Thứ năm, 3/12/2015, 14h02

Nơi người dân chỉ dùng hành động để nói chuyện

Trộm được khuyến cáo không nên "làm ăn" trong làng Bengkala, vì nếu những người khiếm thính bắt được họ sẽ đánh rất đau, do không nghe được tiếng la hét của thủ phạm.

 

Tại ngôi làng xa xôi Bengkala ở Bali, Indonesia khoảng 3.000 người dân có thể giao tiếp linh hoạt bằng kata kolok - một kiểu trao đổi qua ký hiệu được lưu truyền nhiều thế kỷ. Đây là ngôn ngữ chuyên dùng cho những người khiếm thính.

Nhiều du khách khi biết đến vùng đất này đều tỏ ra ngạc nhiên, khi phần lớn người dân trong làng đều sử dụng ký hiệu để nói chuyện với nhau, thay vì nói bằng miệng dù họ hoàn toàn bình thường về sức khỏe.

noi-nguoi-dan-chi-dung-hanh-dong-de-noi-chuyen

Trong làng những người bị khiếm thính được đối xử tôn trọng, và không có sự kỳ thị. Ảnh: Odd.

Chính quyền địa phương cho biết, hành động này bắt nguồn từ lý do tốt đẹp mà người dân coi như một truyền thống: số lượng người khiếm thính trong ngôi làng khá cao, gấp 15 lần so với trung bình trên thế giới. Do đó, việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể được ưu tiên hơn lời nói và tại đây cũng không hề tồn tại sự phân biệt đối xử nào với những người không có khả năng nghe, nói.

Một vài người trong làng không coi điếc là một điều bất thường, mà thậm chí cho rằng đó như một món quà từ Dewa Kolok, vị thần bảo trợ những người khiếm thính. Vị thần này được tin là yên nghỉ trong một nghĩa trang gần đó, hàng ngày theo dõi và bảo trợ những tín đồ của mình.

Theo truyền thuyết khác của người dân địa phương, điếc là một lời nguyền. "Câu chuyện nổi tiếng nhất mà chúng tôi được kể là từ ngày xa xưa, hai người có phép thuật giao chiến với nhau. Sau đó, họ nguyền cho người kia bị điếc", Ida Mardana, già làng Bengkala cho hay. Từ Bengkala có nghĩa là "nơi trú ẩn của những người muốn ẩn nấp".

noi-nguoi-dan-chi-dung-hanh-dong-de-noi-chuyen-1

Những người bị khiếm thính không bị kỳ thị, mà họ còn được coi là có phẩm chất tốt đẹp. Ảnh: Odd.

Hiện trong làng có khoảng 42 người kolok (bị điếc hoặc khó nghe). Họ được coi là những người có thể chất mạnh mẽ, kiên cường, trung thành và trung thực. Những người này được giao nhiệm vụ như những hansip (người bảo vệ cư dân trong làng).

Theo một người đứng đầu trong làng, những người kolok làm việc hiệu quả và kỷ luật hơn người bình thường. Những tên trộm tới làng cũng được cảnh báo rằng, tốt nhất không nên "hoạt động" tại đây. Những người bảo vệ kolok khi tóm được thủ phạm sẽ đánh rất mạnh tay và họ sẽ không có dấu hiệu dừng lại vì không nghe được tiếng la hét của tên trộm.

Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp xấu nhất. Vì phần lớn những kolok đều là người điềm tĩnh, kiên nhẫn và ít khi nổi giận.

Tại trường học, những học sinh khiếm thính học cùng lớp với các bạn bình thường. Họ được thầy giáo dạy vừa nói, vừa sử dụng ký hiệu kata kolok để truyền đạt. Ngày nay, những người kolok cũng dần tiếp xúc với các ký hiệu giao tiếp quốc tế, vì họ muốn hoàn thiện mình hơn. Tuy nhiên, những ngôn ngữ như kata kolok vẫn được họ học hỏi, phát huy vì đây là truyền thống của dân làng.

Làng Bengkala tọa lạc tại Kubutambahan, Buleleng, bắc Bali, Indonesia.

Indonesia được gọi là xứ sở vạn đảo, với dân số khoảng 250 triệu người. Một số món ăn nổi tiếng du khách nên thử khi tới xứ sở vạn đảo này là Nasi Goreng (cơm rang kiểu Indonesia), Soto Betawi (Gân, lòng bò nước cốt dừa),  Rendang (cà ri khô), Soto Mie (món soup nấu từ thịt bò, gà ăn kèm với bánh mì, và chả giò), Satay Ayam (thịt gà sa tế xiên que nướng)...

Tại Việt Nam có đường bay thẳng tới Indonesia. Giá tour cho một du khách 4 ngày 3 đêm vào khoảng 800 USD.

 

 

Anh Minh/ VNE