Thứ ba, 13/12/2016, 21h04

Nữ sinh lớp 7 sáng kiến chống kẹt xe

Hằng ngày luôn chứng kiến cảnh kẹt xe trước cổng trường mỗi khi tan học, một nữ sinh lớp 7 Trường THCS Tây Sơn (Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đã nảy ra ý tưởng “Mô hình xe buýt đưa đón học sinh trên địa bàn Đà Nẵng”. Sáng kiến trên hứa hẹn mang lại nhiều thuận tiện cho phụ huynh, học sinh và nhất là việc bảo vệ môi trường sống.

Từ những hình ảnh kẹt xe trước cổng trường, cô nữ sinh lớp 7 đã thực hiện mô hình xe buýt dành cho học sinh

Mỗi ngày, cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Đinh Thị Hương Giang - tác giả ý tưởng - phải nhờ đến sự đưa đón của mẹ khi đến trường. Những khi tan trường đợi mẹ đón, Hương Giang chứng kiến cảnh học sinh và phụ huynh chen chúc trước cổng trường dẫn đến kẹt xe, môi trường ô nhiễm vì khói bụi, nhiều lúc em ước ao “giá như nhà mình ở gần trường hoặc giả có một phương tiện giao thông nào đó có thể đưa đón được nhiều học sinh để giảm thiểu ô nhiễm, vừa không phải chờ đợi lâu”. Xe buýt đưa đón học sinh là phương tiện đáp ứng được điều đó! Hương Giang bật ra ý tưởng. Thời điểm đó là tháng 4-2016. “Sau nhiều trăn trở để tìm ra ý tưởng hoàn thiện, đến tháng 8-2016, em trình bày ý tưởng với cô Hồ Thị Dung (giáo viên chủ nhiệm lớp) và được cô tận tình chỉ dẫn thêm. Hai tháng sau thì đề tài hoàn thành”, Hương Giang kể.

Nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt xe trước cổng trường, theo Hương Giang, do tâm lí muốn con được an toàn nên hầu hết phụ huynh đều đưa đón con đi học, vì thế lưu lượng xe lưu thông rất lớn. Phần khác, nhiều phụ huynh đưa con đi học rồi mới đến cơ quan, do sợ trễ giờ làm việc nên họ tranh nhau chạy... Còn buổi chiều, học sinh phải đợi ba mẹ tan sở đến đón. Đương nhiên họ không đủ kinh tế để thuê người đưa đón con mình, mà lại không an tâm.

Mô hình xe buýt đưa đón học sinh của Hương Giang trước mắt dành cho bậc tiểu học, THCS và THPT, ưu tiên ở các quận trung tâm thành phố. Theo Hương Giang, thay vì đưa con đến trường bằng xe máy vừa mất thời gian, vừa tốn xăng xe lại gây ô nhiễm môi trường, với phụ huynh có con em học tiểu học, họ chỉ cần đưa con đến trạm xe buýt gần nhà nhất, còn học sinh cấp cao hơn có thể tự đi đến trường.

Vượt qua nhiều ý tưởng có tính ứng dụng thực tế trong cuộc thi Sáng kiến ý tưởng ứng dụng vì môi trường vừa được Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức, đề tài “Mô hình xe buýt đưa đón học sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” của Đinh Thị Hương Giang đã thuyết phục Ban giám khảo và xuất sắc “ẵm” giải nhất. 

Nghĩ ra ý tưởng đã khó, việc triển khai ý tưởng đối với một học sinh lớp 7 càng khó hơn. “Đầu tiên em hoàn thành ý tưởng, sau đó em phải nhờ đến sự hỗ trợ của cô Dung hướng dẫn để đi khảo sát vị trí các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Địa bàn Đà Nẵng rộng nên em ưu tiên khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê trước. Tuy nhiên, khó nhất là việc xây dựng các tuyến xe buýt dành riêng cho học sinh vì em chưa thực sự có cái nhìn tổng quan để làm điều đó nên nhờ cô Dung hướng dẫn kỹ mới làm được. Tan giờ học, cô - trò lại chở nhau lòng vòng qua các tuyến phố, quan sát và ghi chép tình hình giao thông, các điểm đến, điểm dừng sao cho hợp lý”, Hương Giang cho biết. Phần việc trên chiếm nhiều thời gian và khá vất vả đối với Hương Giang, trong khi chương trình học dày kín trong tuần khiến em rất áp lực. Sau nhiều tính toán, em đã khảo sát các trục đường lớn và thiết kế một tuyến cố định cho mỗi đường. “Tuyến phải đảm bảo đi qua hoặc gần các trường học trên địa bàn. Mỗi tuyến dài khoảng 10km, chạy với tốc độ 30-40km/giờ, thời gian chạy hết tuyến là 15-20 phút. Các chuyến xe cách nhau 10 phút, khoảng 5 chuyến cho mỗi khung giờ tan học”, Hương Giang nói.

Nhận xét về Hương Giang, cô Hồ Thị Dung cho biết: “Hương Giang là một học sinh giỏi toàn diện, là một lớp trưởng năng nổ và luôn có mặt trong các hoạt động phong trào của lớp, của trường. Với mô hình xe buýt đưa đón học sinh, dù để hoàn thiện cần có thêm nhiều hỗ trợ từ các nhà chuyên môn và sự đầu tư thỏa đáng nhưng ý tưởng ấy rất tốt, có ý thức bảo vệ môi trường - vấn đề còn nhiều trăn trở, nhất là với vùng đô thị như Đà Nẵng”.

Chia sẻ về hướng đi tiếp theo của ý tưởng, Hương Giang bộc bạch: “Trong tương lai em rất muốn đề tài của mình được quan tâm, phát triển hoàn thiện để xe buýt trở thành một trong những đặc điểm riêng biệt của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt là xe buýt 2 tầng, kết hợp các hình ảnh biểu tượng, tận dụng khả năng truyền thông. Bên cạnh đó, tích hợp với mục tiêu “thành phố môi trường” bằng cách dùng xe chạy bằng nhiên liệu sinh học hay chạy bằng năng lượng mặt trời; mở rộng các tuyến đường, mở rộng phạm vi áp dụng. Bởi chất lượng môi trường là một vấn đề trong tương lai một thành phố phát triển như Đà Nẵng cần phải giải quyết triệt để”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên