Thứ bảy, 21/1/2017, 16h20

Ông giáo sư Việt kiều hành động vì nguồn cội

Bộ comple giản dị, mái tóc bạc trắng và nụ cười đôn hậu thường trực, đặc biệt khi tiếp xúc và được ông chia sẻ, tôi và những người xung quanh đều có chung cảm nhận: Ẩn trong con người bình dị, thanh tao đó là một trí tuệ lớn giàu cảm xúc tình thân, thu hút và truyền cảm hứng.

Giáo sư Trần Thanh Vân trò chuyện với phóng viên Giáo dục TP.HCM. Ảnh: Thanh Sơn

Đó chính là GS. Trần Thanh Vân - Việt kiều Pháp - nhà nghiên cứu bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử của thế giới!

Tầm nhìn về chấn hưng giáo dục

Khó điểm hết những tụng ca nồng nhiệt dành cho GS. Trần Thanh Vân, bởi như ông tâm sự, đối với một nhà khoa học, không có mong muốn nào lớn hơn là được cống hiến cho quê hương. Vì vậy, còn thời gian và sức lực ông đều dành cho các công việc có liên quan đến Việt Nam.

Ngoài niềm đam mê cháy bỏng với lý thuyết vật lý nguyên tử, nhiều năm qua, GS. Vân còn đưa các nhà vật lý trên thế giới đến gần nhau hơn qua các hội nghị về vật lý mà ông tham gia tổ chức từ Hội nghị “Gặp gỡ Moriond” đến Hội nghị “Gặp gỡ Blois”, ông cũng là người sáng lập Hội Khoa học “Gặp gỡ Việt Nam” - tổ chức phi chính phủ thành lập ở Pháp năm 1966, thành viên UNESCO - nhằm hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Hội do ông làm Chủ tịch đã tổ chức thành công nhiều hội nghị vật lý quốc tế tại Việt Nam có sự tham dự của các GS đạt giải Nobel, giải thưởng Fields. Ông cũng chính là người đã “chinh phục” được GS. Odon Vallet để người đồng nghiệp ở ĐH Sorbonne quyết định chuyển một phần tài sản thừa kế 100 triệu euro, thành học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2001-2012, Quỹ học bổng “Gặp gỡ Việt Nam” đã trao cơ hội, tiếp sức cho trên 20.000 trường hợp với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Đặc biệt, GS. Vân còn là nhà sáng lập và lãnh đạo Dự án Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn.

GS. Klima Boaz (Trung tâm Nghiên cứu Fermilab - Mỹ) - người bạn thân thiết của GS. Vân, đồng chủ trì “Gặp gỡ Blois” - phải thốt lên rằng: “GS. Trần Thanh Vân là con người của những điều tưởng như không thể, có tầm nhìn xa, dám mơ ước và dám làm. Lúc ông nói về trung tâm dự định xây dựng ở Việt Nam, ai nấy đều ngao ngán lắc đầu. Vậy mà ông cứ làm và làm được”.

GS. Trần Thanh Vân, còn gọi là Jean Trần Thanh Vân, người Pháp gốc Việt. Năm 1953, khi mới 16 tuổi ông đã rời quê nhà Quảng Bình đến Pháp du học. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, trong hơn 4 thập kỷ qua, các đóng góp khoa học của ông thể hiện ở việc cống hiến 300 công trình khảo luận, 115 đầu sách; ông được công nhận là GS danh tiếng của ĐH Paris lừng danh, được nước Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh; Viện Hàn lâm Khoa học Nga trao bằng tiến sĩ khoa học danh dự; Viện Vật lý Mỹ trao huy chương AIP Tate ghi nhận đóng góp của nhà vật lý nước ngoài (không phải người Mỹ) cho cộng đồng vật lý thế giới.

Nói về việc tại sao không chọn quê hương Quảng Bình nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình để đặt Trung tâm ICISE, ông chia sẻ, tôi chọn Quy Nhơn vì thấy nơi đây có những điểm mình thật sự ưng ý. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định sẵn sàng chia sẻ gánh nặng tạo lập tiền đề vật chất, góp phần thúc đẩy hợp tác khoa học Bắc - Nam, chấn hưng giáo dục, nâng cao trình độ, kiến thức khoa học trong nước. Đơn cử như khi mới bắt đầu kế hoạch, ICISE chỉ nằm trong quy mô khoảng 10 hécta nhưng sau đó, tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện bằng cách cấp thêm gần 10 hécta, nâng tổng diện tích được sử dụng lên gần 20 hécta, giúp cho quy mô của ICISE hiện đại, khang trang, đáp ứng được nhiều nhu cầu của nghiên cứu, khoa học…

Hành động vì nguồn cội

Tại buổi gặp gỡ các kiều bào những tháng cuối năm 2016 tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: “Tôi kêu gọi đồng bào người Việt ở nước ngoài cùng chung sức xây dựng TP.HCM văn minh-hiện đại-nghĩa tình. Mỗi kiều bào dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó suy nghĩ khác về đất nước nhưng trong tim luôn đầm ấm về đất nước, nơi quê hương mỗi người chỉ một, nơi chúng ta cùng dòng máu Lạc Hồng. Dân tộc ta là một. Chỉ có đại đoàn kết mới đại thành công...”. GS. Vân cho rằng: “Việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam truyền thông điệp tới 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập trên toàn thế giới, chính là sự kêu gọi cộng đồng chung sức vì nguồn cội. Đó không chỉ là lời kêu gọi của Thủ tướng mà nó còn là truyền đạt, kế thừa tâm nguyện của các thế hệ lãnh đạo trong nước trước đây và Việt Nam hiện nay, đặc biệt coi trọng sự đóng góp về tri thức-khoa học-công nghệ… của kiều bào cho sự phát triển lớn mạnh của đất nước. Chúng tôi đặt niềm tin vào sự trọng thị đó”.

GS. Vân nhấn mạnh, tùy vào từng điều kiện của các kiều bào, chúng tôi mỗi người có cách làm riêng để phát huy được sức mạnh đó. Hiện nay, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã giới thiệu được một số tài năng trẻ, nhà khoa học đang làm việc ở nước ngoài về giảng dạy tại một số trường đại học trong nước. Để tận dụng được những tài năng đó, cũng như của người Việt trên toàn thế giới về Việt Nam cống hiến, theo GS. Vân, trước tiên các bộ ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện được “tinh thần” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đạt! Phải thật sự trọng thị người tài. Kế đến là mức thu nhập, có thể chưa bằng như ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại rất có ý nghĩa. Bằng cách đó, những trí thức mới có thể yên tâm, tập trung hoàn toàn cho công việc, nghiên cứu. “Để “thông điệp” của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống, thì phải sớm có những giải pháp quyết liệt và thực tế. Giải pháp quyết liệt ở đây bắt đầu từ việc dùng người tài. Ở đâu có người tài, trong nước hay ngoài nước, hãy dùng người đó. Làm được như thế người dân sẽ thấy lời nói đi đôi với việc làm”, GS. Trần Thanh Vân tin tưởng.

Huy Cận