Thứ hai, 18/9/2017, 14h58

Nỗi lo sạt lở đê biển

Kiên Giang có bờ biển dài khoảng 200km (từ Mũi Nai, thị xã Hà Tiên đến rạch Tiểu Dừa, huyện An Minh). Đó là một lợi thế để khai thác tiềm năng du lịch, nuôi trồng thủy sản… thúc đẩy kinh tế phát triển. 
Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng sạt lở đê biển ngày càng lan rộng và tốc độ dữ dội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Phòng chống sạt lở đê biển đang rất cấp bách. 
Nỗi lo sạt lở đê biển ảnh 1
Nhà dân ở xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang)  cheo leo trên biển do sạt lở. Ảnh: HUỲNH LỢI
 Bó tay nhìn… sạt lở 
Những ngày giữa tháng 9, nhiều nơi ở vùng biển ĐBSCL có mưa kèm theo dông gió khá mạnh, sóng biển đánh thẳng vào bờ, khiến cho hàng loạt cư dân sống ở vùng sạt lở mất ăn mất ngủ.
Ông Danh Hòa, nhà ở sát bờ biển xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang), than thở: “Ngày nào cũng vậy, sóng lớn từ ngoài biển đánh thẳng vào bờ khiến bờ biển bị sạt lở càng lúc càng sâu vào trong”.
Ông Hòa kể: “Ngày trước những dãy rừng phòng hộ cách xa bờ cả cây số và nhà dân cũng ở tuốt ngoài kia. Nhưng nạn sạt lở cuốn trôi hết vạt rừng, dân cũng dỡ nhà “tháo chạy” sâu vô phía trong đất liền. Chạy được vài năm thì “bà thủy” tiếp tục rượt, có thời điểm “bà thủy” ập thẳng vào nhà làm đồ đạc, vật dụng trong nhà bị cuốn trôi hết. Mới năm trước, sạt lở ăn mất nửa căn nhà, buộc tôi phải múc đất gia cố ở tạm. Sống ở vùng sạt lở ven biển này lo lắng vô cùng, nhưng đành chịu vì làm nghề đi biển nên ai cũng cố bám, tới đâu hay tới đó”.
Đồng cảnh ngộ, ông Bùi Văn Mênh, ngụ ấp Kim Quy, xã Vân Khánh, bộc bạch: “Gia đình tôi mấy chục năm làm nghề đi biển, câu mực, đánh cá sống đắp đổi qua ngày. Điều lo nhất của bà con vùng biển là sạt lở. Điển hình như căn nhà tôi đang ở, ngày trước cách bờ biển hơn 1ha đất rừng, vậy mà nay “mất rừng, mất đất” do sạt lở. Căn nhà cheo leo trên biển, bởi bờ biển đã sạt lở qua khỏi nhà tôi hơn 20m”.
Lãnh đạo UBND xã Vân Khánh thừa nhận, hàng trăm hộ dân ở vàm Kim Quy cũng như một số nơi khác trong xã luôn canh cánh nỗi lo sạt lở. Cứ đến mùa mưa bão, dông gió, triều cường… là nước biển tràn ngập nhà dân. Mới tháng 6 vừa qua, có 2 căn nhà đổ sập xuống biển do sạt lở.  
Ông Lê Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Minh, cho biết ngoài những hộ ở vùng biển sống nhờ nghề đánh cá thì trên địa bàn huyện có 721 hộ nhận khoán 2.226ha đất rừng ven biển. Mỗi hộ trung bình nhận khoán 1-7ha, trong đó người dân được sử dụng diện tích 30% mặt nước để nuôi thủy sản. Thế nhưng, với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, nhiều hộ không còn diện tích đất để sản xuất. Đến nay, đã có trên 300ha rừng bị mất, trong đó có 38 hộ nhận khoán đã mất trắng diện tích. Hiện huyện chưa có giải pháp nào giúp người dân, chỉ tuyên truyền, vận động di dời nhà cửa để tránh rủi ro.
Chưa có giải pháp căn cơ 
Thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 69km bờ biển bị sạt lở; trong đó, khoảng 35km sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, địa bàn huyện An Biên 5km, Kiên Lương 3km, Hòn Đất 7km, nghiêm trọng nhất là huyện An Minh có 37km bờ biển thì có đến 20km bị sạt lở…
Sạt lở làm ảnh hưởng cuộc sống của trên 500 hộ dân và bị mất khoảng 600ha đất rừng phòng hộ. Ông Trần Phi Hải, Giám đốc Ban Quản lý rừng An Biên - An Minh, cho rằng: “Sạt lở nhiều bắt đầu từ năm 1996, nhưng cũng theo quy luật, mỗi năm sạt lở vài chục mét, nhưng sau đó đất bồi lại. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay tình hình sạt lở nghiêm trọng hơn, không còn theo quy luật “bên lở, bên bồi” nữa, mà chỉ có lở thôi. Tính trung bình, sạt lở ăn sâu vào đất liền 30 - 40m/năm. Sạt lở nhiều nhất là từ đoạn Xẻo Quao đến rạch Tiểu Dừa thuộc địa bàn các xã Vân Khánh, Vân Khánh Tây và Vân Khánh Đông…”.
Ông Hải cảnh báo, sạt lở đê biển liên tục nhưng nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão, gió Tây Nam thổi mạnh gây sóng lớn, phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bóc dỡ các gốc cây lâu năm nên các đoạn bờ biển ngày càng bị xói lở nhiều hơn, thậm chí lấn sâu vào đất liền, nhiều đoạn sạt lở đến đê quốc phòng. Thời gian qua, ngành chức năng thực hiện kè bằng phương pháp truyền thống như tre, dừa, cây tràm, nhưng vẫn bị sóng đánh vỡ hết. 
Tại Trạm biên phòng Kim Quy (xã Vân Khánh, huyện An Minh), trước đây trụ sở nằm cách xa biển khoảng 300m, nhưng bị sóng biển đánh sạt lở phải dời vô bên trong. Nay lại bị sạt lở tiếp tục rượt đến nơi. Đồng chí Võ Minh Lễ, Bí thư Huyện ủy An Minh, nhìn nhận, với tình hình sạt lở nghiêm trọng hiện nay đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nếu như không có biện pháp nào khắc phục thì trong 2 năm nữa toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển sẽ biến mất.
Theo đó, đồng nghĩa với việc 721 hộ nhận khoán đất rừng sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Chưa hết, nếu mất diện tích rừng, sóng biển sẽ ập vào tới đê quốc phòng và khả năng nước biển xâm nhập sâu vào đất sản xuất của người dân. Hiện tại, huyện An Minh vận động người dân sinh sống vùng sạt lở dùng bao cát và vật dụng tự làm bờ kè chống đỡ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản.
Về lâu dài, huyện kiến nghị với ngành chức năng tỉnh sớm trình Trung ương biện pháp chống sạt lở bằng vật liệu cứng nhằm cứu rừng, cứu người dân thoát cảnh khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã làm việc với các địa phương bị sạt lở và xây dựng phương án hỗ trợ người dân. Việc xây dựng kè chỉ mang tính tạm thời ở những đoạn sạt lở nghiêm trọng như Tiểu Dừa, Xẻo Nhàu (thuộc huyện An Minh); những nơi sạt lở sát đê, về lâu dài cần có nguồn vốn đầu tư lớn xây dựng hệ thống kè cứng, gây bồi, tạo bãi… mới chống chịu được sạt lở.
Trước tình hình sạt lở đê biển nghiêm trọng, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Sở NN-PTNT và các ngành liên quan xác định ranh giới khu vực sạt lở bờ biển; lập dự án cấp bách gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn bảo vệ khu vực sạt lở; tạo sinh kế cho người dân ven biển, đổ trụ nhằm giảm sóng. Song song đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo tình hình sạt lở và đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn phòng chống sạt lở ven biển ở những khu vực trọng yếu, bức bách hiện nay.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, trong những dự án phòng chống sạt lở thì dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL có hợp phần sinh kế, nguồn vốn của tỉnh đối ứng với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Tổng dự án là 736 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ người dân nuôi thủy sản ở 2 huyện An Biên và An Minh. Đây cũng là một trong những giải pháp được kỳ vọng khi triển khai sẽ giúp người dân các huyện bị sạt lở có điều kiện ổn định cuộc sống. Dự kiến dự án sẽ triển khai vào năm 2018.

HUỲNH LỢI - VĨNH THUẬN/ SGGP