Thứ hai, 24/11/2014, 20h11

Ông thầy một đời phiêu bạt với ngón đờn

Bàn tay run run, yếu ớt khi ông tự lần cài chiếc nút cổ tay áo, nhưng ngón đàn thì vẫn nhấn nhá ngon lành! Trong ngôi nhà của nghệ nhân dân gian Nguyễn Tấn Nhì, thanh âm gì có thể xa vắng, nhưng đờn ca tài tử thì vẫn mãi vút lên.
Một đời đờn ca tài tử, cùng những đóng góp quý giá trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa này, soạn giả Nguyễn Tấn Nhì vừa được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
“Đờn ca đi cùng năm tháng”…
Ngôi nhà của soạn giả Tấn Nhì nằm lọt thỏm giữa cánh đồng sâu hút thuộc xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM), xung quanh là bãi lúa non mơn mởn, rì rào. Lối vào là bờ ruộng, hẹp tới nỗi bạn bè thân hữu lần nào chạy xe vào nhà ông dự đám giỗ đều được… lội sình, áo quần phải phơi vắt vẻo! Trong ngôi nhà, thứ nhiều nhất đếm được là… ghế. Mỗi chiếc ghế đơn sơ là chỗ ngồi thân thuộc của những người bạn tri âm, cùng ông sẻ chia đam mê đờn ca tài tử suốt những tháng năm ngọt bùi, cay đắng. Thế mà có những ngày đờn ca, người mộ điệu tứ xứ tụ họp về, bấy nhiêu ghế cũng không đủ, phải lót gạch ngồi trên nền đất.
Từ sau ngày đất nước giải phóng đến nay, ngôi nhà mộc mạc của nghệ nhân trở thành “tụ điểm” đờn ca tài tử. Mỗi cuối tháng và ngày 18 tháng giêng âm lịch hằng năm, người khăn gói từ Đà Lạt xuống, người lặn lội từ Đồng Nai sang, người từ Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp lên… tất cả cùng hòa mình vào âm nhạc dân tộc. Ông bảo, đó là không gian mà đờn ca tài tử “sống” mạnh mẽ, nơi những người đờn, người ca thể hiện được ngẫu hứng sáng tạo. Quan điểm bảo tồn, phát huy nghệ thuật này, theo nghệ nhân, cũng nằm ở chỗ tạo được “đất sống” dân dã, tự nhiên cho đờn ca tài tử.
Những tụ điểm “vỉa hè”, “bụi đời” (theo cách gọi vui của nghệ nhân) một khi đã có bạn tri âm, tâm hồn đồng điệu thì đờn ca tài tử có thể vượt cả luật “lục kỵ” và “thất bất đàn” để chạm đến mạch cảm hứng dâng trào nhất. Vì vậy mà trong cuộc đời đờn ca, có khi tụ điểm để ông gặp gỡ bạn bè tri âm chỉ là một mé đường ngay chân chợ Cầu Muối (Q.1), nơi không bàn, không ghế, chỉ có dòng xe cộ qua lại ngược xuôi. Hay như hiện nay, tụ điểm đờn ca tài tử chỉ là góc cà phê bé nhỏ cạnh bên Bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5), nơi ông cùng bạn hữu thường xuyên lui tới. Dung dị vậy, nhưng khi ông cùng bạn đờn, bạn ca cất lên tiếng nhạc là tâm hồn như thể “lọt” trong ngây ngất, quên cả giờ đi giấc về. Ông bảo, đó là những cảm xúc không phải lúc nào cũng dễ bắt gặp được ngay cả khi biểu diễn trên một sân khấu lớn.
Chưa học chữ đã biết đờn
Hai lần trong đời, soạn giả Tấn Nhì bỡ ngỡ, vụng về tập tành đờn ca. Lần đầu vào 5 tuổi, thậm chí chưa đi học chữ, “cậu bé” Nhì mắt đã xoe tròn thích thú nghe các bậc cha chú đờn tranh, kìm, cò, gáo, độc huyền… trong đám giỗ tại nhà, rồi tò mò chạm vào phím nhạc. Lần thứ hai khi người đàn ông tóc đã ngả màu, cơn bạo bệnh tai biến mạch máu não khiến tay run rẩy, chân run rẩy, không thể điều khiển ngón đờn theo ngẫu hứng cảm xúc. Cả hai lần ấy, đối với ông, đều chưa hề xa vắng!

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tấn Nhì (thứ hai, bìa trái) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ

Chiều trầm ngâm bên chiếc bàn cạnh ô cửa sổ, ông nhớ về tuổi thơ chăn trâu, mặt lấm lem bùn đất. Sáng sáng, cùng mấy anh em, cậu bé Nhì ngồi lên lưng trâu vừa xướng âm hò - xự - xang - xê - cống theo các điệu nhạc cổ truyền. Chiều chiều, mấy anh em lại tập đờn, làm sứt phím, đứt dây bao nhiêu lần không kể hết. May mắn được phụ thân mời thầy về dạy đờn, cứ thế cậu bé Nhì chưa đọc được chữ đã biết xướng âm, thuộc làu ba bản Lưu Bình Kim, rồi biết đờn kìm lúc nào không nhớ rõ. Sau này, khi chơi thạo được nhiều nhạc cụ khác (tranh, cò, gáo, sến, tỳ bà…), gặp thêm những tâm hồn đồng điệu, tri âm nữa, ông có dịp mang tiếng đờn đi xa, đến nhiều vùng đất mới.
Hành trình mang tiếng đờn, lời ca đi phục vụ đồng bào đi xây dựng kinh tế mới gắn với những ngày ông tham gia Đoàn Văn công quận 2 (TP.HCM) từ khi ngừng công việc luật sư sau ngày đất nước giải phóng. Đó có khi là những chuyến xe trên nẻo đường gập ghềnh, nghiêng qua đảo lại vì ổ gà, ổ voi, cheo leo dốc. Rồi có khi cả đoàn hồi hộp, khấn nguyện khi cùng nhau qua sông bằng chiếc ghe vừa chèo vừa… tát nước. Và cũng có khi cả đoàn nối đuôi nhau lội bộ trên đường ruộng khô cằn dài hàng cây số… “Dân vùng kinh tế mới còn khó khăn, bữa “chiêu đãi” đoàn sau giờ biểu diễn chỉ là cháo trắng với muối, nhưng vì đói lả, mọi người thi nhau húp rột rột”, nghệ nhân hồi tưởng hương vị mộc mạc một thời xưa cũ, ông kể tiếp: “Lần đờn ca tài tử ở Bình Dương cách đây lâu lắm rồi, qua 1 giờ rưỡi chiều mà chưa có gì vào bụng. Trong lúc thức ăn nấu chưa kịp chín, mọi người cơm chan mắm, lại ăn ngon lành. Cả hũ tương chay mà nghệ sĩ Bạch Huệ mang theo khi đó, mỗi người chia nhau một ít, nhanh chóng cạn veo”. Cũng có lúc được thưởng thức đặc sản của những vùng đất khác, nhưng với ông, những bữa ăn đơn sơ đến tận hôm nay vẫn còn thấy ngon miệng, ấm lòng!
Hành trình đem đờn ca tài tử đến với bà con muôn nơi, cứ như vậy, ông có bữa ăn đạm bạc; ông có giấc ngủ vội vàng nơi vệ cỏ ven đường; ông đôi lúc gặp được ở quán cà phê, chưa kịp khuấy tan đường trong ly nước đã ngủ mê mệt lúc nào chẳng biết… Nhưng vì vậy mà với ông, những năm tháng đã trôi qua thật đong đầy ý nghĩa!
Lặng lẽ ươm mầm!
Góc bàn ông ngồi, khoảnh sân ông trồng cây, chùm hoa đong đưa, bãi cỏ um tùm giăng lối… Ngôi nhà của vị nghệ nhân dân gian “dân dã” tới độ có thể làm “dịu” lòng những ai đang tâm trạng “thương nhớ đồng quê”. Âm thanh ồn ã nhất không phải tiếng xe mà là tiếng cục tác của mấy con gà mái chuẩn bị đẻ trứng. Trong ngôi nhà, không tìm thấy chiếc xe máy nào. Rất lâu rồi, từ ngày “tai biến”, ông không tự chạy xe được. Ngay cả bậc thềm mỗi ngày ra vào, ông cũng từng bước run run khó nhọc. Cả chiếc nút cổ áo tay trái, ông cũng không thể cài gọn gàng. Tuổi 78, chỉ khác xưa là bên ông đã có thêm những vỉ thuốc hoạt huyết dưỡng não, còn lại vẫn những cây đờn quen thuộc được nâng niu cất giữ trong chiếc tủ gỗ cũ kĩ mà sinh thời cha của ông vẫn dùng treo áo dài dành mặc mỗi lần chơi đờn. Vẫn niềm đam mê đặc biệt dành cho đờn ca tài tử, mặc dù cả tuổi thơ, thời thanh xuân, trai trẻ của ông cũng đã gửi trọn vào môn nghệ thuật ấy. Và vẫn trong ánh mắt là đau đáu ước nguyện truyền lại đam mê, cảm hứng để lớp con cháu kế cận biết đờn ca, biết dành cho đờn ca tài tử một tình yêu chân thật.
Không phải đến tận bây giờ, mà đã hàng chục năm nay, ông lặng lẽ ươm những mầm non cho nghệ thuật đờn ca tài tử! Trong vùng trí nhớ có phần nhạt phai vì tuổi tác, ông không thể nhớ hết để gọi được tên những học trò đã đến tận nhà để học, ở trung tâm hay các địa phương. Nhưng nhiều cái tên trong đó, nhờ được ông thổi vào hồn niềm đam mê mà thêm yêu, thêm gắn bó với đờn ca tài tử. Và nhiều cái tên trong đó đã được đứng vào lớp nghệ sĩ đờn ca kế cận, được biết đến, được nổi danh, làm hạt nhân nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử Nam bộ. Dù cuộc sống hiện đại có đôi phần bất lợi cho đờn ca tài tử, nhưng theo ông, giữa “cuộc chiến không vũ khí” với tân nhạc, đờn ca tài tử cứ cắm sâu gốc rễ trong lòng dân thì sẽ bật dậy sức sống. Ông tin là như vậy!
Tuổi 78, ông vẫn ngồi vào bàn sáng tác miệt mài. Bên ngoài mái hiên, con gà mái cũng tiếp tục đẻ thêm trứng…
Bài, ảnh: Mê Tâm