Thứ ba, 14/2/2017, 22h42

Ôn thi THPT quốc gia 2017: Môn GDCD: Nắm chắc kiến thức cơ bản

Theo thầy Trương Văn Anh Tuấn (giáo viên bộ môn GDCD Trường THPT Ngô Quyền, Đà Nẵng), việc đưa GDCD vào làm môn thi chính thức trong kỳ thi THPT quốc gia đã đưa môn học này về đúng vị trí và tạo động lực cho giáo viên giảng dạy.

Theo nhiều giáo viên, muốn làm tốt bài thi trắc nghiệm môn GDCD, học sinh cần bám sát kiến thức trong SGK (ảnh minh họa). Ảnh: A.K

Tuy nhiên, theo thầy Tuấn, do đây là năm đầu tiên môn học này được áp dụng vào kỳ thi quan trọng nên giáo viên và học sinh còn gặp một số khó khăn, như giáo viên ít có tài liệu tham khảo, học sinh bỡ ngỡ vì môn học này xưa nay hầu như được xem là môn phụ.

Thầy Tuấn cho biết, để học tốt môn GDCD, trước hết phải nắm được kiến thức cơ bản của SGK. Tham khảo, ôn tập, làm nhiều đề thi dựa trên cơ sở khai thác kiến thức SGK, nguồn ngân hàng đề của trường… Học và ôn tập theo hình thức cuốn chiếu: Học đến đâu nắm chắc vấn đề đến đó. Tô đậm những kiến thức đọc hiểu, khắc sâu kiến thức như độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự… Sau mỗi bài học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh trả lời các câu hỏi liên quan để củng cố kiến thức. Việc củng cố kiến thức ngay sau mỗi bài học sẽ hiệu quả hơn trong nắm bắt và ghi nhớ. Bên cạnh đó, học sinh tập làm quen nhiều với dạng đề trắc nghiệm. Chú ý đến các cụm từ nhấn mạnh trong câu, đoạn. Ví dụ: các câu hỏi liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp thường là các nhận định đúng hoặc sai cần phải đọc kỹ câu hỏi để tránh nhầm lẫn. Bên cạnh kiến thức thông hiểu cần nắm vững kiến thức SGK, liên hệ với các tình huống thực tế, bởi môn GDCD không chỉ cung cấp những kiến thức thường thức về pháp luật mà còn giáo dục, uốn nắn học sinh các vấn đề trong cuộc sống, từ giao tiếp, ứng xử, điều chỉnh hành vi. Thầy Tuấn chia sẻ: “Về lâu dài, cần có những bài học cụ thể hơn, bao quát trọn vấn đề hơn, ví dụ như Luật Hình sự, Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình. Ở phần GDCD lớp 10, nên chăng hạn chế bớt phần triết học đồng thời bớt các phần tích hợp vào môn GDCD quá nhiều ví như tham nhũng, giao thông…”. 

Đồng quan điểm, cô Lê Thị Thanh Bình (giáo viên bộ môn GDCD Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) cho biết, mặc dù là năm đầu tiên môn GDCD được đưa vào chương trình thi, không chỉ trò mà cả thầy cũng sẽ thêm áp lực vì vừa giảng dạy vừa phải kiến tạo ngân hàng đề trắc nghiệm cho các em tham khảo, tập làm quen. Bên cạnh đó thi theo hình thức trắc nghiệm cũng rất mới nhưng giáo viên lại rất phấn khởi vì môn học của mình đã có vị trí thay vì bị xem là môn phụ lâu nay. Mặc dù ở một khía cạnh nào đó, GDCD trang bị cho học sinh kỹ năng sống, những kiến thức pháp luật thường thức, dù giáo viên dạy học, kiểm tra đánh giá nghiêm túc cũng khó tác động được nhiều đến thái độ của học sinh đối với bộ môn. Cô Bình cho biết thêm, nội dung GDCD trong chương trình lớp 12 chủ yếu là về luật. Kiến thức thi tốt nghiệp dù gói gọn trong một khối nhưng không thể xem là dễ nếu không muốn nói là tương đối khó. Bởi vậy, học sinh cần nắm được những kiến thức cơ bản, cần thiết trong SGK. Giáo viên trong quá trình giảng dạy, ôn tập phải bao quát hết các kiến thức, nội dung trong SGK, đồng thời phải liên hệ với các tình huống thực tế để có thêm tính vận dụng. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các em cần làm nhiều đề thi trắc nghiệm, thậm chí có thể đặt nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm khác nhau cho mình sau mỗi bài học, tự trả lời để khắc sâu kiến thức. Vừa học vừa ôn tập, không chờ “nước đến chân mới nhảy” vì khối lượng kiến thức SGK dù chỉ có 9 bài nhưng với hình thức thi trắc nghiệm thì rất dàn trải. Cần bám sát SGK và chuẩn kiến thức kỹ năng. Tập làm nhiều đề thi trắc nghiệm càng tốt, từ mức độ dễ đến khó dần. Chú ý đến các cụm từ hoặc khái niệm mang tính khẳng định, phủ định. Phân chia thời gian hợp lý và cuối cùng là cần bình tĩnh, tự tin.

Phan Lệ (ghi)