Thứ năm, 19/4/2018, 14h15

Nữ sinh thiết kế mạch điều khiển từ xa

“Ứng dụng Board Arduino thiết kế mạch điều khiển các thiết bị điện trong nhà” là đề tài nghiên cứu tưởng chừng chỉ dành cho các chàng trai, nhưng lại thuộc về hai cô học trò xinh đẹp, giỏi giang Gia Linh, Yến Nhi (học sinh lớp 9/1 Trường Quốc tế song ngữ Học viện Anh quốc - UK Academy Bà Rịa). Đề tài đã đoạt giải ba chung cuộc vòng chung kết “Nhà khoa học trẻ NHG 2018” vừa qua.

Gia Linh và Yến Nhi nhận giải thưởng từ Ban tổ chức cùng với các thí sinh đoạt giải thưởng “Nhà khoa học trẻ NHG 2018”

Từ ý tưởng thiết kế nhà “thông minh”

Ở kỷ nguyên công nghệ số - Internet of Things (IOT), sau Tablet hay Smartphone thì Smarthome - nhà “thông minh” đang nổi lên như một hiện tượng và dần trở thành một xu hướng sống được ưa chuộng trên toàn cầu. Smarthome giúp việc quản lý và điều khiển từ xa các thiết bị trong nhà một cách dễ dàng. Nếu ở các ngôi nhà thông thường, mọi thao tác đều phải tiến hành thủ công cơ học theo nguyên tắc mở/tắt thì Smarthome đã giúp cho gia chủ xử lý các thiết bị một cách “thông minh”, tiện dụng, an toàn và đẳng cấp hơn rất nhiều.

Từ ý tưởng đó, Gia Linh và Yến Nhi chọn đề tài nghiên cứu “Ứng dụng Board Arduino thiết kế mạch điều khiển thiết bị điện trong nhà”. Với công nghệ đơn giản, người sử dụng có thể bật tắt các thiết bị điện trong nhà thông qua màn hình điện thoại Android có hỗ trợ của cổng giao tiếp Bluetooth.

Gia Linh và Yến Nhi bên mô hình dự án “Ứng dụng Board Arduino thiết kế mạch điều khiển các thiết bị điện trong nhà”

Chia sẻ thêm về dự án của mình, Gia Linh cho biết: “Qua tìm hiểu trên Internet và trên thực tế thì nhà “thông minh” đang dần trở thành xu hướng được ưa chuộng bởi vì mang lại nhiều tiện lợi cho cuộc sống của con người. Nhà “thông minh” trên thực tế chi phí cao, hơn nữa khi sửa chữa cần thợ chuyên nghiệp của hãng, phù hợp cho các biệt thự và căn hộ cao cấp. Vậy với những căn hộ, ngôi nhà bình thường muốn sở hữu một ngôi nhà “thông minh” và giá thành phù hợp, dễ lắp đặt, sửa chữa thì cần có một giải pháp phù hợp. Từ những lý do trên kết hợp với khả năng của mình, chúng em quyết định chọn đề tài “Ứng dụng Board Arduino thiết kế mạch điều khiển các thiết bị điện trong nhà””.

Hiệu quả kinh tế - xã hội cao

Hội thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018” là hoạt động thường niên do Tập đoàn Nguyễn Hoàng (NHG) tổ chức nhằm giúp học sinh trau dồi, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống; hình thành các sản phẩm phục vụ cộng đồng, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, đam mê tìm hiểu, nghiên cứu cho học sinh trong hệ thống giáo dục của tập đoàn.

Được sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Vũ Thanh Hải, Yến Nhi và Gia Linh ngoài giờ học trên lớp đã dành hết thời gian cho việc nghiên cứu các giải pháp điều khiển điện trong nhà từ xa bằng điện thoại Smartphone. Trong đó, các em tập trung nghiên cứu cứu hệ thống nhúng (vi điều khiển), hệ thống Board Arduino Nano và giao tiếp Blutetooth. Hệ thống lắp đặt hoàn chỉnh, với tổng chi phí khoảng 8 triệu đồng, Smarthome ứng dụng bộ mạch điều khiển do Gia Linh và Yến Nhi chế tạo tiết kiệm được một khoảng chi phí lớn so với Smarthome thường (giá từ 27-35 triệu đồng). Ngoài ra, bộ sản phẩm có thể sửa chữa nhanh chóng, không cần thợ của hãng, phù hợp với căn hộ bình thường, linh hoạt với túi tiền của chủ nhà. Chính vì vậy, đề tài được hội đồng Ban giám khảo đánh giá cao vì mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo ra được một Smarthome với giá thành rất rẻ, ngay cả người có thu nhập thấp cũng có thể trang bị được hệ thống này.

Về những định hướng để phát triển dự án trong tương lai, Yến Nhi cho biết: “Chúng em đang tiếp tục nghiên cứu thay sóng Bluetooth bằng sóng wifi và sử dụng kết nối Internet để điều khiển các thiết bị điện từ xa dù ở bất cứ nơi đâu có Internet. Ngoài ra, chúng em sẽ tích hợp thêm các Module cảm biến như cảm biến khí gas MQ2, cảm biến siêu âm SFR04, cảm biến ánh sáng… để tạo một Smarthome đầy đủ và hoàn chỉnh”.

Học sinh UK Academy tham dự vòng chung kết cuộc thi “Nhà khoa học trẻ NHG 2018”

Bên cạnh đề tài “Ứng dụng Board Arduino thiết kế mạch điều khiển các thiết bị điện trong nhà”, UKA cũng có đề án “Khảo sát sự ảnh hưởng của thời gian thu mẫu, nhuộm mẫu lên chất lượng tiêu bản hiển vi tạm thời của quá trình nguyên phân rễ cây tỏi (Allium sativum L.)” xuất sắc giành giải nhì chung cuộc.

Huyền An