Thứ bảy, 3/12/2016, 19h13

NSƯT Quang Lý: Tấm gương cho lớp nghệ sĩ kế thừa

NSƯT Quỳnh Liên tiếc nuối: “Trong cuộc sống anh là người mẫu mực, không rượu bia, thuốc lá, chỉ nói những lời hay điều tốt. Tuy không phải là NSND nhưng anh Quang Lý đã trở thành nghệ sĩ (NS) của nhân dân và được nhân dân yêu thích”.

NSƯT Quang Lý và bà xã anh lúc sinh thời. Ảnh : T.L

1.Sở hữu một chất giọng đẹp và phong cách biểu diễn lịch lãm, NSƯT Quang Lý (tên thật là Phan Hữu Lý) là một trong số ít ca sĩ được nhiều người yêu thích khi thể hiện những bản tình ca nổi tiếng giai đoạn sau năm 1975. Vì thế khi nghe tin anh qua đời nhiều người thật sự bàng hoàng và không tin đó là sự thật bởi vì tuổi đời anh còn trẻ và trước đó lại ít bệnh tật hơn so với người khác. Đặc biệt những ca sĩ cùng thời đã từng làm việc và đứng chung sân khấu với anh lại càng đau xót và thương tiếc hơn. Sau khi biết tin anh ra đi, NSƯT Quỳnh Liên - Ủy viên BCH Hội Âm nhạc TP.HCM - là một trong những người đầu tiên đến tận nhà và có mặt sớm nhất trong buổi tang lễ trước linh cữu của người NS mới 68 tuổi đời. Đôi mắt đỏ hoe vì nước mắt tuôn trào, NSƯT Quỳnh Liên nghẹn ngào: “NSƯT Quang Lý ra đi là một mất mát lớn với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp để lại nỗi đau lớn cho mọi người. Ai cũng bất ngờ và thật sự bàng hoàng trước tin anh ra đi”. Theo lời kể của NSƯT Quỳnh Liên, NSƯT Quang Lý không chỉ là một đồng nghiệp uy tín mà còn là một người anh thân thiết. Từng hát chung với một số nam ca sĩ khác nhưng NSƯT Quỳnh Liên cảm thấy hát chung với NSƯT Quang Lý rất ăn ý với nhau: “Ngoài đời anh là người đồng nghiệp tâm giao còn lên sân khấu thì chúng tôi đều hiểu ý nhau. Hầu như không có sự bất đồng nào trong việc xử lý cảm xúc của từng bài hát”.

2.Theo lời kể của giọng ca Cô gái vót chông, NSƯT Quỳnh Liên biết NSƯT Quang Lý lần đầu tiên tại hội diễn thi hát đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc vào năm 1982. Sau lần gặp đó cả 2 ca sĩ kết hợp với nhau để thể hiện nhiều ca khúc dưới hình thức song ca nam nữ và hầu hết đều rất thành công. Cho đến nay nhiều khán giả vẫn nhớ mãi giọng ca ngọt ngào, sâu lắng và trữ tình của họ qua các tác phẩm âm nhạc để đời như Tình ca mùa xuân (Trần Hoàn), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh), Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến - Dương Soái), Rặng trâm bầu (Thái Cơ), Chiều trên bến cảng (Nguyễn Đức Toàn).  Đặc biệt - theo lời kể của Quỳnh Liên “Con chim sơn ca đất Cảng” bài hát Giữ cho em mùa hoa đào (Bảo Chung) được NSƯT Quang Lý yêu thích nhất vì thế sau này khi giao lưu với mọi người lẫn trong gặp gỡ hay tiệc cưới anh đều chọn bài này để hát. Trong các chương trình nghệ thuật ủng hộ đồng bào miền Trung gặp hoạn nạn lũ lụt, NSƯT Quang Lý và NSƯT Quỳnh Liên thường song ca với nhau bài Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân) cũng đem lại nhiều xúc động cho người nghe. Đó cũng là duyên nợ để cho đôi giọng ca thành phố hoa phượng đỏ ra album gồm 10 ca khúc nhạc trữ tình cách mạng mang tên Chân dung thời gian. Sau khi nghe các tác phẩm âm nhạc do 2 người thể hiện, một nhạc sĩ nổi tiếng đánh giá đây là cặp song ca hoàn hảo nhất về các ca khúc trữ tình cách mạng nếu thiếu họ thì “dàn đồng ca” nhạc trữ tình cách mạng e không hoàn chỉnh. Để có được thành công đó, anh có cách xử lý bài hát đúng mực và sáng tạo. Dù ở đâu lúc nào họ vẫn hát chung với nhau được lúc nào cũng biết chia sẻ với nhau.

Ca sĩ Ánh Tuyết đánh giá: “NSƯT Quang Lý mất đi đâu chỉ là mất một giọng ca hay mà còn mất một tấm gương cho lớp NS kế thừa”.

Cũng như đánh giá của các đồng nghiệp trong giới ca sĩ, NSƯT Quang Lý là người trầm lặng, ít nói, chuyện trò nhỏ nhẹ, sống hiền hậu. Vừa có tài lại có tâm nên mọi người yêu quý. NSƯT Quỳnh Liên tiếc nuối: “Trong cuộc sống anh là người mẫu mực, không rượu bia, thuốc lá, chỉ nói những lời hay điều tốt. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là sau đêm nhạc Lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, cả hai cùng ngồi uống cà phê và đọc tin nhắn của những người mến mộ giọng ca Quang Lý, chị nhớ nhất là tin nhắn của một khán giả đánh giá: “Tuy không phải là NSND nhưng Quang Lý đã trở thành NS của nhân dân và được nhân dân yêu thích”.

3. “NSƯT Quang Lý là một trong số ít giọng ca hiện nay gắn bó trung thành với dòng nhạc cách mạng, dù khó khăn thiệt thòi nhưng vẫn không bao giờ rời bỏ. Tất cả đã gắn vào cuộc đời vào máu thịt nên không gì có thể đánh đổi được. Đây là điều đáng quý của NSƯT Quang Lý. Anh còn là thế hệ đi trước truyền lửa cho thế hệ học trò và đàn em đi sau trong cương vị giảng viên tại Nhạc viện TP.HCM” - NSƯT Quỳnh Liên đánh giá. Sau khi thắp nhang viếng NSƯT Quang Lý, NSƯT Ngọc Mai - Ban ca nhạc của Đài Tiếng nói TP.HCM cũng không giấu được nỗi buồn qua những giọt nước mắt trên khuôn mặt. Tuy sau 1975 ít quan hệ với nhau nhưng trước năm 1975, NSƯT Ngọc Mai và NSƯT Quang Lý lại chung cơ quan ở đoàn ca múa nhạc Tổng hợp thuộc Đài Phát thanh Giải phóng. Một ca sĩ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào chiến trường, một ca sĩ quê gốc Nam bộ lại chung một chiến hào phục vụ công tác văn hóa tuyên truyền trong cứ: “Hồi đó đoàn ca múa nhạc Tổng hợp của Đài Phát thanh Giải phóng có rất nhiều ca sĩ miền Bắc chất giọng tốt như NSND Thanh Hoa, NSƯT Tô Lan Phương, NSƯT Ngọc Tân, NSƯT Quang Lý. Lúc đó là ca sĩ mới vào nghề, anh Lý được các NS đàn anh yêu quý vì sống chân thật, đối xử tốt với mọi người. Trong công việc, Quang Lý chịu khó học hỏi sống khiêm nhường. Mặc dù chúng tôi không hát chung vì một bên là tân nhạc còn một bên là cổ nhạc nhưng tôi và anh Lý hay đánh cầu lông với nhau. Có lúc anh còn nói vui với tôi: Ngọc Mai dạy tôi hát ca cổ tôi sẽ dạy Mai hát tân nhạc”. Đó là những kỷ niệm mà đến bây giờ tôi vẫn chưa quên. Nghe tin NSƯT Quang Lý mất, giới NS và công chúng thật sự bàng hoàng và đau xót”.

Ngọc Quang