báo: Phụ huynh cần quản lý thời gian con em lên mạng bao nhiêu giờ cụ thể/ngày, để các thiết bị có thể truy cập mạng tại phòng khách, không cho con em xóa lịch sử truy cập.

Phụ huynh cần giáo dục con em không được nhẹ dạ cả tin, nhận quà của người lạ khi chưa có sự cho phép của phụ huynh. Phụ huynh, nhà trường, các ban ngành đoàn thể cần giáo dục trẻ em kiến thức về vấn đề này. Phối hợp chặt chẽ với giáo viên và trường học để quản lý tốt giờ đến lớp của con em. Phụ huynh cần chủ động giải quyết thấu đáo những mâu thuẫn với con em. Đừng có khoảng cách tình cảm trong gia đình và con cái luôn thấy cha mẹ thương yêu mình. Phụ huynh cần dành thời gian quan tâm đến con em. Hãy trở thành người bạn gần gũi chia sẻ những vui buồn cùng con em. Cha mẹ cần giáo dục giới tính cho con em, tăng cường quản lý nội dung phim ảnh, sách báo mà con em mình tiếp cận. Tránh các loại văn hóa phẩm có nội dung không tốt khiến trẻ em có nhu cầu tự tìm hiểu “chuyện người lớn”.

Nói không với đụng chạm không an toàn 
TS. tâm lý Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TP.HCM

Đối với trẻ nhỏ có những đụng chạm từ phía người lớn là những đụng chạm an toàn nhưng cũng có những đụng chạm không an toàn. Đây là điều các cháu cần phân biệt được. Đụng chạm an toàn là những đụng chạm của người thân tạo nên hạnh phúc, ấm áp, yêu thương cho trẻ như vỗ vai, ôm hôn, vuốt tóc. Đó là tình cảm thân thương của người cha người mẹ khi thấy con học giỏi tiến bộ, hoặc ông bà lâu ngày được gặp lại cháu yêu của mình. Đối nghịch với đụng chạm an toàn là đụng chạm không an toàn. Thế nhưng đối với các bạn nhỏ tuổi, không phải ai cũng biết và dám nói được những bộ phận trên cơ thể đụng chạm không an toàn. Đây là những đụng chạm rất nguy hiểm cần né tránh. Đụng chạm không an toàn là hành vi sờ mó, đụng chạm vào những vùng riêng tư của trẻ trên cơ thể đó là bộ phận sinh dục như ngực của bé gái, vùng kín của bé trai và bé gái. Nói cách khác đó là “vùng tam giác” thuộc bộ phận áo quần lót của trẻ. Trong thực tế một số trường hợp bác sĩ, y tá, cha mẹ có thể đụng chạm được vào những vùng riêng tư này của các cháu. Đó là khi trẻ thay quần áo hay bị bệnh cần được thăm khám nhưng trước khi thực hiện người lớn có trách nhiệm giải thích rõ để trẻ hiểu và đặc biệt là phải được sự đồng ý của trẻ. Nếu trẻ từ chối hoặc không đồng ý thì nên tôn trọng ý kiến của trẻ không nên dùng mọi biện pháp thô bạo để thúc ép.

Dạy HS biết làm chủ bản thân
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh

Hiện nay, HS đến trường có thể gặp các mối nguy hại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe vật chất và tinh thần của các em. Mối nguy hại có thể được chia làm 4 tập rất thực tế. 2 tập đầu là mối nguy hại đến từ ngoài cổng trường qua các quán bán hàng rong, không an toàn về vệ sinh thực phẩm và sự nguy hiểm của chất gây nghiện thì 2 tập sau là sự xâm hại tình dục có thể rình rập đối với trẻ nhỏ. Đó là lợi dụng sự thân mật giữa người lạ và người quen để xâm hại cơ thể trẻ có thể bất cứ nơi đâu. Có một thực tế là sau rất nhiều vụ ấu dâm được thông tin liên tiếp trên mạng xã hội, trên báo chí khiến các cha mẹ, nhà trường vô cùng lo lắng thì hàng loạt các hoạt động, các khóa học dạy về phòng chống xâm hại trẻ em đã diễn ra ở nhiều trường học, nhiều khu dân cư… Nhiều trẻ em vì thế cũng có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại. Tuy nhiên, chúng ta lại không có khóa học nào dạy cho các em phòng tránh một chiêu thức đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm của những kẻ xấu đó là chiêu “không cần tấn công gì mà đối phương tự gục ngã”, đó là các em tự nguyện trao thân. Có thể các em có kỹ năng cảnh giác với người nọ, người kia, các em biết cách thoát ra hay la to khi bị xâm hại… Thế nhưng, sẽ vô nghĩa khi các em bị đối phương sử dụng chiêu “không cần tấn công gì mà đối phương tự gục ngã”. Đó là nguy cơ trẻ “tình nguyện bị xâm hại”. Chính vì vậy, dạy các em phòng tránh xâm hại tình dục trước tiên phải dạy các em nền tảng luân lý, đạo đức, biết tôn trọng chính bản thân, biết gìn giữ chính bản thân, biết làm chủ chính bản thân.

Nguyễn Hoàng Anh (ghi)