Thứ bảy, 12/11/2016, 20h56

Nói không với tai nghe khi tham gia giao thông

Nghị định số 46 đề xuất tăng mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng thiết bị âm thanh (đeo tai nghe) khi tham gia giao thông từ 60-80 ngàn tăng lên 100 đến 200 ngàn đồng đã có hiệu lực từ đầu tháng 8. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số ý kiến trái chiều cho rằng đây là thiết bị giúp người tham gia giao thông thư giãn, không gây buồn ngủ, tránh bị giật điện thoại…

Không đeo tai nghe khi lái xe để đảm bảo ATGT cho mình và cho người khác. Ảnh: I.T

Mỗi người một lý do

Cách đây khoảng 2 tuần, ông Nguyễn Hoàng (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) bất ngờ bị va quẹt trên địa bàn huyện Bình Chánh khiến chân bị bong gân, còn chiếc xe tay ga cũng bị hư hỏng. Người đàn ông này cho biết, thói quen đeo tai nghe của ông chủ yếu là để “không bỏ sót cuộc gọi nào của khách hàng vì nhà tôi bán vật liệu xây dựng. Còn việc bị va quẹt là do người ta chạy không đàng hoàng, đâu phải lỗi do tôi”. Hỏi ra mới biết, ông Hoàng sử dụng tai nghe loại xịn, vừa để không bị nhỡ cuộc gọi, vừa tránh bớt tiếng ồn ào của đường phố. Chính vì không cảm nhận được tiếng động cơ của phương tiện lưu thông phía sau, nên ông đã bất ngờ quẹo phải và bị người phía sau đâm vào đuôi xe.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã có hiệu lực từ 1-8-2016. Đây là văn bản mới nhất, thay thế cho các Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, Nghị định số 46 đề xuất tăng mức phạt tiền đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.

Cụ thể, tại điểm o, khoản 3, điều 6 quy định: người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) sẽ bị phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng (thay cho mức phạt cũ tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP là 60.000-80.000 đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền, nếu gây TNGT, người điều khiển xe có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Nếu người lớn sử dụng thiết bị âm thanh vì công việc, thì một số cô cậu tuổi teen sử dụng “tai nghe” cho tiện lợi đôi đường. Sinh viên L.H, đang học năm 3 khoa ngoại ngữ tiếng Anh cho biết “chiếc tai nghe này là vật bất ly thân của em, vì thường xuyên phải dùng đến khi học bài, chưa kể là có thể nghe nhạc giải trí lúc kẹt xe, hoặc chỉ cần bấm một cái là có thể trả lời được cuộc gọi điện thoại một cách an toàn mà không sợ bị cướp giật”.

Không có dây nhợ bất tiện như loại tai nghe thông thường, một doanh nhân ngành xuất nhập khẩu chọn sử dụng tai nghe bluetooth (không dây) kể cả khi lưu thông bằng xe ô tô hoặc xe máy. Người đàn ông này lý giải: “Do chỉ đeo thiết bị âm thanh vào một tai, nên tôi vẫn có thể nghe ngóng được âm thanh bên ngoài. Thật ra sử dụng thiết bị này có người cho là để thể hiện đẳng cấp, nhưng tôi chỉ quan tâm đến sự tiện lợi cho mình, mà vẫn có thể quan sát mọi thứ xung quanh trong khả năng có thể”.

Khi lái xe: Nói không với tai nghe

Đây là khuyến cáo của cơ quan chức năng trước muôn vàn lý do sử dụng thiết bị âm thanh cho nhiều mục đích khác nhau. Vì thực tế tại một số tỉnh thành đã từng xảy ra những vụ TNGT gây thương vong về người, mà nguyên nhân chính là do người tham gia giao thông vừa đeo tai nghe vừa lái xe. Điển hình như vụ TNGT xảy ra vào tháng 11-2015 tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Thuật lại vụ tai nạn này, Báo An ninh thủ đô vào ngày 14-11 có đề cập đến trường hợp của sinh viên cao đẳng tên N.V.B. Do em đeo tai nghe và băng qua đường sắt mà không để ý đèn tín hiệu báo tàu đang đến, nên đã xảy ra tai nạn và tử vong tại chỗ. Một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra trên địa bàn TP.HCM vào ngày 11-5-2011. Nạn nhân là anh Nguyễn Lương Hiệp (41 tuổi, Gò Vấp). Vụ việc xảy ra khi anh Hiệp đi xe máy qua điểm giao cắt số 9 (đoạn trước địa chỉ 120/100 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận). Nguyên nhân được xác định là do đeo tai nghe nhạc, nên anh Hiệp đã không nghe thấy tiếng còi cảnh báo để dừng lại cho tàu qua. Hậu quả là xe và người đã lao thẳng vào tàu làm anh tử vong.

Sử dụng tai nghe không chỉ gây tai nạn ở đường sắt, mà còn xảy ra ở ngay trên đường làng. Đó là trường hợp em Nguyễn Hoàng H. (25 tuổi, ngụ Bình Lục, Hà Nam). Tai nạn xảy ra khi trời tối, do H. vừa điều khiển xe máy tốc độ cao, vừa mải mê nghe nhạc nên khi bất ngờ gặp chướng ngại vật là một đống rơm trên đường, em đã hốt hoảng phanh gấp, sau đó bị hất tung khỏi xe máy gây chấn thương sọ não và tử vong sau khi được cấp cứu ở bệnh viện.

Cảnh báo về tình trạng này, đại diện Phòng CSGT - Công an TP.Hà Nội lưu ý, trong những năm gần đây, số vụ TNGT do tình trạng sử dụng thiết bị âm thanh, điện thoại đang có chiều hướng gia tăng. Cái nguy hiểm của tình trạng vừa lái xe, vừa sử dụng tai nghe là làm cho người điều khiển dễ bị phân tâm, không nghe được tiếng còi hiệu của các phương tiện giao thông khác, không lưu tâm đến tín hiệu điều khiển của CSGT, mất tập trung tay lái, nên rất dễ gặp tai nạn.

Bàn về vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, theo phân tích của CSGT thì trong số các vụ TNGT, có khoảng 30% số vụ có nguyên nhân do thiếu quan sát, chú ý. Do đó, ông Hùng khuyến cáo người dân nên tránh hành vi vừa điều khiển xe, vừa sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh. Vì hành động này sẽ làm cho người lái xe dễ bị phân tán, giảm khả năng quan sát và xử lý tình huống, tạo nên nguy cơ gây TNGT. Nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng này, ông Hùng cho rằng bên cạnh việc nâng cao mức xử phạt, cần tăng cường lực lượng tuần tra, lắp đặt hệ thống camera giám sát để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm.

Bích Vân