Thứ bảy, 25/11/2017, 10h36

Ông chủ vườn địa lan lớn nhất Việt Nam

Vườn địa lan hoàng vũ Thành Công của ông Trần Phi Công ở Nam Định đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là “vườn địa lan hoàng vũ tư nhân lớn nhất đất nước”.

Ông Trần Phi Công cho biết phải chăm địa lan như chăm con  ///  Ảnh Hoàng Long
Ông Trần Phi Công cho biết phải chăm địa lan như chăm con. ẢNH HOÀNG LONG
Chăm lan như chăm con
Giống như những người chơi địa lan tôi từng gặp, ông Trần Phi Công (72 tuổi, trú tại khu đô thị Hoà Vượng, thành phố Nam Định) cũng có vẻ thư thái, thoạt nhìn khó tính và có phần quan cách. Mặc khách sốt ruột vì trưa, ông Công đủng đỉnh pha trà, hỏi han đủ chuyện, rồi mới đề cập đến địa lan. “Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đã so sánh: Vua chơi lan, quan chơi trà. Ngày Tết Nguyên đán, có một chậu địa lan hoàng vũ toả tán lá mượt mà, ngồng vươn lên bung những cánh hoa vàng nõn nà, ai cũng thấy lòng mình thư thái”, ông Công bắt đầu câu chuyện về địa lan.
Chơi địa lan đã cầu kỳ, trồng địa lan cũng khó không kém. Chỉ vào một chậu địa lan, ông Công kể: “Chậu địa lan hoàng vũ này tôi trồng năm 2014. Đất phải tìm đất thịt ở cánh đồng, loại không bị bở khi tưới, đem về đập mịn ra, lọc hết tạp chất, rác rưởi rồi phơi khô, bỏ chậu để cấy lan vào. Sau đó là tưới tắm, chăm bẵm để rễ cây lan “ăn đất”, hoà nhập với cuộc sống mới. Nắng quá một chút thì héo, mưa quá một chút thì ủng. Vài tháng chăm sóc như vậy, lan mới bắt đầu đẻ nhánh”. Theo ông Công, một cây địa lan mẹ có thể đẻ nhiều nhánh, nhưng đẻ nhiều thì cả cây mẹ lẫn cây con đều còi cọc, nên một cây mẹ nhiều nhất chỉ để sinh 2 - 3 cây con. Cây con sinh ra lại được chăm bẵm như cây mẹ, để đến lúc mỗi chậu lan có khoảng 30 - 40 cây thì đạt giai đoạn trưởng thành. Đến lớp cỏ trên chậu để trang trí cũng phải chọn loại cỏ thân rêu, có sức sống vừa phải để không ảnh hưởng đến cây lan…
Địa lan chỉ ra hoa vào cuối năm, nhưng quan trọng nhất là làm sao để cây ra hoa đúng dịp giáp tết. Nói về bí quyết chăm sóc 2.300 chậu lan, ông Công cho biết, chỉ trồng theo một công thức, là chăm lan như chăm con. “Thời tiết năm ngoái khắc nghiệt, chỉ có những cây lan dăm năm tuổi trở lên mới có thể thích nghi và ra hoa đúng tết, còn cây non đều ra hoa từ trước tết. Nếu không hiểu mà tác động vào cây một cách bất hợp lý, sẽ gây hại, thậm chí làm lan chết oan”, ông Công nói.
Sau hàng chục năm theo đuổi nghề trồng loài hoa quý này, ông Công rút ra một điều: địa lan quý, hiếm còn bởi loài hoa này biết chọn nơi sinh tồn và chọn người chăm sóc. Vì vậy, không phải ai cũng trồng được địa lan và không phải cứ trồng ở đâu, địa lan cũng sống.
Theo ông Công, ở Việt Nam có hàng chục loài địa lan, trong đó quý nhất là 2 giống hoàng vũ và thanh ngọc. Riêng hoàng vũ được gọi là “nữ hoàng địa lan” vì vẻ đẹp hoàn mỹ với những cánh lá xanh mướt và ngồng hoa vươn cao, cánh hoa to, chuyển từ màu xanh sang vàng và luôn hướng về phía ánh sáng. Địa lan hoàng vũ biểu tượng cho sự khoẻ khoắn, sung túc và chỉ có nhiều ở Nam Định. Nhiều người từng đưa giống lan này đi trồng ở nơi khác nhưng cây lan đều thoái giống, hoa không đẹp như trồng tại Nam Định. Nhưng chính ở địa phương này, nhiều người vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua một chậu hoa về chơi tết, rồi lại đem đến vườn thuê chăm sóc, nếu không muốn lan sẽ chết, hoặc không ra hoa.
Tự cho mình là người đã được “nữ hoàng địa lan” hoàng vũ chọn lựa, ông Công cho biết, dù đầu tư rất nhiều tiền bạc, nhưng để trở thành người có tên, tuổi trong làng địa lan, hầu như ngày đêm ông đều ăn, ngủ cùng địa lan. “Trồng phong lan đã khó, nhưng nếu phong lan bị bệnh, người trồng sẽ biết ngay, vì than, rễ đều lộ thiên, còn địa lan thì thể hiện tính vương giả, quý tộc, cả lúc nó “ốm”. Một cây địa lan mắc bệnh, có khi phải mất 2 năm mới phát hiện ra. Nếu không có kinh nghiệm thì đành nhìn cây lan cứ rũ dần rồi chết. Hơn 10 năm trồng lan, tôi gặp không ít lần như vậy, mất hàng trăm triệu đồng đầu tư để làm lại từ đầu. Vợ con, gia đình khuyên can chuyển nghề, nhưng tôi cứ kiên trì như thế cho đến lúc được cây lan chọn ở lại với mình”, ông Công chia sẻ.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng địa lan
Chơi được địa lan hoàng vũ phải là người có tiền, vì giá một chậu địa lan này trong dịp tết lên tới hàng chục triệu đồng. Vì vậy, ở Nam Định, không nhiều người dám đầu tư trồng địa lan hoàng vũ. Hiện, số người có hàng trăm chậu lan Hoàng Vũ tại địa phương này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng ngay từ năm 2007, ông Trần Phi Công và em vợ là ông Nguyễn Văn Thành (58 tuổi, trú tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định) đã mở vườn địa lan hoàng vũ hơn 200 chậu tại chợ Dần, xã Trung Thành. Đến năm 2011, ông Công quyết định thành lập vườn lan với quy mô lớn, nên mua đất, làm vườn tại xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Sau hơn 6 năm vừa xây dựng, vừa mua, vừa trồng thêm mà không bán, đến nay, vườn địa lan hoàng vũ Thành Công đã rộng trên 5.000 m2, trong đó có 2 khu vực trồng địa lan rộng trên 1.100 m2 với khoảng 2.300 chậu, mỗi chậu lan có khoảng từ 30 - 40 cây. Cây giống giá từ 400.000 - 700.000 đồng, mỗi cây trưởng thành khoảng 1,5 triệu đồng, trung bình mỗi chậu giá 15 - 20 triệu đồng, riêng giá trị cây tại vườn địa lan này lên tới khoảng trên 30 tỉ đồng.
Ngày 19.1, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập vườn địa lan của ông Trần Phi Công là “Vườn địa lan hoàng vũ tư nhân lớn nhất nước”. Cũng từ thời điểm này, ông Công quyết định sẽ bán lan ra thị trường. Quan trọng hơn, ông sẵn sàng chuyển giao kinh nghiệm trồng địa lan cho những người yêu lan để phát triển loài hoa quý này.

Văn Đông/TNO