Thứ tư, 3/2/2016, 14h09

Nữ hiệu trưởng duy nhất của trường kỹ thuật

Đã bước qua tuổi 60 - cái tuổi mà phần lớn mọi người đều chọn giải pháp nghỉ ngơi, nhưng người phụ nữ ấy vẫn miệt mài với công việc. Một công việc không hề nhẹ nhàng chút nào - giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hướng dẫn nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Người phụ nữ ấy là NGND.GS.TS Phan Thị Tươi…
Ở cái tuổi 63, NGND.GS.TS Phan Thị Tươi ngày ngày vẫn miệt mài với công việc của một nhà khoa học
Tới thời điểm này, số phụ nữ làm hiệu trưởng trường ĐH ở nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và hiệu trưởng trường ĐH kỹ thuật thì lại càng hiếm, chỉ có duy nhất NGND.GS.TS Phan Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (từ năm 1998 đến năm 2007).
Ra đi mang về
Cái duyên kỳ ngộ của cô Tươi với ngành kỹ thuật cũng lạ lắm. Ở thời của cô (những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước), việc học ngành nghề nào không do người học quyết định mà do… Nhà nước chỉ định. “Năm 1969, sau khi trúng tuyển ĐH, tôi được gọi vào danh sách đi du học ở Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc. Và được Bộ GD-ĐT (lúc bấy giờ là Bộ ĐH và Trung học chuyên nghiệp) phân công học ở Trường ĐH Kỹ thuật Tiệp Khắc, Khoa Kỹ thuật điện tử”, cô Tươi kể.
Không như thế hệ trẻ bây giờ, có điều kiện ra nước ngoài du học (dù học bằng ngân sách Nhà nước) là tìm đủ mọi cách với cả ngàn lý do để ở lại, thế hệ của cô Tươi - ai cũng hướng về quê hương. Sau khi học xong, mọi người đều trở về xây dựng đất nước. Cô Tươi cũng không ngoại lệ…
Cuối năm 1976, cô Tươi về nước và được Bộ GD-ĐT phân công làm giảng viên tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ngày ấy miền Nam mới giải phóng, đất nước vừa thống nhất nên khó khăn chồng chất khó khăn. Lương thì ít, hầu như không đủ sống, trang thiết bị dạy học đụng đâu thiếu đó. Ấy vậy nhưng tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường đều đồng cam cộng khổ quyết bám lớp, bám trường.
“Riêng ngành điện tử, cả trường chỉ có một cái máy tính cũ kỹ. Thầy và trò thường xuyên phải tới Công ty IBM thuê máy làm việc… Mãi tới năm học 1987-1988, trường mới bắt đầu có được cái máy tính để bàn mới”, cô Tươi kể tiếp.
Sau hơn 20 năm, kể từ ngày đầu tiên đặt chân lên bục giảng của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cô Tươi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng nhà trường. 
Là hiệu trưởng của một trường ĐH, dù là giảng viên hay sinh viên thì nam vẫn nhiều hơn nữ nên đây thực sự là một thử thách lớn đối với cô. “Ngay cả với nam giới mà làm ở vị trí này (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - PV) cũng rất cực. Trong khi phụ nữ còn phải làm việc nhà nữa nên cực gấp bội. Suốt thời gian làm Hiệu trưởng, tôi không có một ngày nghỉ nào cả”, cô Tươi nói.
“Người quản lý giỏi không phải là người ôm hết việc để làm mà là người biết giao việc cho cấp dưới. Và khi giao việc thì phải giao luôn cả quyền, để các cộng sự chủ động. Đặc biệt phải tôn trọng cấp dưới, nếu cấp dưới đúng, tôi có thể hủy quyết định và làm lại. Mình không đúng thì sửa sai, có vậy anh em mới tin, mọi người mới đoàn kết…”, cô Tươi chia sẻ.
Nhờ có niềm tin vào cấp dưới và tạo điều kiện cho lớp trẻ phát triển mà cô Tươi cùng Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ - viên chức đã ghi nhiều dấu ấn trong sự lớn mạnh của Trường ĐH Bách khoa TP. Chất lượng giảng dạy của trường được xã hội đánh giá rất cao, đồng thời được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới…
Nặng nợ với nghiên cứu khoa học
Hiện nay phần lớn các giảng viên ĐH chỉ lo “chạy show”, sáng giảng bài ở trường này, chiều lại thấy lên lớp ở trường khác, tối thì ở các trung tâm. Với họ, nghiên cứu khoa học là một thứ gì đó rất xa xỉ. Nhưng cô Tươi thì có suy nghĩ khác. Cô quan niệm: “Giảng viên ĐH muốn dạy tốt thì phải nghiên cứu khoa học. Nản chí là sẽ thụt lùi”…
Theo đó, tới thời điểm này, cô là tác giả và đồng tác giả của 64 bài báo khoa học, trong đó có nhiều bài được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế. Đồng thời cô còn là chủ nhiệm của 10 đề tài khoa học cấp bộ và đề tài nhánh cấp Nhà nước. Không những vậy, cô đã hướng dẫn thành công cho 38 thạc sĩ, 4 tiến sĩ và hiện đang hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh…
Cô Tươi cho biết, từ khi còn là giảng viên, đến khi làm Phó khoa, Trưởng khoa rồi Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng và bây giờ (từ năm 2007 đến nay) là giảng viên cao cấp, cô chưa bao giờ ngừng đam mê nghiên cứu khoa học. “Khi làm Hiệu trưởng, tôi vừa làm quản lý vừa tham gia vào công tác giảng dạy, bên cạnh đó là nhiệm vụ của người phụ nữ trong gia đình. Vì vậy, ngày nào cũng vậy, từ sáng tới chiều tối tôi ở trường để làm công tác quản lý và giảng dạy. Buổi tối về nhà làm nhiệm vụ của người phụ nữ trong gia đình. Sau khi công việc đã xong, tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học, có nhiều hôm thức đến 1, 2 giờ sáng. Thứ bảy, chủ nhật cũng vậy, tôi dành phần lớn thời gian nghỉ ở nhà để làm chuyên môn”, cô Tươi nhớ lại.
Và những đề tài như “Bắt lỗi chính tả tiếng Việt bằng máy tính”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên bằng máy tính và ứng dụng dịch xuôi ngược Anh - Việt”, “Xử lý khoảng trống từ vựng cho các bản dịch Anh - Việt”… lần lượt ra đời. Bên cạnh đó, cô còn biên soạn nhiều tài liệu giảng dạy ĐH và cao học. Đồng thời có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới giáo dục của nước nhà… Với những cống hiến đó, năm 2010, cô Tươi đã được trao giải thưởng Kovalevskaia.
Và hơn thế, cô Tươi và các thầy cô giáo Trường ĐH Bách khoa còn truyền đam mê nghiên cứu khoa học tới các em sinh viên. Nhờ vậy mà sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc gia và các cuộc thi quốc tế. Đặc biệt, đã ba lần vô địch Robocon châu Á Thái Bình Dương (năm 2002, 2004 và 2006).
Trong giảng dạy, cô Tươi luôn khuyến khích, hỗ trợ nhiều sinh viên vượt khó học giỏi, làm nghiên cứu khoa học. Và đã có một số em sau khi tốt nghiệp ĐH được nhận học bổng nghiên cứu sinh ở nước ngoài.
Kim Anh