Thứ năm, 31/8/2017, 17h05

Nữ lương y của bệnh nhân nghèo

Nhiều năm qua, PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai -  Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) - đã dành trọn tâm huyết cho công trình khoa học mang tính đột phá mang tên “Hội chứng kém dung nạp lactose ở người bệnh nặng”. Công trình của chị đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội, đồng thời mang đến cho bệnh nhân nghèo đỡ “đau đớn”, bớt tốn kém…

PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai

Chính vì thế nên khi được hỏi lý do bắt nguồn cho việc nghiên cứu thực hiện công trình này, chị bảo do công việc chuyên môn của người bác sĩ dinh dưỡng luôn đau đáu cần một sản phẩm tốt nhưng giá thành thấp để nuôi ăn người bệnh (NB) qua ống thông, đặc biệt ở các bệnh viện (BV) lớn. Bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh, nuôi dưỡng NB nặng bằng sản phẩm giá trị sinh học cao giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong, giúp rút ngắn thời gian nằm viện. Còn tại BV Nhân dân Gia Định nơi chị công tác luôn có 17% NB cần được nuôi bằng ống thông và không có dưới 10% NB tại các BV lớn như Ung bướu TP.HCM, Chợ Rẫy, Nhân dân 115… cần nuôi ăn qua ống thông. Tuy nhiên, số BV có khoa dinh dưỡng sản xuất được thực phẩm nuôi ăn qua ống thông còn ít và người nghèo luôn phải tự làm cháo xay tại nhà để nuôi bệnh, riêng người nghèo ngoại tỉnh phải thuê mướn dụng cụ để làm cháo xay nuôi thân nhân cho rẻ tiền. Nhìn cảnh ấy, chị rất đau lòng!

“Đã có các sản phẩm sữa cao năng lượng phổ biến trên thị trường như sữa mang nhãn hiệu Isocal, Ensure, Glucerna, Dielac sure, Enplus… nhưng các sản phẩm này chỉ phù hợp cho việc bổ sung dinh dưỡng cho NB nhẹ hoặc không bệnh, không phù hợp cho việc nuôi dưỡng NB nặng do hàm lượng đạm cũng như một số vi chất như sinh tố, khoáng không đáp ứng đủ nhu cầu. Mặt khác, giá thành của các sản phẩm sữa trên rất cao, NB nghèo khó có thể mua để sử dụng… Vì vậy, tôi mong làm gì đó cho NB nghèo đỡ đau đớn, bớt tốn kém”, vị nữ lương y tâm tình!

TS.BS Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc BV Nhân dân Gia Định - khi nhắc đến PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai đã phải khẳng định: “Nhà khoa học nữ này chính là “vốn quý” của BV. Bởi ngoài giúp ích cho NB nghèo, công trình của chị còn là sản phẩm có đậm độ đạm cao đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam để nuôi ăn NB nặng. Cụ thể đây là sữa có giá trị sinh học cao. Có thể tích, đậm độ đạm, năng lượng phù hợp nuôi dưỡng NB với giá thành thấp, sản phẩm có thể nuôi ăn bổ sung cho NB ăn uống kém, hay người già ăn kém… Sữa đã được nghiên cứu thử nghiệm công phu trên chuột, sau đấy đến NB nặng kém dung nạp lactose. Chúng tôi hy vọng sữa được đưa vào sản xuất công nghiệp ở dạng chai hay hộp giấy thuận tiện cho NB được nuôi ăn qua ống thông hay uống mà không cần pha chế”.

Kể về công việc thường ngày, chị Mai cho biết từng chứng kiến rất nhiều NB nặng, nuôi dưỡng không đủ, sức khỏe suy kiệt, thời gian điều trị kéo dài có khi đến 1-3 tháng. Nhưng, NB khổ một thì người nuôi bệnh, thân nhân khổ mười. Trong một lần tham gia hội chẩn cho một cụ bà 90 tuổi bị tai biến, suy dinh dưỡng, biết hoàn cảnh bà cụ rất khó khăn, người nhà không đủ tiền để mua sữa độ đạm cao cũng như albumin (loại 100ml/chai) với chi phí từ 5-7 triệu đồng/ngày, chị Mai đã rơi nước mắt nên từ đó, chị càng quyết tâm tạo ra được một sản phẩm sữa có giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt. Thế là chị dốc tiền túi ra mua sữa bột nguyên kem (có thương hiệu) rồi pha chế thêm với sữa đậu nành và trực khuẩn có lợi cho đường ruột…, sau đó cho cụ bà dùng thử để giải quyết tình huống khẩn cấp. Sau hai tuần, cụ bà này nhờ dung nạp dinh dưỡng tốt nên khỏe hẳn, không còn suy dinh dưỡng, hết phù, giảm bệnh chính là tai biến và được xuất viện. Thành công này thôi thúc chị và đồng sự tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm hàng trăm lần, rồi trình lên ngành chức năng để đến năm 2013, công trình đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí 1 tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất.

PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai và các cộng sự tại Bệnh viên Nhân dân Gia Định

Vốn là bác sĩ chuyên khoa nhi nhưng với tấm lòng dành cho NB nghèo và sự đam mê nghiên cứu dinh dưỡng nên từ đơn vị công tác đầu tiên là BV Nhi đồng Đồng Nai, năm 2006, chị chuyển công tác về Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM để vun bồi mong muốn nghiên cứu dinh dưỡng của mình. Thấy chị yêu nghề, thương người lại có ý chí, lãnh đạo đơn vị đã cử chị sang Nhật Bản du học và nghiên cứu sâu lĩnh vực khoa học thực phẩm. Và khi về công tác tại Khoa Dinh dưỡng của BV Nhân dân Gia Định, được lãnh đạo BV tin tưởng và các đồng nghiệp cổ vũ động viên, chị Mai đã làm được sản phẩm “made in Việt Nam” phù hợp cho NB nghèo mà vẫn không thua so với hàng ngoại nhập.

Chị phân tích: “Hầu hết các sản phẩm nuôi ăn qua ống đều có nguồn gốc đạm từ sữa (casein hay whey protein). Tuy nhiên giá thành của các sản phẩm này thường rất cao, gấp 3-4 lần sữa bột nguyên kem, và người nghèo khó có thể được nuôi dưỡng đủ nhu cầu bằng các sản phẩm này. Còn sữa bột nguyên kem bổ sung vào sữa đậu nành thì NB chỉ với 40.000-50.000 đồng/ngày, thì có thể nuôi dưỡng đủ bằng sản phẩm có giá trị sinh học tương đối cao. Cụ thể, tại BV Nhân dân Gia Định, khi nuôi thử nghiệm 226 NB, nếu nuôi bằng sữa Ensure và thời gian nuôi là 7 ngày thì số tiền cần khoảng 605 triệu đồng. Nhưng nếu nuôi bằng sản phẩm do tôi chế tạo thì chỉ cần 130 triệu đồng. Như vậy đã tiết kiệm cho BV và NB gần nửa tỷ đồng”.

TS.BS Nguyễn Anh Dũng nói: Sau khi đã nuôi dưỡng thành công 226 NB đưa vào nghiên cứu từ năm 2013-2016, tại BV Nhân dân Gia Định đã áp dụng nuôi dưỡng NB cần nuôi ăn bằng ống thông từ tháng 1-2016 cho đến nay. Kết quả là NB dung nạp tốt, có hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng, tình trạng lipid máu, tình trạng tiêu chảy cải thiện hơn NB được nuôi bằng sữa cao năng lượng. Cụ thể ở BV Nhân dân Gia Định mỗi ngày có 100 NB nội trú và 100 NB ngoại trú được nuôi hoàn toàn qua ống thông mũi dạ dày cho kết quả rất khả quan.

Với NB nghèo hay với chúng ta, thông qua hình ảnh và việc làm thực tế của PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai, càng minh chứng cho việc học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của người lương y trong kinh tế thị trường vẫn chưa hề bị chao đảo. Bóng dáng chiếc áo blouse trắng hơn lúc nào hết, vẫn hiển hiện lung linh, dịu dàng, làm cho cuộc sống này thêm tốt đẹp hơn.

Dương Minh Anh