Thứ hai, 30/3/2009, 16h03

NSƯT Mỹ Châu: Hai người thân yêu nhất trong cuộc đời

Mỹ Châu và mẹ thời còn trẻ

NSƯT Mỹ Châu cùng chồng (NS Đức Minh) sang Mỹ định cư năm 2003 để lại sự luyến tiếc của biết bao khán giả hâm mộ. Gặp chị tại nhà riêng trong chuyến về thăm quê mới đây nhất, chị cho biết sẽ tái ngộ khán giả trong chương trình Sức sống mớiQuán âm nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 4-2009. Trong hai chương trình này, chị sẽ kể về hai người thân yêu nhất trong cuộc đời chị.
Làm nghệ sĩ là do má chọn
NSƯT Mỹ Châu kể: “Quê tôi ở Thủ Thừa – Long An, cha tôi mất sớm, một mình má tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi bốn anh em chúng tôi. Chính vì thế mà tôi thương má lắm, không bao giờ cãi lời cũng như làm bất cứ điều gì mà má không hài lòng. Má mê cải lương vô cùng, đang gánh hàng đi bán nghe có cải lương về hát là nghỉ bán chạy đi xem ngay. Năm tôi 11 tuổi, học lớp 5 thì một hôm má vào lớp nói với cô giáo: “Thưa cô, cho con Châu nghỉ học để theo đoàn hát”. Cô giáo và tôi đều ngỡ ngàng, dù rất buồn vì phải xa thầy cô, bạn bè, từ giã ước mơ làm bác sĩ nhưng tôi cũng nghe theo lời má. Đó là năm 1961, hai má con xách giỏ theo gánh Tiếng Chuông của bầu Ba Can. Bây giờ nghĩ lại, tôi rất biết ơn má đã chọn cho tôi một lối đi riêng, nếu không có cái ngày số phận đó, tôi hẳn đã có một cuộc sống khác. Thời gian đầu, hai má con gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực không tài nào kể xiết. Tôi còn nhớ năm 13 tuổi, hát ở Rạp Hưng Đạo, bụng đói cồn cào, thấy có một người bán mì gõ đi ngang, má chỉ dám kêu một tô cho tôi ăn, nhưng tôi nhất định đòi hai má con phải chia mỗi người một nửa. 15 tuổi, tôi nổi danh, có sự nghiệp, có tất cả nhưng má vẫn vậy, không dám xài phung phí một đồng nào, những món ăn nào ăn không hết, má không bỏ đi mà cho vào tủ lạnh ngày mai ăn tiếp; may cho má bộ đồ mới, má không chịu mặc mà còn rầy tôi… Chưa bao giờ tôi phải ra ngoài ăn sáng, bữa ăn gia đình đều do chính tay má nấu, má làm, má nói như vậy mới đảm bảo sạch sẽ và đủ chất dinh dưỡng… Tất cả những suất diễn của tôi đều có má đi theo, má tự tay làm đầu, kết trâm cài, thay phục trang cho tôi. Ngày ấy, má buộc tôi phải nuôi tóc dài chấm gối, không cho uốn, để suông một cách tự nhiên, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện cắt đi mái tóc dài ấy vì như thế má sẽ buồn lắm. Tôi nhớ như in ngày cuối cùng má mất (năm 1990), đêm ấy tôi đi quay vở Giai nhân và loạn tướng, má đi theo và bảo rất hài lòng về vở này. Sáng hôm sau má còn thức dậy tập thể dục làm đồ ăn sáng xong thì đột nhiên ngã quỵ, căn bệnh tim tái phát và má đã vĩnh viễn ra đi. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình lúc đó, như người mất hồn, không còn thiết điều gì nữa… Phải mất nhiều năm tôi mới lấy lại được tinh thần, thăng bằng trong cuộc sống…”.
Duyên tiền định
Nhìn hạnh phúc tràn ngập của Mỹ Châu – Đức Minh hiện tại, không ai có thể ngờ rằng, đã từng có lúc, Mỹ Châu “ghét cay ghét đắng” Đức Minh, ghét đến nỗi dù hát chung trên một sân khấu (Sài Gòn 2 và Văn Công thành phố), có khi chị cũng không nói chuyện với anh. Trong cuộc sống đời thường, Mỹ Châu rất hiền lành, giản dị, nhưng trong nghệ thuật, chị nghiêm túc đến độ khó tính. Còn Đức Minh – một kép chánh ca hay, diễn giỏi, hiền lành nhưng chỉ mỗi “tội” là say mê bóng đá đến cuồng nhiệt (anh từng giữ chức đội trưởng đội bóng đá nghệ sĩ TP). Cũng vì quá mê bóng đá mà anh thường xuyên đến tập tuồng trễ, lên sân khấu diễn không thuộc tuồng và không hiếm lần… bỏ cả hát vì bóng đá. Một lần, đoàn Văn Công thành phố diễn phục vụ ở Dầu Tiếng vở Muôn dặm vì chồng. Thật trùng hợp, chiều hôm ấy, Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp một trận đấu rất gay cấn, hấp dẫn. Xem xong, Đức Minh lái xe đến điểm diễn thì đã trễ mất nửa tiếng đồng hồ khiến cả đoàn và khán giả phải chờ. Mỹ Châu tức giận vô cùng, ra sân khấu diễn mà không thèm nhìn thẳng mặt Đức Minh, cho dù khán giả vẫn nhìn thấy đôi đào kép chánh này ca diễn rất ăn ý, tình sâu nghĩa nặng đầy cảm động trong vai tuồng… Sau lần đó, Đức Minh đã năn nỉ Mỹ Châu hết lời và hứa “chắc nịch” sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Người đời thường có câu “Ghét của nào trời trao của nấy” quả thật đúng. Dần dần, cả hai đã thông cảm và hiểu nhau hơn. Tình yêu của họ kéo dài suốt thời gian về cộng tác với Đoàn Sài Gòn 1, Hương Mùa Thu, Sài Gòn 3, Tiếng chuông vàng Minh Phụng… và đến năm 1990, họ đã kết hôn với nhau. Mỹ Châu dù không thích bóng đá nhưng mỗi lần ông xã đi thi đấu, chị cũng đều soạn quần áo cho anh cũng như theo ủng hộ cho đội nhà. Đi diễn ở nước ngoài, chị đều tranh thủ shopping tự tay lựa chọn những bộ quần áo thể thao về làm quà cho anh. Trong cuộc sống vợ chồng, Đức Minh yêu thương và cưng chiều Mỹ Châu hết mực. Chị rất mê ăn kem, có khi đi diễn về khuya mà chị thèm kem hay bất cứ món nào là anh đều lấy xe chở chị đi ngay. Nói về lý do chia tay với sân khấu, chị bảo: “Ngày trước tập một vở cải lương rất cực nhọc, nhiều vở “sống” đến ba năm trời, cũng trang phục ấy, mỗi năm tôi đều phải may lại vì diễn quá nhiều nên nó mau bị cũ. Còn bây giờ, diễn viên tập tuồng đến trễ 2 - 3 tiếng đồng hồ do bận chạy show, tuổi thọ của một vở diễn rất ngắn. Mỗi thời mỗi khác, nếu không thấy phù hợp thì mình tự rút lui…”.
Mái ấm dù thiếu tiếng cười của trẻ thơ nhưng anh chị không lấy đó làm buồn, bởi bên anh chị đã có những đứa cháu (con chị Tư của Mỹ Châu) rất ngoan ngoãn, hiếu thảo mà chị đã nuôi và chăm sóc từ nhỏ, xem như con ruột.
 HIỆP THANH