Thứ sáu, 28/3/2014, 16h03

Nỗi niềm tài xế xe buýt: Kỳ 2: Khổ vì những bất cập

Tại một trạm dừng trên đường Điện Biên Phủ, xe máy dừng đỗ vào lòng nhà chờ khiến xe buýt gặp khó khăn khi đón khách
Giành khách do trùng tuyến gây tai nạn; thái độ phục vụ của nhân viên không nhã nhặn; xé vé khống để hưởng trợ giá; nạn móc túi trên xe buýt; xe buýt bỏ khách; thực trạng hạ tầng giao thông quá tải; lãng phí tiền trợ giá… đó là những vấn đề cũ mà xe buýt cần được “làm mới” như mong đợi của bao người.
Những “điệp khúc” không dứt
Một trong những bất cập “phổ biến” mà bao lâu nay tài xế xe buýt phải nỗ lực “chấp nhận” là chuyện muôn thuở: Trùng tuyến. Bằng chứng là có nhiều tuyến đường ở TP.HCM xuất hiện nhiều chiếc xe buýt “cặp kè”. Điển hình như xe buýt tuyến 13 và tuyến 65, với tần suất 10-15 phút/chuyến trên một quãng đường dài khoảng 13km trong tổng số 16,3km với hành trình Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Hoàng Văn Thụ - Xuân Diệu - Xuân Hồng - Trường Chinh - quốc lộ 22. Ông Xuân, tài xế tuyến số 13 thừa nhận: “Tôi không phải là người vô tâm nhưng buộc phải thường xuyên lấn tuyến để tranh giành khách với đối thủ tuyến 65 và ngược lại cũng có khi bị “bạn đường” chơi trò trả đũa, nhưng nếu không như vậy thì cả hai đều không thể tồn tại, thật là khổ tâm”.
Anh Mai Xuân Hiệp, một hành khách trên tuyến xe buýt từ TP.HCM về Hố Nai cho hay anh đã từng chứng kiến vụ việc đau lòng: Một hành khách bị băng nhóm móc túi lôi xuống xe và đánh đập tàn nhẫn vì dám tri hô khi phát hiện hành vi móc túi trên xe buýt của bọn chúng. Nguy cơ mất tài sản và không đảm bảo an toàn tính mạng của hành khách, theo anh Hiệp cũng là chuyện khiến người dân lo sợ. Anh Hiệp cũng cho rằng việc tài xế bỏ khách khi xe quá đông vào những ngày đầu tuần ở cả thành phố và xe buýt liên tỉnh đôi khi cũng khiến cho công nhân viên hoặc học sinh, sinh viên bị trễ giờ học, giờ làm.
Những cung đường lớn thì cần có nhiều tuyến xe buýt lưu thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, cũng có nơi người dân có nhu cầu đi lại bằng phương tiện hành khách công cộng trên thì tuyệt nhiên không có tuyến xe buýt nào. Ví dụ như ở khu vực đường Tân Sơn Nhì (đoạn từ Trường Chinh đến Gò Dầu), đường Nguyễn Cửu Đàm, Bờ Bao Tân Thắng (Q.Tân Phú) dù có mặt đường khá rộng nhưng lại không có tuyến xe buýt nào đi qua. Trong khi những tuyến đường này cũng là nơi có nhiều khu dân cư, dân nhập cư, nhà sách, gần trường ĐH nên nếu nói khu vực này người dân không có nhu cầu lưu thông bằng xe buýt là không đúng.
Theo chủ xe buýt của một hợp tác xã xe buýt tại TP.HCM, khi đã tính đến chuyện kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng muốn chọn những tuyến đường chính và rộng rãi để đón được nhiều khách cũng như nhận được mức tiền trợ giá cao hơn. Tuy nhiên, chủ xe này cũng nói rằng việc tập trung quá nhiều tuyến xe buýt vào một tuyến đường là nguyên nhân làm cho tiền trợ giá bị lãng phí.
Bất bình vì chạy đúng cũng bị phạt
Một bất cập đáng lưu tâm nữa là tình trạng hạ tầng giao thông, việc phân làn, phân luồng giao thông... chưa hợp lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn liên quan đến xe buýt. Ông Vũ Hữu Hùng, tài xế tuyến xe 26 của Sài Gòn Bus nói rằng các tài xế đơn vị ông vẫn tuân thủ quy định lưu thông với tốc độ bình quân 30-40km/giờ, nhưng mật độ lưu thông trên đường vào các giờ cao điểm khiến thời gian quy định lại trở nên quá khắt khe. Chưa kể việc xe buýt vẫn đi đúng phần đường, đúng tốc độ, dừng đỗ đúng nơi quy định nhưng nếu có xảy ra va chạm với xe máy hay người đi đường, thì bất kể đúng hay sai, tài xế xe buýt vẫn phải bồi thường.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, một tài xế tuyến Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây cũng bức xúc với điều phi lý trên. Người tài xế 45 tuổi này kể rằng có lần xe anh lưu thông vào giờ cao điểm với vận tốc 20km/giờ, lúc đó có hai thanh niên đi ngược chiều đã đâm thẳng vào đầu xe buýt khiến anh bị phạt, bị giữ bằng lái và tốn thêm tiền khi bị giam xe. Chưa hết, chi phí điều trị khi hai thanh niên đến bệnh viện thăm khám thì anh cũng phải chịu luôn. Người tài xế có thâm niên 10 năm lái xe buýt bất bình: “Bao lâu  nay, cứ có va chạm hay tai nạn thì xe lớn phải chịu vạ, còn xe gắn máy, xe đạp, hay người đi bộ có lưu thông sai hoặc là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn cũng không bị xử phạt. Tại sao chuyện phi lý đó vẫn cứ tồn tại bấy lâu nay thì tôi không hiểu nổi và không phục. Khi tai nạn xảy ra, ai có lỗi thì chịu tội, đâu thể nào cứ xe lớn thì lại chịu đền oan như thế được. Không phải chỉ có mình tôi, mà tài xế ai cũng mong điều đó cần được chấn chỉnh một cách nghiêm minh. Có như vậy mới đúng là chúng ta sống và thi hành luật pháp”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 2.900 xe buýt chạy trên 150 tuyến và mỗi giờ có hơn 800 xe buýt tỏa ra mọi nẻo đường. Khu vực có nhiều xe buýt tập hợp là Bến xe Miền Đông. Nơi đây có khoảng 20 tuyến xe buýt từ các khu vực trong thành phố đổ về với hơn 2.000 chuyến/ngày. Vì vậy mà các cung đường xung quanh khu vực này như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh thường xuyên bị ùn tắc giao thông.