Thứ ba, 31/8/2010, 17h08

Nơi quá tải, chỗ trống trơn

 

Trong khi ở các trường điểm của thị xã, thành phố, nhiều phụ huynh chen chân để đăng ký chỗ học cho con em mình thì tại các điểm trường thuộc vùng nông thôn, nhiều giáo viên phải đỏ mắt tìm học sinh trong cuộc vận động “Toàn dân đưa trẻ đến trường”.
Tình trạng này nói lên phần nào sự chênh lệch về mức độ thụ hưởng quyền lợi giáo dục giữa nông thôn và thành thị ở ĐBSCL.
Một điểm trường vùng sâu của tỉnh Bạc Liêu trước thềm năm học mới.
Đua nhau vào trường điểm
Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm ở phường 3, thị xã Bạc Liêu là đơn vị được nhiều phụ huynh trong tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm, chọn cho con em vào lớp 1. Dù có nhiều uy tín như vậy, nhưng cho đến nay ngôi trường này vẫn chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia bởi lý do đơn giản là sĩ số học sinh trên 1 lớp học luôn luôn vượt qui định từ 30-40%. Diện tích thì nhỏ trong khi số lượng học sinh theo học quá đông, nhưng chẳng ai quan tâm đến thực tế này nên năm học nào cũng có hàng trăm phụ huynh chen chân đăng ký cho con em vào ngôi trường điểm.
Theo qui định, Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm chỉ được nhận hồ sơ vào lớp 1 đối với những trường hợp có hộ khẩu thường trú tại khóm 3 và khóm 4 thuộc phường 3, nhưng vẫn có rất đông trường hợp ngoài khóm, ngoài phường xin đăng ký. Để giải quyết vấn đề này, UBND thị xã Bạc Liêu có chủ trương cho nhà trường mở thêm các lớp trái tuyến, tiếp nhận lượng học sinh khá lớn. Nhưng năm nay khác hẳn mọi năm, phụ huynh của các lớp trái tuyến phải nộp thêm 3,5 triệu đồng/học sinh. Giải thích về việc này, một cán bộ của UBND thị xã Bạc Liêu cho biết, do nhà trường dạy tin học, ngoại ngữ ngay từ lớp 1 (!?)
Đối với các trường đầu cấp khác như Trần Huỳnh, Võ Thị Sáu, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Có rất nhiều phụ huynh chạy đôn chạy đáo cho con mình theo học, bất chấp những quy định trái tuyến và những khoản đóng góp đầu năm lên đến bạc triệu, thậm chí có trường thu còn cao hơn cả học phí của... trường đại học.
Trong khi đó, ở hệ mầm non, nhiều phụ huynh cho đến thời điểm này vẫn chưa gửi con vào được hệ thống trường công lập vì lý do hết chỉ tiêu. Theo thống kê của UBND thị xã Bạc Liêu, các trường mầm non công lập trên địa bàn chỉ đáp ứng 40% nhu cầu của phụ huynh học sinh.
Đỏ mắt tìm học sinh
Điểm trường khu Làng Cá B thuộc Trường Tiểu học Thuận Hòa 2 (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu) nằm cặp con đê ven biển Bạc Liêu. Điểm trường này có 3 phòng học, với nhiều lớp chia ra làm 2 buổi học. Tuy vẫn gọi là lớp, nhưng chỉ lèo tèo có vài học sinh. Nguyên nhân không phải do ở đây dân số thưa thớt, không đủ trẻ em đến tuổi đi học, mà do hầu hết cha mẹ của các em đều nghèo khó, quanh năm kiếm sống bằng nghề cào nghêu, bắt ốc. Trẻ con tạm quên cái chữ, lặn lội theo cha mẹ ra biển để lo cho cái bụng no trước. Thầy giáo Tăng Sô Đa nhiều năm giảng dạy tại điểm trường này không khỏi ngậm ngùi: “Nhiều lúc lớp học chỉ còn vài em thôi, số còn lại ùa ra biển hết trơn”.
Đã bước vào năm học mới hơn 1 tuần, nhưng thầy Tăng Sô Đa cũng không thể biết sĩ số cố định của các lớp là bao nhiêu em vì các em luôn “vơi đầy theo con nước lớn ròng”. Lúc nào giờ học ngay con nước lớn thì lớp đông đủ, còn ngay con nước ròng thì sĩ số khó đảm bảo. Nhiều khi thầy cho học sinh giải bài tập, rồi lấy xe chạy đến từng nhà để rước thêm học sinh. Để giữ chân học sinh ở lớp, một mặt thầy vận động các nơi lo tập vở, quần áo cho học sinh, một mặt vận động cha mẹ chúng cho chúng đến trường. Nếu bỏ qua 2 công việc này thì thầy sẽ chẳng có học sinh để mà đứng lớp, nguy cơ mù chữ tại làng ven biển này lại càng hiển hiện.
Tại điểm trường C thuộc Trường Tiểu học Đông Hải (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình), nhiều thầy, cô vừa làm giáo viên, vừa làm “bảo mẫu” cho học sinh của mình, bởi các em đến lớp học chữ, nhưng phải thực hiện thêm nhiệm vụ... giữ em cho cha mẹ chúng mưu sinh. Nếu không làm thế thì các em nghỉ học và chỉ cần vài em nghỉ học thôi là sĩ số 8-9 học sinh/lớp sẽ chẳng thể duy trì.
Hệ lụy “chạy” trường
Do mất cân đối giữa cung và cầu, những quy định trái tuyến vô tình tạo nên làn sóng “chạy” trường trong phụ huynh học sinh. Và ai dám chắc rằng trong cuộc chạy đua này không xảy ra tiêu cực trong giáo dục ngay từ lớp 1? Bao giờ còn những quy định bất hợp lý, thậm chí vi phạm Luật Giáo dục (như học trái tuyến tại trường công lập vẫn phải nộp 3,5 triệu đồng/học sinh) thì chắc còn lâu lắm các trường điểm mới đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn sâu, nhiều bậc phụ huynh nghèo, không có nghề nghiệp ổn định cũng đua nhau “chạy” trường, nhưng theo nghĩa không dám cho con em đi học. “Cho nó học, ở nhà ai giữ em, ai trông coi nhà cửa cho tui đi làm” - bà Thạch Thị Bông ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu thật thà giải thích. Bởi vậy, sắp đến Ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, nhưng ở nhiều vùng quê nghèo, các giáo viên đứng lớp vẫn lo lắng vì còn thiếu học sinh. Thực sự cha mẹ chúng không mấy mặn mà với việc học hành của con cái!
Và cũng trong nghĩa “chạy” trường, tại tỉnh Cà Mau, có nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa sau khi công tác đủ 3 năm đã đồng loạt gửi đơn xin chuyển công tác về địa điểm mới thuận lợi hơn. Đơn cử như huyện Ngọc Hiển, năm nay có tới hơn 100 giáo viên xin chuyển công tác, Phòng GDĐT huyện đang lúng túng chưa biết giải quyết cách nào.
Đã chính thức bước vào năm học mới, nhưng xem ra những bộn bề của ngành GDĐT vẫn còn nguyên đó!
Nhật Hồ / Lao Động