Thứ năm, 6/10/2016, 20h35

Phải có kỹ năng giải nhanh mới đạt điểm cao

Bộ GD-ĐT đã công bố 14 đề minh họa các môn thi để giáo viên và học sinh tham khảo (xem tại địa chỉ: www.giaoduc.edu.vn). Theo Bộ GD-ĐT, đề minh họa sẽ không được sử dụng làm đề thi chính thức, nhưng qua đó học sinh sẽ hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức để ôn tập.

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn lịch sử. Ảnh: A.Khôi

Kiến thức dàn trải

Nhiều giáo viên bộ môn của Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) cho rằng, các đề thi minh họa ra khá vừa sức với học sinh. Với mức độ như vậy, các em có học lực trung bình có thể dễ dàng đạt 5-6 điểm bởi đa số câu hỏi nằm ở kiến thức SGK lớp 12. Cách ra đề hay và phù hợp với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá. Cụ thể, ở đề ngữ văn, số lượng câu hỏi ít, nghiêng về thông hiểu và cảm nhận chủ quan của người viết, phát huy được khả năng cảm thụ văn học của người học. Trong khi đó, đề tiếng Anh không mới, không khác nhiều so với đề thi các năm trước đây. Còn đề vật lý có mức độ 50% là dễ, 30% ở mức độ hiểu dành cho học sinh khá, số câu mang tính vận dụng dành cho học sinh giỏi chiếm khoảng 20%.

Tương tự, với đề lịch sử, cô Võ Thị Mỹ Tiên (Tổ trưởng Tổ sử - GDCD Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ) nhận xét: Đề hay, với 40 câu nhưng bao quát hết chương trình lớp 12. Mức độ từ dễ đến nâng cao: Tái hiện, thông hiểu, vận dụng. Nội dung câu hỏi khoa học, đảm bảo yêu cầu đánh giá trình độ, năng lực học sinh. Tuy nhiên do đặc trưng dạy và học môn lịch sử là phải nắm kỹ từng giai đoạn, từng chương với những vấn đề và sự kiện của giai đoạn đó. Khi nắm được giai đoạn nào, các em làm sơ đồ tư duy là sẽ tái hiện được những vấn đề nổi bật của giai đoạn, của chương đó, trong khi đề minh họa cho các câu hỏi xen kẽ giữa từng chương, từng giai đoạn lịch sử nên e rằng nhiều em sẽ không có thời gian và sự nhạy bén để kịp tái hiện kiến thức của từng giai đoạn lịch sử xen kẽ nhau.

ĐỀ MINH HỌA GDCD BÁM SÁT CHƯƠNG TRÌNH

Là một bộ môn lâu nay hầu như việc dạy học chỉ hướng đến mục đích giáo dục nhân cách, giúp học sinh biết, hiểu nhiều hơn về lẽ phải, cách ứng xử tử tế… nay được đưa vào chương trình thi khiến cho giáo viên và học sinh băn khoăn. Tuy nhiên, việc Bộ GD-ĐT công bố sớm đề thi minh họa đã giải tỏa được nỗi băn khoăn trên. Theo tôi, đề thi minh họa môn GDCD tương đối bao quát được chương trình học lớp 12. Những câu hỏi trắc nghiệm cũng không hề đánh đố học sinh. Thời gian 50 phút cho số lượng 40 câu hỏi không quá ngắn, đủ để các em có thể tư duy, đưa ra lựa chọn đáp án đúng đắn cho mỗi câu hỏi. Tuy nhiên, đề thi cần phải đưa thêm thông tin cụ thể về văn bản quy định của Hiến pháp mới để học sinh không bị nhầm lẫn giữa văn bản Hiến pháp cũ và mới. Ví dụ như với các câu hỏi liên quan tới công dân và quyền tự do dân chủ, hôn nhân gia đình…, những bài này đều đã có trong Hiến pháp mới. Nếu trong câu hỏi đề thi không đưa vào thì học sinh sẽ dễ bị nhầm lẫn.

Nguyễn Thị Hằng 
(Giáo viên Trường THPT
Lê Thế Hiếu, Quảng Trị)

Ở môn toán, thầy Phan Thanh Thuận (giáo viên Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng) cho biết đề minh họa dễ hơn các năm trước, vừa sức với học sinh. Đặc biệt, nội dung đề bao quát và bám sát được chương trình lớp 12 và một số chương chính ở lớp 10, 11. Trong 90 phút, các em có thể hoàn thành được bài thi của mình mà không lấn cấn lắm về thời gian. Với học sinh thi lấy điểm tốt nghiệp, lực học trung bình có thể đạt từ 5-6 điểm. Một điểm hay khác của đề thi toán là nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng sử dụng máy tính để tính toán. Một số câu hỏi như vay tiền trả dần, gò thùng thủ công mang tính ứng dụng thực tế, thực tiễn cao.

Do đề ra dàn trải nên học sinh buộc phải học và nắm vững tất cả kiến thức. Những học sinh không có chiến lược và kỹ năng giải đề nhanh sẽ rất khó để làm hết bài thi vì không đủ thời gian.

Học sinh bối rối với các môn tự nhiên

Em Đặng Bảo Ngọc (học sinh Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) cho biết em mới xem qua đề thi minh họa các môn khoa học xã hội và thấy nội dung khá nhẹ nhàng. Những câu hỏi trong đề GDCD rất hay, mang tính tổng hợp cao. Đề có rất nhiều câu liên quan đến đời sống sinh hoạt của con người hàng ngày như quyền bình đẳng trong kinh doanh; bình đẳng giữa cha mẹ - con cái; hành vi cố ý đánh người phạm tội gì... Tuy nhiên, ở đề minh họa môn toán và các môn trong tổ hợp khoa học tự nhiên lại khiến nhiều học sinh băn khoăn lo lắng. Em Hồ Huy Vĩnh Phú (học sinh lớp 12A12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM)  cho hay, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa, nhiều học sinh trong trường đã xôn xao với đề toán. “Với những phần đã được học qua thì câu hỏi không khó, nhưng lại đòi hỏi mất nhiều thời gian và sự tính toán cẩn thận. Thời lượng 90 phút mà có tới 50 câu hỏi, vừa đọc đề, phân loại đề, vừa giải đề là không đủ. Đó là chưa kể đề thi còn xuất hiện một số câu hỏi mang tính lý thuyết, có sự kết hợp giữa hình học và đại số trong cùng một câu hỏi khiến chúng em bối rối”, Vĩnh Phú bày tỏ.

Chưa hết, Vĩnh Phú còn cho biết thêm: “Chúng em cảm thấy rất áp lực cả về thời gian lẫn kiến thức khi phải thi 3 môn trong cùng một buổi. Và trong 150 phút làm 3 môn thi trong tổ hợp khoa học tự nhiên với 120 câu hỏi là quá áp lực đối với thí sinh”. Tương tự, Đào Duy Khoa (học sinh lớp 12 Trường THPT Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng) nói: “Đây là lần đầu tiên thực hiện bài thi theo phương pháp trắc nghiệm ở các môn lâu nay thi tự luận nên em thấy hơi lo lắng. Vì chưa được học hết chương trình nên khó đánh giá chính xác mức độ khó, dễ của đề minh họa. Tuy nhiên, điều đáng mừng là năm nay phương án thi và đề minh họa được công bố sớm em có thời gian chuẩn bị nhiều hơn”.

Nhóm PV