Thứ ba, 12/12/2017, 20h57

Phải xây dựng văn hóa sản xuất thực phẩm an toàn

Ngày 12-12, Bộ Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm của khu vực ĐBSCL”.

Theo các chuyên gia, tính cấp bách hiện nay của thị trường VN cũng như thế giới là đòi hỏi hàng nông sản an toàn, không tồn dư chất bảo vệ thực vật. Trong khi VN đang gặp khó khăn ở khâu này.

Ông Oleg Marinov - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Cộng hòa Bulgaria - chỉ ra: “Xuất khẩu nông sản của VN vào EU đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Nhiều mặt hàng thực phẩm không đạt được vị thế vững chắc trên thị trường EU. Khó khăn khác là các rào cản phi thuế quan như xuất xứ, đặc biệt là chất lượng an toàn thực phẩm vì thị trường EU đặt ra tiêu chuẩn rất cao về vấn đề này. Trong khi đó các sản phẩm nông nghiệp của VN như chè, rau, hoa quả, cá vẫn còn nhiều hạn chế do dư lượng thuốc trừ sâu...”.

Đồng tình, ông Phạm Thái Bình - TGĐ Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - thừa nhận: “VN có hơn 200 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nhưng rất hiếm DN liên kết với nông dân để sản xuất gạo sạch. Hiện nay chưa được 20% gạo VN sản xuất theo tiêu chí an toàn, đảm bảo không có dư lượng thuốc trừ sâu. Nếu không sản xuất gạo an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường thì không thể có chuỗi giá trị. Hiện nay châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang cần mua rất nhiều gạo sạch nhưng gạo của VN không đạt chuẩn để bán. DN VN chủ yếu là vừa và nhỏ, không có nhiều vốn nên cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ để DN đủ khả năng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo quy trình chất lượng cao. Như vậy mới nâng cao được chuỗi giá trị thực phẩm”.

Từ thực tế này, TS. Huỳnh Văn Kiệt - Chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) - cho rằng: “Chúng ta có thể hợp tác với Nhật trong việc nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Kinh nghiệm của Nhật là thành lập Hiệp hội nông sản, nông dân cùng sản xuất theo một quy trình. Khi thu hoạch không đưa nông sản về nhà mà đưa vào Hiệp hội, Hiệp hội sẽ phân phối sản phẩm đến các siêu thị hoặc xuất khẩu. Cách làm này hạ giá thành của logistic, đem lại lợi nhuận cao cho nông dân”.

Ông John G.Keogh - Phó Chủ tịch Tổ chức Tiêu chuẩn toàn cầu - nêu ý kiến: “Các nhà lãnh đạo, các DN khu vực ĐBSCL phải quan tâm xây dựng hành vi của con người trong sản xuất. Hãy học Thái Lan trong sản xuất nông sản, tức là phải xây dựng văn hoá sản xuất thực phẩm an toàn, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc. Một cổng thông tin về sự minh bạch của sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL là điều cần thiết, nếu muốn thu hút các nhà đầu tư”.

Kết  thúc hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương - cho biết: “EU là thị trường xuất khẩu lớn của VN nhưng cá tra của ta vào EU có giá khoảng 2euro/kg, trong khi đó một loại cá tương tự của Israel sang EU có giá hơn 5euro/kg. Các mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều của VN giá đều thấp hơn các nước khác. Hàng của VN chủ yếu là xuất thô, kinh nghiệm marketing còn hạn chế. Cá nhân tôi cho rằng Chính phủ đã có chính sách kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp nhưng các địa phương cần cụ thể hơn chính sách đó bằng các chủ trương ưu đãi để kêu gọi nhà đầu tư. Chúng tôi và VCCI sẽ tăng khả năng kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước với người sản xuất, đồng thời đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến VN đầu tư kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và chế biến nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản ĐBSCL và VN”...

Đan Phượng