Thứ năm, 12/1/2017, 21h39

Nỗi lòng phim tài liệu

Từ khi ra đời, phim tài liệu trở thành những lát cắt sinh động mang đầy hơi thở của cuộc sống không cần tô vẽ nhiều. Tuy nhiên, để có những thước phim mang tiếng nói của thời đại và giá trị nhân văn, người làm phim phải có một tầm nhìn hiện thực, đa chiều từ con mắt của nhà đạo diễn tài ba.

Đạo diễn Trần Quốc Sơn làm phim tài liệu tại An Giang 

Chỗ đứng riêng của phim tài liệu

Sau ngày miền Nam giải phóng, Hãng phim tài liệu Nguyễn Đình Chiểu cũng là “người chiến sĩ” quả cảm trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khi cho ra đời nhiều thước phim tài liệu về chính trị, lịch sử, văn hóa, giáo dục có giá trị. Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) ra đời sau đó đã trở thành thân thuộc với bạn xem đài khi ra mắt nhiều bộ phim tài liệu hoành tráng như Ký sự hỏa xa, Mê Kông ký sự, Hành trình theo chân Bác. Nhiều đạo diễn đã ghi tên mình trên những bộ phim tài liệu có tiếng vang như cố NSND Phạm Khắc, cố NSND Lê Mạnh Thích, NSND Nguyễn Thước, đạo diễn Lý Quang Trung, Minh Chuyên.

Vừa làm báo vừa làm phim tài liệu, đạo diễn Võ Đắc Danh được người trong nghề biết đến với tư cách là nhà biên kịch. Nhiều bài báo dưới dạng bút ký của ông được các đạo diễn phim truyền hình “vay mượn” để làm phim tài liệu vì đề tài và kịch bản có giá trị. Ông được đồng nghiệp đánh giá là con người có trách nhiệm với cuộc đời khi làm phim tài liệu vì dám nói lên tiếng nói của những thường dân để đem lại công lý cho xã hội. Phim của ông phân định phải trái rõ ràng không hề triết lý hay lên gân nên hấp dẫn người xem ở mọi đề tài.

NSND Bùi Đình Hạc - đạo diễn nổi tiếng với bộ phim Nước về Bắc Hưng Hải cho rằng, phải mỗi bộ phim đều có tiếng nói riêng, đó chính là phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi tác phẩm. Người làm phim phải tránh lặp lại lối đi của người khác và cả lặp lại chính mình. Chỉ có sự sáng tạo không ngừng mới đem lại những điều mới lạ cho công chúng. Theo ông, dù đề tài nào cũng không được khô cứng, khiên cưỡng. Kịch bản dù hoàn chỉnh nhất vẫn mang tính chủ quan của đoàn làm phim vì thế khi gặp thực tế hay tiếp xúc với nhân vật kịch bản có thể đi theo một hướng mới để phù hợp hơn với câu chuyện phim. Không thể bắt ép nhân vật đi theo ý muốn của đạo diễn được.

Nỗi lo chung

Cố NSND Phạm Khắc từng yêu cầu, khi làm phim tài liệu phải biết gặp ai, đi đến nơi nào, phải làm gì để có được những chi tiết đắt giá, câu chuyện hay? Vốn là cha đẻ của nhiều bộ phim có giá trị như Hoa bóng đá, Đất mặn, Nhánh lan rừng nở mãi, Cuộc gặp gỡ sau 48 năm đạo diễn Trần Quốc Sơn - Hãng phim TFS - luôn trăn trở khi bắt tay vào làm phim tài liệu: “Không chỉ khó khăn ngay từ khâu chọn đề tài và tìm nhân vật, nhà sản xuất phim phải cẩn trọng trong khâu dàn dựng, chọn nhạc theo chủ đề và lời bình thật ấn tượng. Chỉ một khâu thất bại là có thể làm hỏng cả bộ phim”.

Nhiều người vẫn quan niệm phim tài liệu chỉ là những câu chuyện quen thuộc, quanh quẩn bên cuộc đời nên cũng không có gì đáng xem. Đó cũng là lý do họ tìm cách chuyển kênh khi đài truyền hình phát sóng các bộ phim tài liệu. Tuy nhiên lại có khán giả luôn đánh giá cao nội dung phim tài liệu nên biết trân trọng những bộ phim được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ. Ngày nay các bãi chiếu bóng hay các rạp phim không còn thói quen chiếu phim tài liệu trước khi chiếu phim truyện nhưng các kênh truyền hình vẫn còn chung thủy với thể loại phim đặc biệt này. Thông qua lăng kính phim tài liệu họ hiểu thấu đáo và đúng đắn cuộc đời hơn, biết yêu quý những giá trị cao đẹp của con người, căm ghét và lên án những điều xấu xa còn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống. Phim tài liệu được coi như “kim chỉ nam” dẫn lối cho từng khán giả biết lựa chọn cách sống tốt cho chính mình mà không cần lời thuyết giảng cao đạo nào. Nhiều đề tài về cuộc sống được lên phim đã trở thành vũ khí sắc bén để chiến đấu chống lại cái lạc hậu cũ kỹ cần phải đào thải.

Với thương hiệu mạnh là phim tài liệu nhưng TFS vẫn đứng trước một bài toán nan giải vì số lượng sản xuất 5 năm gần đây giảm đáng kể. Nếu trước đây, trung bình 120 tập/ năm thì năm 2016 chỉ còn 80 tập/ năm mà nguyên nhân là thu không đủ bù chi do sụt giảm nguồn quảng cáo sau khi thay đổi khung giờ phát sóng. Với đề tài chính luận, phim tài liệu không đặt nặng nguồn thu là nguyên nhân dẫn đến con số thụt lùi trong sản xuất. Theo ông Lý Quang Trung - đại diện Hãng phim TFS, lực lượng nòng cốt làm nên thương hiệu TFS bằng những tác phẩm chất lượng hầu hết đã nghỉ hưu trong khi lực lượng trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì thế hiện nay ngoài các hãng phim Nhà nước, các hãng phim tư nhân như Mê Kông phim, Cửu Long phim cũng đang tích cực xây dựng thương hiệu riêng để hòa chung vào “nhịp đập” thời đại của phim tài liệu với những sắc màu mới lạ giảm bớt gánh nặng bao cấp trong công tác điều hành và sản xuất phim.

Bài, ảnh: Hương Thủy